Hôm nay, phiên xử bước vào phần tranh luận. Tại phiên xử, VKS cho rằng, nếu trong quá trình giám sát các bị cáo làm đúng, làm hết trách nhiệm sẽ không để xảy ra vụ án như ngày hôm nay. Bị cáo Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu, không biết rõ năng lực tài chính của Phạm Công Danh. Đây chính là nguyên nhân đổ vỡ phương án tái cơ cấu ngân hàng, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh biến ngân hàng thành công cụ phạm tội. Do đó, hành vi này bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm là có căn cứ.
Cũng theo VKS, tại cơ quan điều tra và tại phiên xử bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội mà chỉ thừa nhận chưa hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Bị cáo Bình là người có trách nhiệm cao nhất lẽ ra phải xử mức án cao nhất khung hình phạt là 12 năm tù. Tuy nhiên trong quá trình công tác bị cáo Bình được tặng thưởng nhiều huân huy chương, gia đình có công với cách mạng... nên xem xét giảm nhẹ. Từ đó, VKS đã đề nghị HĐXX xử phạt từ 4 đến 5 năm tù.
Các bị cáo còn lại gồm Hà Tấn Phước (nguyên tổ trưởng tổ giám sát, nguyên phó giám đốc NHNN Chi nhánh Long An), Phạm Thế Tuân (nguyên tổ phó tổ giám sát, nguyên phó giám đốc Vietcombank Chi nhánh TP.HCM), Lê Văn Thanh (nguyên chánh Thanh tra NHNN tỉnh Long An) và Ngô Văn Thanh (nguyên thành viên tổ giám sát, nguyên phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An) đề nghị mức án từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm.
Đồng thời VKS đề nghị miễn trách nhiệm dân sự cho các bị cáo vì đã xác định người sử dụng tiền là bị án Phạm Công Danh và các đồng phạm; kiến nghị CQĐT, VKS tối cao làm rõ hành vi của các thành viên trong tổ thanh tra NHNN.
Trước đó, tại phiên thẩm vấn ngày 26/6, trình bày trước đại diện VKS, bị cáo Đặng Thanh Bình nêu ngoài nhiệm vụ được giao là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bị cáo còn phụ trách quản lý Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, giúp Thống đốc NHNN chỉ đạo công tác tái cơ cấu 6 ngân hàng (NH) yếu kém, trong đó có TrustBank.
Bị cáo Bình trả lời về trách nhiệm trong việc để bị án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) thao túng, sử dụng NH như là phương tiện phạm tội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo Bình nói: “Tôi có trách nhiệm chỉ đạo hoạt động Cơ quan thanh tra giám sát trên lĩnh vực thanh tra, giám sát của NH. Về pháp luật, tôi có trách nhiệm xử lý toàn bộ những vấn đề mà cơ quan thanh tra, giám sát trình lên; và trình lên tôi phải có đề xuất xử lý cụ thể thì tôi mới xử lý. Tôi nhận thấy trong vụ việc này, đứng ở góc độ trách nhiệm tôi đã làm đầy đủ và kịp thời những tờ trình, kiến nghị của Cơ quan thanh tra giám sát trình lên... Tôi chỉ có trách nhiệm chính trị khi không thực hiện được phương án tái cơ cấu tài chính. Việc đổ vỡ phương án tái cơ cấu TrustBank thì Ban lãnh đạo NHNN có trách nhiệm về hậu quả này”.
Tại tòa, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN trả lời về vai trò, trách nhiệm của thanh tra giám sát rằng, trong báo cáo của Tổ giám sát VNCB, có Báo cáo số 78 ngày 16.8.2014 nêu một số dấu hiệu vi phạm của VNCB. Ngay sau khi nhận được báo cáo này, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN đã tham mưu và Thống đốc NHNN đã ra văn bản chỉ đạo VNCB lập tức thu hồi các khoản tiền liên quan. Đồng thời, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo cần tăng cường giám sát VNCB.
Theo đại diện Thanh tra giám sát NHNN, về các khoản tiền sử dụng sai mục đích của VNCB mà Thống đốc NHNN chỉ đạo VNCB lập tức thu hồi nhưng chưa thu hồi được và đó là một trong những khoản tiền thiệt hại xảy ra tại VNCB mà vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1 và 2 đã đề cập.
Cũng tại phiên xử này, trả lời những câu hỏi của các luật sư bào chữa cho mình, bị cáo Bình trình bày khái niệm “kiểm tra năng lực tài chính” và “kiểm tra vốn góp” là hoàn toàn khác nhau. “Kiểm tra vốn góp là kiểm tra nguồn gốc số vốn góp nhằm chuyển nhượng cổ phần cũng như tăng vốn điều lệ để thực hiện tái cơ cấu TrustBank; còn việc đánh giá năng lực tài chính là khả năng huy động các nguồn lực của nhà đầu tư để có thể có tiền tham gia tái cơ cấu”, bị cáo Bình khai.