Nguyên nhân khiến Internet Explorer bị khai tử

25 năm hoạt động với nhiều sai lầm và thờ ơ trước sự đổi mới, trình duyệt Internet Explorer chính thức bị Microsoft gạch tên.

Trình duyệt lướt web nổi tiếng một thời – Internet Explorer – cuối cùng cũng đến lúc phải nói lời tạm biệt. Theo The Verge, gã khổng lồ công nghệ Microsoft đã đưa thông báo chính thức sẽ ngừng hỗ trợ phiên bản Internet Explorer 11 trên tất cả ứng dụng của Microsoft 365 vào tháng 8/2021.

Sau 25 năm hoạt động, Microsoft Edge sẽ tiếp quản trọng trách này từ “người tiền nhiệm”.

Internet Explorer từng được coi là cánh cổng duy nhất dẫn người dùng đến với thế giới Internet. Ảnh: AFP.
Internet Explorer từng được coi là cánh cổng duy nhất dẫn người dùng đến với thế giới Internet. Ảnh: AFP.

Internet Explorer vốn là dự án được triển khai vào mùa hè năm 1994, mãi cho đến năm 2001, Microsoft mới có toàn quyền kiểm soát. Thời điểm hệ điều hành Windows XP đang phổ biến trên thế giới, trình duyệt này thống trị tới 90% thị trường, khiến các nhà phát triển ứng dụng và tiện ích bắt đầu lập trình mã theo những gì Internet Explorer có thể hoặc không thể làm được.

Tuy nhiên, quyền bá chủ của Microsoft ngày một giảm khi gã khổng lồ này liên tục thờ ơ trước các tiêu chuẩn web và bỏ lỡ nhiều tính năng đáng cập nhật. Internet Explorer đồng thời bị chỉ trích là một trong những “phế phẩm công nghệ mọi thời đại”.

Microsoft đã không tuân theo các nguyên tắc được đặt ra bởi World Wide Web Consortium - tổ chức thiết lập các tiêu chuẩn cho công nghệ web - và vì vậy, Internet Explorer thường làm cho các trang web trên trình duyệt của mình bị sai lệch so với Opera và Firefox.

Năm 2004, Mozilla tung ra trình duyệt Firefox đầu tiên, 4 năm sau, Google Chrome tham gia cuộc chơi với tham vọng soán ngôi của Explorer.

Trong một thập kỷ kể từ khi Google Chrome ra mắt, trình duyệt này đã tung ra 70 bản cập nhật, trong khi đó Microsoft chỉ cập nhật Explorer 4 lần kể từ phiên bản thứ 8 và cuối cùng. Các tính năng mới chỉ được bổ sung vào Internet Explorer như một phần của bản phát hành lớn và khiến công ty mất nhiều năm để cập nhật.

Kế hoạch dừng hoạt động Internet Explorer vốn đã được thông báo từ năm 2015, cùng thời điểm ra đời của trình duyệt Microsoft Edge (mang tên Dự án Spartan). Đây được cho là nỗ lực của gã khổng lồ công nghệ trong việc đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

Năm 2016, Microsoft bắt đầu loại bỏ các hỗ trợ cho Internet Explorer thế hệ cũ.

Tuy nhiên, 2 năm kể từ ngày ra mắt Edge, Microsoft mắc phải vấn đề tương tự các đối thủ. Trình duyệt này sử dụng công cụ kết xuất trang web khác với Chrome hay Safari khiến cho người dùng khó tiếp cận cũng như sử dụng. Do đó, nhiều nhà phát triển đã không tối ưu hóa các trang web cho trình duyệt và người dùng liên tục vướng vào các vấn đề kỹ thuật.

Năm 2018, Microsoft quyết định chuyển sang cơ sở mã Chromium – nền tảng của Google Chrome - với hy vọng khắc phục được vấn đề. Động thái này sau đó đã bị Mozilla chỉ trích, đồng thời “không thừa nhận việc triển khai web của Google là lựa chọn duy nhất cho người dùng”.

Hiện tại, 65% người dùng trên thế giới đang sử dụng trình duyệt Chrome của Google, tiếp đó là Safari trong tay của Apple (chiếm 16% thị phần) với Firefox, Opera. Microsoft Edge vẫn là thương hiệu chưa có tên tuổi khi chỉ chiếm chưa đến 2%.

Không chỉ thế, Microsoft Edge sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn khi tỷ lệ người dùng sử dụng Internet trên thiết bị di động ngày càng tăng.

Các trình duyệt trên điện thoại thông minh đã tăng tới 51% tổng số lượt duyệt, trong khi trên máy tính liên tục sụt giảm xuống còn 49%. Mặc dù Microsoft có ứng dụng trình duyệt trên cả 2 hệ điều hành Android và iOS, nhưng phần lớn người dùng vẫn có thói quen sử dụng trình duyệt được thiết lập sẵn trên smartphone của họ.

Việc sử dụng Internet đã chuyển từ máy tính để bàn sang thiết bị di động, nơi Google và Apple đang thống trị. Sự thất bại của Windows Phone đang khiến cho Microsoft gặp nhiều bất lợi. Ngay cả với sự phát triển không ngừng của Edge, hãng vẫn có thể gặp khó khăn trong việc trở thành một “ông lớn” trong thị trường.

Theo Zingnews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ