Nguyễn Quốc Hùng - Người thầy của niềm đam mê

GD&TĐ - Thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng sinh năm 1941 tại Hà Nội, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Ngữ (nay là Đại học Hà Nội).

Thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA trong một buổi chia sẻ về học tiếng Anh. Ảnh: NVCC
Thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA trong một buổi chia sẻ về học tiếng Anh. Ảnh: NVCC

Bút danh Nguyễn Quốc Hùng, MA gắn với ông qua hơn hai mươi năm giảng dạy tiếng Anh trên sóng phát thanh truyền hình, tác giả của gần 100 đầu sách về dạy và học ngoại ngữ này.

Ông còn là một dịch giả say mê thơ cổ điển Anh, cây bút văn xuôi với giọng điệu nhẹ nhàng, tinh tế. Ở đó, tiếng Việt được ông trân trọng, như tình yêu ông dành cho gia đình, cho cội nguồn gốc gác quê hương.

Một số tác phẩm văn xuôi và thơ dịch đã xuất bản của ông: “Mùa Thu xa xứ” (2012), “Những mùa lá bàng rơi” (2014), “Nhớ” (2016), “Miền đất xanh” (2017), “Mùa Thu” (2021).

Thầy giáo… idol

Ở thời điểm bắt đầu bài viết này, tôi gõ trên Google cụm từ “Nguyễn Quốc Hùng, MA”, nhận về thông báo “khoảng 23.600.000 kết quả, trong 0,24 giây”. Một con số thật ấn tượng. Trong thời buổi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, các giáo trình giảng dạy tiếng Anh cũng liên tục thay đổi, bản thân ông đã “lui về ở ẩn”, song nhiều người vẫn nhớ đến ông - nhân vật tiêu biểu của một thời kỳ sôi nổi học tiếng Anh qua sóng phát thanh truyền hình.

“Trong đời tôi có ba điều say mê: Tôi được học ngành tôi mơ ước, ngành ngoại ngữ; tôi được làm nghề tôi yêu thích, nghề giáo; tôi được làm một việc có ý nghĩa lớn lao, dạy học trên sóng. Nếu như tôi được sống lại lần nữa chưa chắc đã được cả ba điều ấy”. (Trích “Những mùa lá bàng rơi”)

Thập niên 90 thế kỷ trước, khi đất nước mới mở cửa, việc học tiếng Anh bắt đầu phát triển ở thành phố, song các vùng quê xa xôi thì còn bao khó khăn trắc trở. Hình ảnh người thầy giáo đeo kính trắng, mặc sơ mi trắng, giọng nói truyền cảm cùng ngữ điệu tiếng Anh chuẩn xác đã in sâu trong tâm trí hàng triệu học sinh, sinh viên.

Cả với những người không giỏi tiếng Anh, không học tiếng Anh thì hình ảnh đó vẫn đậm nét, như truyền tải một thông điệp về người thầy tận tụy khai sáng, về nỗ lực cần phải học tập phấn đấu để trưởng thành, tiếp cận các giá trị mới của thời đại.

Những đóng góp của thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng đối với việc dạy và học tiếng Anh ở nước ta qua mấy chục năm nay đã được đề cập nhiều trên báo chí truyền thông. Ở cả ba lĩnh vực: Giảng dạy, dịch thuật và viết sách, ông đều dành tâm huyết trọn vẹn.

Và để có được những thành công mang tên Nguyễn Quốc Hùng, MA, đó là một hành trình với không ít khó khăn, song cũng tràn đầy cảm hứng. Hành trình ấy cũng được tái hiện chân thực, giàu cảm xúc qua tập hồi ức “Mùa Thu xa xứ”, đặc biệt qua “Những mùa lá bàng rơi” - cuốn tiểu thuyết mang dáng dấp tự truyện.

Kí ức những mùa lá bàng rơi đưa người đọc trở về Hà Nội khoảng thời gian bị tạm chiếm. Khung cảnh đô thành nguyên sơ với những con phố tĩnh lặng rợp bóng cây xanh, bước ra khỏi nhà là chạy nhảy nô đùa thoải mái, buổi tối có thể đi bắt cào cào châu chấu, muồm muỗm và cả dế mèn.

Và ngôi nhà ở phố nhỏ Nam Ngư là nơi cậu bé Hưng (nhân vật chính trong “Những mùa lá bàng rơi”) sinh ra, lớn lên, nơi lưu giữ ký ức cả gia đình gắn với những chuyển biến đổi thay của Hà Nội qua hơn nửa thế kỷ.

Theo bước chân của nhân vật Hưng có thể nhận ra từng chặng đường của thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng. Mẹ ông là một phụ nữ nhân hậu đảm đang, toàn tâm toàn ý với gia đình.

Cha ông là một trí thức có tinh thần dân tộc, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, đồng thời luôn theo sát việc học hành của các con để kịp điều chỉnh, định hướng. Những tháng ngày tuổi thơ thật êm đềm hạnh phúc, như một giấc mơ không bao giờ trở lại.

Sau mốc thời gian 10/10/1954, Hà Nội và cả miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa, kinh tế bao cấp. Nhiều đổi thay cải cách diễn ra trong mọi lĩnh vực. Hệ thống giáo dục Pháp được thay thế bằng hệ phổ thông 10 năm của Liên Xô.

Gia đình thuộc thành phần công chức lưu dụng, không có đóng góp với kháng chiến, do đó khi hòa nhập vào đời sống mới này, ở tuổi thiếu niên nhạy cảm, Hùng cảm nhận được “tấm thẻ vàng” vô hình giăng trước mặt. Để làm “mờ” đi tấm thẻ này, Hùng cũng như mọi thành viên trong gia đình đã luôn nỗ lực cố gắng trong học tập, trong công tác và trong cuộc sống đời thường.

Nếu nhìn một cách tích cực, thì tấm thẻ vàng ấy cũng góp phần làm nên một thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng về sau, ở cả góc độ sự nghiệp và nhân cách. Nó rèn giũa thêm cho ông đức tính nhẫn nại, lấy khát vọng và lòng tự trọng làm mục đích sống.

Học tập là nhiệm vụ, cũng là niềm say mê suốt đời của ông. Học khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Học khi đã trở thành giảng viên và có nhiều học trò thành đạt. Học cả khi đã nghỉ hưu. Khái niệm học của ông luôn rộng mở, bởi ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào và với bất cứ ai cũng có thể thu nhận được những tri thức quý báu.

Tốt nghiệp lớp 10, chàng thanh niên Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng có 3 năm dạy học ở vùng núi Cao Bằng. Khoảng thời gian 3 năm này là một bước đệm giúp Hùng được ghi tên vào phân khoa Tiếng Anh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp một thời gian, khi Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Hà Nội ngày nay) được thành lập, Nguyễn Quốc Hùng là một trong những giảng viên đầu tiên được bổ nhiệm về công tác tại đây.

Ông đã gắn bó với ngôi trường này tới khi nghỉ hưu. Cơ duyên được tham gia những khóa đào tạo chuyên sâu về âm vị học, về phương pháp học tiếng Anh, về thiết kế các chương trình dạy ngoại ngữ bằng media… cũng bắt đầu từ đây.

Một số tác phẩm của thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA. Ảnh: Anh Thư

Một số tác phẩm của thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA. Ảnh: Anh Thư

Tầm nhìn của khát vọng

Học tiếng Anh như thế nào cho phù hợp luôn là điều trăn trở của thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, khi nhà nhà học tiếng Anh, người người học tiếng Anh, và chi phí học ngốn một phần không nhỏ trong thu nhập gia đình. Tiếng Anh phải được học như một ngôn ngữ chứ không phải một công cụ.

Học như một công cụ sẽ chỉ phù hợp với nhu cầu trước mắt, ngắn hạn, làm ảnh hưởng tới nhiều giá trị. Học như một ngôn ngữ là đồng thời tiếp cận cả một nền văn hóa. Học ngôn ngữ cũng không thể tách rời văn học, bởi văn học chính là nơi ngôn ngữ được thể hiện với tất cả vẻ đẹp, chiều sâu. Mặt khác, nếu dạy ngoại ngữ như một công cụ thì người dạy mới chỉ là người thợ.

Người thầy đồng thời phải là người truyền cảm hứng, nhân cách sống cho học trò. Trong bối cảnh hôm nay với biết bao bất cập của ngành Giáo dục nói chung và dạy học ngoại ngữ nói riêng, quan điểm về nghề giáo, về việc học ngoại ngữ của thầy Nguyễn Quốc Hùng thể hiện một tầm nhìn sâu sắc, với thông điệp và khát vọng mạnh mẽ.

Còn nhớ, lần đầu bước vào căn nhà nhỏ của thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng trong con ngõ phố Phương Mai – Hà Nội, tôi nói: “Thầy tha lỗi cho em vì sự bất nhã, nhưng cho phép em được hỏi, ngoài căn nhà này thầy còn căn nhà nào khác không ạ?”. “Tôi chỉ có căn nhà này thôi, Thư ạ”.

Ông mỉm cười nhẹ nhõm, dẫn tôi lên phòng làm việc trên tầng hai. Một căn phòng nhỏ bao quanh là sách. Ánh sáng ngoài khung cửa kính dịu dàng. Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn dành phần lớn thời gian để viết sách và dịch thơ trong không gian yên tĩnh này.

Ông có cơ hội được đi nhiều nơi, có thể làm giàu bằng chính năng lực của mình, có thể dễ dàng định cư ở nước phát triển. Nhưng ông đã nhẹ nhàng bỏ lại tất cả chỉ để được trọn vẹn cùng Hà Nội, trọn vẹn với những giờ dạy học và trang sách.

Tác phẩm mới nhất của thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA. Ảnh: Anh Thư

Tác phẩm mới nhất của thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA. Ảnh: Anh Thư

“Trong những ngày nâng chén hoàng hoa chia tay Hà Nội đi xây đắp sự nghiệp mà tôi hằng mong ước, tôi có cơ hội gây lại cuộc sống mới trên một đô thành hoa lệ nào đó. Nhưng cứ mỗi lần một cơ hội nào đến với tôi thì tôi lại thấy Hà Nội ở trong lòng da diết, lại muốn trở về đi dưới ánh đèn vàng thẳng tắp trong “gió thổi mùa Thu hương cốm mới”, trở về làm một điều gì đó cho quê hương theo lời ước hẹn năm xưa” (Trích “Mùa Thu xa xứ”).

Yêu mến nền văn hóa Anh, thân thuộc với những buổi chiều Thu tuyệt đẹp nơi đồng quê Anh – có lẽ tình yêu ấy càng khiến ông gắn bó, buộc lòng mình với Hà Nội. Và càng khám phá vẻ đẹp của ngôn ngữ Anh lại càng khiến ông nặng lòng với tiếng Việt.

Ông từng quyết định ngừng công việc giảng dạy trong 4 năm để theo học Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp, bồi đắp thêm kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn học. Một quyết định dũng cảm và cũng đầy lãng mạn ở thời điểm đó. Chính những hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ tiếng Việt giúp ông rất nhiều trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh.

Và cũng vì tình yêu với tiếng mẹ đẻ, ông viết văn, dịch thơ. Những trang văn xuôi mang vẻ đẹp thuần Việt, trang nhã, kín đáo, không bị chen lấn bởi bụi đường, bởi những pha tạp thời mở cửa. Văn ấy chính là người.

“Hãy nhớ em khi em

đã xa rồi

Xa xa mãi đến

một miền ắng lặng

Bàn tay em anh

không còn nắm nổi

Bóng hình em đã khuất nửa,

quay đi,

không thể nào trở lại”

Khoảnh khắc đọc lên những câu thơ dịch từ bài “Remember” – “Nhớ” của nữ sĩ Christina Rossetti, nét mặt và ánh mắt của thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng cũng đầy nhung nhớ. Có thể ông đang nhớ về một buổi chiều nào đó lang thang trên đồng cỏ nước Anh, nhớ về một ngọn gió miền Tây, những bông thủy tiên vàng rực, mùi rượu vang, mùi táo chín… Bản chất là người lãng mạn nên ông yêu thích chủ nghĩa lãng mạn trong văn học và nghệ thuật phương Tây thế kỷ 18 – 19.

Ông cũng lặng lẽ dịch và giới thiệu nhiều nhà thơ cổ điển Anh qua các tập thơ song ngữ như “Nhớ”, “Miền đất xanh”, “Mùa Thu”. Ở các tập sách này, ông luôn trình bày song song một bên là bản gốc tiếng Anh và một bên là bản dịch tiếng Việt. Mỗi tác giả thơ ông đều giới thiệu cặn kẽ bối cảnh lịch sử xã hội, hoàn cảnh xuất thân, nét riêng trong sự nghiệp của tác giả cùng một số sự kiện chính trong cuộc đời.

Những thông tin này giúp người đọc hiểu hơn khi tiếp cận tác phẩm. Mặt khác, việc dịch thơ cũng hết sức thận trọng. Tiếng Việt và tiếng Anh vốn rất khác nhau. Dịch thơ ngoài dịch nghĩa còn là nhịp, là vần, là những đặc trưng riêng của ngôn ngữ thơ cổ điển cũng như phong cách của từng tác giả. Do vậy, với thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, đây là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và tinh tế.

Càng biết nhiều thì càng thấy khó. Càng hiểu sâu thì càng phải cẩn trọng, khắt khe. Từ góc nhìn này, liên hệ với việc dịch thuật đang khá xô bồ hiện nay, lại nhận ra biết bao điều sâu sắc từ người thầy giáo già. Ngôn ngữ đâu phải chỉ là phương tiện. Bên trong ngôn ngữ là cả một nền văn hóa. Ứng xử với ngôn ngữ cũng là ứng xử với văn hóa.

“Làn gió ấm, làn gió

miền Tây

Đầy tiếng chim ca;

Có bao giờ tôi lắng nghe

làn gió ấy mà không

đầy nước mắt”.

(Trích “Ngọn gió miền Tây” – Thơ John Masefield – Nguyễn Quốc Hùng dịch)

“Trồng thiện nhân được thiện quả”. “Thiện quả” của người thầy Nguyễn Quốc Hùng chính là bao thế hệ đã gọi ông là thầy và thực sự coi ông là thầy – một người thầy truyền lửa, một người thầy của nhân cách và khát vọng chăm chút gieo trồng những mầm xanh nhân ái.

“Thời đó chúng tôi không có sự chọn lựa, chỉ có một giáo trình và một người thày. Một giáo trình có thể hay có thể dở, nhưng chúng tôi có một người thày xứng với tên người thày. Thời đó chúng tôi không hề biết đến danh vọng, vì ra trường Nhà nước phân công công tác. Thời đó chúng tôi không nghĩ đến tiền, vì đạo đức xã hội không cho phép dùng tiền để giải quyết bất cứ vấn đề gì”. (Trích “Những mùa lá bàng rơi”)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ