Nguy cơ tử vong do mắc cúm

GD&TĐ - Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế trong năm 2024 ghi nhận 290 nghìn trường hợp mắc cúm mùa, 8 ca tử vong.

Một bệnh nhân cúm biến chứng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC
Một bệnh nhân cúm biến chứng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC

Chuyên gia khuyến cáo, những người có bệnh nền, cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm.

Số ca mắc cúm tăng

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng theo mùa vào thời điểm cuối năm do tác nhân gây bệnh hô hấp như virus cúm mùa, RSV và các virus phổ biến khác như hMPV, mycoplasma pneumoniae.

Theo WHO, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở một số quốc gia ở Bắc bán cầu đã tăng lên trong những tuần cuối năm 2024 và vượt qua mức cơ sở theo mùa thông thường.

Ngoài ra, theo kết quả giám sát cúm trên thế giới, bệnh cúm mùa cũng gia tăng ở nhiều quốc gia châu Âu (xuất hiện tất cả các phân nhóm của virus cúm), Bắc Mỹ (chủ yếu là cúm A), Trung Mỹ và Caribbean (chủ yếu là cúm A/H3N2), Tây Phi (chủ yếu là cúm B), Bắc Phi (chủ yếu là cúm A/H3N2), Đông Phi (chủ yếu là cúm B) và nhiều quốc gia ở châu Á (chủ yếu là cúm A(H1N1) pdm09), phù hợp với xu hướng điển hình cho thời điểm cuối năm.

Trước tình hình này, Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới. Đồng thời, cung cấp các khuyến cáo, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca cúm đã tăng đột biến từ 200 ca/tuần vào giữa tháng 12/2024 lên tới hơn 1.200 ca trong dịp Tết - gấp 6 lần. Đáng chú ý, bệnh nhân nội trú cũng tăng gấp đôi. Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng ghi nhận lượng bệnh nhân lớn với các triệu chứng như sốt cao kéo dài, ho, khó thở và suy nhược. Trong đó, người cao tuổi với các bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, phổi mãn tính thường có diễn biến nặng hơn.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm nặng, có người phải đặt ECMO. Bệnh nhân thứ nhất là ông L.V.T., 58 tuổi, ở Sơn Dương, Tuyên Quang, có tiền sử tăng huyết áp nhẹ nhưng không duy trì việc dùng thuốc đều đặn.

Ngoài ra, ông T. từng hút thuốc lá và thuốc lào suốt 30 năm, đã bỏ thuốc cách đây 10 năm. Khoảng ba tuần trước khi nhập viện, ông bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ho, sốt và khó thở. Ông tự điều trị tại nhà trong một tuần tình trạng không cải thiện. Ông nhập viện tại cơ sở y tế và được xét nghiệm cúm A với kết quả dương tính.

Mặc dù đã được điều trị tích cực nhưng tình trạng khó thở của ông ngày càng trầm trọng, dẫn đến suy hô hấp nặng và phải tiến hành đặt ống nội khí quản. Ông T. được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với tình trạng sốc nhiễm khuẩn, phải thở máy, phổi bị tổn thương lan tỏa gần như toàn bộ hai bên, dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng.

Chụp phổi cho thấy tổn thương lan rộng khoảng 80 - 90%, gần như mất hoàn toàn chức năng thông khí. Chỉ số CO2 trong máu tăng rất cao. Ông được chỉ định đặt ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể), các chỉ số sinh tồn tạm thời ổn định nhưng tình trạng sốc và nhiễm trùng nặng vẫn cần theo dõi chặt chẽ.

Bệnh nhân thứ 2 là ông V.V.U., 62 tuổi ở Đông Triều, Quảng Ninh có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) trong 7 năm qua, tuy nhiên, việc kiểm soát bệnh lý không được tốt.

Bệnh nhân ít đi khám định kỳ, không theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên. Trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở tăng dần. Bệnh nhân được đưa vào điều trị tại cơ sở y tế 2 ngày nhưng tình trạng suy hô hấp tiến triển nặng hơn, buộc phải đặt ống nội khí quản.

Sau khi có kết quả xét nghiệm cúm A dương tính, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Sau 2 tuần điều trị, tiên lượng của bệnh nhân vẫn rất nặng.

Tránh tâm lý chủ quan

Theo bác sĩ Võ Đức Linh, Trung tâm Hồi sức tích cực, cúm A ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những bệnh nhân có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính. Do virus cúm tác động trực tiếp lên phổi, những bệnh nhân đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng hơn so với người khỏe mạnh.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng và thậm chí tử vong.

Ngoài ra, nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng), rất nhiều người nước ngoài tử vong vì cúm mùa hằng năm. Ở Việt Nam, tình trạng dường như còn ít nên nhiều người dân chủ quan.

Cúm mùa (chủ yếu cúm A và cúm B) gây suy giảm sức đề kháng và hệ thống miễn dịch. Theo bác sĩ Hoàng, người bệnh có thể tử vong vì một số lý do như: Viêm phổi do virus, gây suy hô hấp; dùng kháng sinh không tác dụng; viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, gây suy hô hấp; Nhiễm khuẩn huyết, cũng do bội nhiễm vi khuẩn. Tăng tình trạng viêm, gây hội chứng tăng đông, dễ hình thành cục máu đông. Do vậy, trên bệnh nhân có bệnh nền như đái đường, hen phế quản, COPD, bệnh tim mạch... nhiễm cúm mùa làm tăng gấp 5 - 6 lần nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não, tắc mạch phổi. Chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân nên nhập viện ngay nếu có biểu hiện suy hô hấp như thở nhanh nông, SpO2 hạ dưới 95%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ