Mấy ngày gần đây, sự việc ông Trần Văn Thêm, 80 tuổi, ở thôn Đức Lập, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh được minh oan sau 46 năm phải mang trọng tội giết người, cướp của gây sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Khi phát biểu tại buổi công khai xin lỗi ở hội trường Trung tâm, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh ngày 11-8 vừa qua, ông Trần Văn Thêm đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Chủ tịch nước, đến lãnh đạo một số bộ, ngành.
Trò chuyện với cụ Thêm sau khi được minh oan, chúng tôi được biết, không chỉ lặn lội lên Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… để tìm nhân chứng, tài liệu để chứng minh mình vô tội mà tháng 3-2015, ông còn đến phủ Chủ tịch để gửi đơn kêu oan tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Làm thế nào để cụ ông già cả, gầy yếu, nghèo khổ có thể tìm đến người đứng đầu Nhà nước để kêu oan?
Ông Trần Văn Thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Công ty Luật Hòa Lợi, đó là một ngày tháng 3-2015, ông Lê Văn Hùng, nguyên Phó Bí thư chuyên trách, Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Trung ương Đảng cùng ông và ông cụ Thêm đến phủ Chủ tịch. Tại đây, họ gặp ông Dương Thành Bắc, trợ lý pháp luật của Chủ tịch nước để trình bày sự việc.
Sau đó ít hôm, ông Trần Văn Thêm nhận được Công văn số 527/VPCTN-PL ngày 6-4-2015 có nội dung: “Chủ tịch nước đã nhận được đơn của ông. Sau khi nghiên cứu, đơn đã được chuyển đến Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC để chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Văn bản của Văn phòng Chủ tịch nước báo tin, Chủ tịch nước đã nhận được đơn của ông Thêm và chuyển đến Viện trưởng VKSNDTC và Chánh án TANDTC chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nhận được văn bản này, ông cụ Thêm vui mừng khôn xiết. Chủ tịch nước biết đến vụ việc oan sai của ông và chuyển đến người đứng đầu ngành kiểm sát và tòa án chỉ đạo giải quyết. Trong ông tràn đầy hy vọng…
Ngày 15-8, trao đổi với phóng viên, ông Hòa còn cho biết, lúc đó, ông Dương Thành Bắc đã trực tiếp gặp Viện trưởng VKSNDTC để trao đổi về ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước đối với trường hợp oan sai của ông Thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hòa – người đại diện ủy quyền của ông Thêm, trong kỳ họp Quốc hội thứ 9 – Quốc hội khóa 13, ông đã đem 76 bộ hồ sơ kêu oan của ông Trần Văn Thêm đến gửi các đoàn đại biểu Quốc hội, bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, ông đã không gặp trực tiếp được các đoàn đại biểu Quốc hội mà được hướng dẫn gửi qua đường bưu điện.
Văn bản phản hồi của đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành về việc tiếp nhận và chuyển đơn của ông Thêm đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Thế là ông lại tìm địa chỉ của đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành rồi chở hồ sơ ra bưu điện gửi. Do số lượng hồ sơ gửi quá lớn, nhân viên bưu điện nghi ngại không dám nhận nên phải ra bưu điện lần thứ hai, ông mới gửi được. Rất may, sau đó ông đã nhận được phản hồi của đa số các đoàn đại biểu Quốc hội báo tin đã chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong suốt hành trình kêu oan hơn 4 thập niên ấy, ông cụ 80 tuổi đã nhận được giúp đỡ của những người trong họ mạc và cả những người lạ, những người đang giữ trọng trách của đất nước. Chính nghĩa cử và trách nhiệm của họ giúp ông được minh oan, chấm dứt quá nửa phần đời khổ đau mà ông phải gánh chịu.