“Sát nhân” thầm lặng
Sáng 2/6, Công an huyện An Lão (Hải Phòng) cho biết, 3 người trong gia đình ở thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão) đã bị ngạt trong xe ô tô, trong đó 1 người tử vong.
Sự việc xảy ra vào khoảng hơn 3 giờ cùng ngày. Do trong khu nhà mất điện, nên ông P.V.T (SN 1974) cùng hai con gái là P.M.H (SN 2003) và P.N.K (SN 2008) đã vào trong xe ô tô để ngủ. Sau đó, bà L.T.L - vợ của ông T. phát hiện chồng và hai con bất tỉnh trong xe nên đã mở cửa và gọi người đưa đi cấp cứu. Không may sau đó, con gái P.M.H. đã tử vong do ngạt khí.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc đáng tiếc tương tự. Năm 2018, anh V.M.Q - một giám đốc 34 tuổi ở Hải Phòng sau khi về nhà muộn đã đánh xe vào gara gia đình rồi đóng cửa xe bật điều hoà ngủ, dẫn đến tử vong do ngạt khí. Trước đó, vào năm 2008, cũng đã có 2 công chức Hà Nội tử vong trên đường Lê Trọng Tấn với lý do tương tự.
Bác sĩ Đào Vũ Hà - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Kiến An (Hải Phòng) cho biết, khoảng 3 giờ 30 ngày 2/6, Bệnh viện Kiến An tiếp nhận ba bệnh nhân bị ngạt khí. Trong đó, nữ bệnh nhân P.M.H (sinh năm 2003) đã ngừng tim. Các bác sĩ tiếp tục cấp cứu gần 4 tiếng đồng hồ, nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Bệnh nhân P.V.T (sinh năm 1974) và con P.N.K (sinh năm 2008) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nguy kịch. Sau khi được cấp cứu, bệnh nhân tỉnh dần nhưng vẫn phải thở máy. Bệnh nhân được chẩn đoán ngoài ngộ độc khí CO còn có khả năng ngộ độc chì.
Do đó, khi bệnh nhân tỉnh hơn, các bác sĩ làm thủ tục chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để điều trị tiếp. Theo bác sĩ Đào Vũ Hà, trong trường hợp này, bệnh nhân nằm trong ô tô, bật điều hòa. Tuy nhiên, do ô tô trong nhà kín, nên dẫn tới ngộ độc khí CO.
Chia sẻ về ngộ độc CO, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, đây là “kẻ sát nhân thầm lặng”. Bởi, CO là chất khí không màu, không mùi, không vị, nhưng vô cùng nguy hiểm. Không ai có thể nhìn, ngửi, hay cảm nhận được khí CO.
“Ở nước ta, có thể do không phát hiện ra, nên những trường hợp ngộ độc khí CO được báo chí đề cập rất ít. Song, ở Mỹ, khí CO lại là nguyên nhân hàng đầu gây nên ngộ độc”, bác sĩ Phúc dẫn chứng.
Cụ thể, thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Mỹ từ năm 1999 - 2010 cho thấy, nước này ghi nhận hơn 5.000 ca tử vong do ngộ độc khí CO. Trung bình, mỗi năm có 430 trường hợp tử vong. Số nạn nhân phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc CO lên tới 10.000 người.
Bác sĩ Phúc giải thích, bình thường, một người khi hít thở không khí trong lành vào phổi, Oxy đến các phế nang rồi gắn vào một phân tử có trong hồng cầu gọi là Hemoglobin (Hb). Hồng cầu sẽ vận chuyển Oxy đến các mô, tại vị trí cần thiết, phức hợp HbO2 sẽ thực hiện quá trình giải phóng Oxy để đi vào chuỗi hô hấp tế bào.
Tuy nhiên, khi cơ thể hít phải một lượng khí CO, nó làm ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển Oxy của máu. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, Hb thích gắn với khí CO hơn là khí Oxy.
Phân tử Hb có ái tính với CO gấp 200 lần so với Oxy. Trong phổi, CO cạnh tranh với Oxy để hình thành phức hợp gọi là Carboxyhemoglobin (HbCO). Khi hồng cầu vận chuyển HbCO đến các mô, CO không thể tham gia chuỗi hô hấp tế bào. Vì vậy, tế bào thiếu Oxy dần dần sẽ chết.
“Bất cứ ai hít phải khí CO cũng sẽ bị bệnh, hít nhiều hoặc hít lâu ngày sẽ bị ngộ độc cấp hoặc mãn. Một bào thai cũng có thể bị ngộ độc khi người mẹ trong quá trình mang thai hít phải khí CO. Trẻ sơ sinh, những người bị suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh mãn tính như bệnh phổi, bệnh tim mạch,... thì khả năng ngộ độc khí CO sẽ trở nên nghiêm trọng hơn”, bác sĩ Phúc cảnh báo.
Triệu chứng ngộ độc CO
Theo bác sĩ Phúc, triệu chứng ngộ độc phụ thuộc vào mật độ CO trong không khí và hiệu suất hít thở của bệnh nhân. Người nghiện thuốc lá nặng có thể 9% Hb đã bị ảnh hưởng bởi gắn với CO qua khói thuốc lá.
Khi tiếp xúc với không khí có mật độ 200/1.000.000 phân tử CO, khoảng 2 giờ sau sẽ có 10 - 15% HbCO trong máu, các triệu chứng xuất hiện như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn.
Với mật độ 400/1.000.000 phân tử CO, người khỏe mạnh sẽ có nguy cơ tử vong sau 3 giờ. Mật độ 1.600/1.000.000 phân tử CO, thì nồng độ HbCO trong máu nhanh chóng vượt quá ngưỡng 50%, nạn nhân sẽ tử vong trong vài phút.
Các triệu chứng ngộ độ CO theo thứ tự nặng dần gồm: Đau đầu; Khó thở; Chóng mặt; Lú lẫn và suy nghĩ khó khăn; Mất phối hợp động tác; Buồn nôn và nôn; Mạch nhanh.
Sau đó, người bệnh có thể gặp ảo giác, không thể làm theo lệnh chính xác, ngã gục. Nặng hơn, người bệnh sẽ bị hạ thân nhiệt, hôn mê, co giật, tụt huyết áp, suy hô hấp, suy tim và cuối cùng là tử vong.
“Biểu hiện lâm sàng ngộ độc khí CO không đặc hiệu, nên chẩn đoán chủ yếu dựa vào nguồn phát sinh khí CO, như khói ô tô, khói xe máy, bếp than tổ ong, lò sưởi bằng than hay củi, bếp ga, thậm chí có cả ở trong khói thuốc lá.
Điều trị chủ yếu là thở Oxy 100% và hồi sức tim phổi. Điều trị các triệu chứng, bồi phục nước điện giải rất quan trọng vì các tế bào bị phá hủy gây rối loạn”, bác sĩ Phúc cho biết.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, khi ô tô chạy trên đường, khí thải từ ống xả thoát ra phía sau xe, nên không chui được vào trong ô tô. Đó là lý do mọi người không bị ngộ độc khi xe chạy.
Ngược lại, nếu xe dừng đỗ mà vẫn nổ máy, nhất là hướng ống xả ngược với chiều gió thổi, thì khí CO sẽ quẩn lại và chui vào trong xe. Trường hợp này, ngay cả khi điều hòa lấy gió trong, thì khí CO vẫn chui qua các khe hở để vào được bên trong ô tô. Đó là lí do mà các trường hợp ngủ trong ô tô dễ bị ngộ độc và tử vong.
“Đỗ xe rồi nổ máy để ngủ tại những nơi kín đáo, như gara, hầm, trong nhà đều là những tình huống nguy hiểm chết người. Tương tự, khi tham gia giao thông mà bị tắc đường kéo dài, nên mở cửa kính xe để tránh tình trạng ngộ độc do khí CO chui vào trong xe mà không có chỗ thoát ra”, bác sĩ Phúc khuyến cáo.