Chư - ra - bon, tiếng đàn kết duyên đôi lứa
Vào cuối tháng Tư, chúng tôi vượt qua hàng chục km đường đèo dốc lên thăm bà con dân tộc chứt bản Rào Tre. Sau 2 năm trở lại nơi đây chứng kiến nhiều đổi thay trong bản làng và từng ngôi nhà. Đồng ruộng một màu xanh ngát: lúa đang thì, ngô, khoai tươi tốt hưởng ứng phong trào “nông thôn mới” do Bộ đội Biên phòng Bản Giàng và truyền hình định hướng.
Những ngôi nhà sàn đã được nhà nước và Bộ đội Biên phòng làm cho vẫn kiên cố theo thời gian. Sắp tới có 6 hộ trong bản được nhận nhà sàn mới được xây dựng hiện đại giúp họ có cuộc sống sinh thoải mái hơn. Con em trong dân bản được tạo điều kiện giao lưu và lấy vợ, lấy chồng với bản khác và người Kinh để khắc phục tình trạng anh em trong bản lấy nhau.
Trong câu chuyện khi tìm hiểu về nét văn hóa đàn Chư - ra - bon và kèn môi, chúng tôi được bà con dân tộc Chứt kể lại: Vào những đêm trăng mùa xuân tiếng đàn Chư - ra - bon lại vang lên bên những con suối, con khe dưới chân dãy núi Ka Đay mờ ảo. Đó là tiếng đàn của những đôi nam thanh, nữ tú đang hẹn hò. Họ ngồi thường trên những tảng đá, gốc cây có khi là sau thềm nhà trong những đêm trăng sáng lung linh huyền ảo. Khi đàn ngân lên với những âm thanh du dương, nồng ẩm, đã kết nên duyên bao đôi lứa trong bản làng.
Ông Hồ Phượng, một người dân bản Rào Tre nói: “Ngày xưa dân tộc Chứt chúng tôi sống chủ yếu trong hang động. Cuộc sống khó khăn nhưng nhiều người biết chơi đàn. Nhờ biết chơi đàn mà ông đã cưới được bà Sen làm vợ.
Hồi ấy sau khi chơi đàn với bà Sen bên bờ suối xong, chờ cho mọi người về hết, tui đốt đuốc vào rừng chặt một bó củi về đặt trước ngõ nhà bà Sen và thấp thỏm chờ đợi. Sáng hôm sau không thấy bó củi trước ngõ nữa. Củi được đưa vào nhà tức là người ta đã đồng ý làm vợ mình rồi. Mình chỉ còn phải chuẩn bị lễ vật để tổ chức đám cưới nữa thôi”, ông Phượng kể lại.
Bao đôi trai gái khác cũng hẹn hò và lấy nhau cũng qua cầu nối là nhờ tiếng đàn Chư – ra - bon. Còn khi bó củi không được người con gái đưa vào nhà tức là lời tỏ tình không được đồng ý. Thì chàng trai phải lặng lẽ mang bó củi về và đi tìm người con gái khác.
Ngoài chuyện tình đầy lãng mạn của ông Phượng và bà Sen. Còn phải kể đến câu chuyện tình yêu của bà Lịnh. Bà Lịnh ngày xưa cũng được ví như là bông hoa của núi rừng nơi đây. Tuổi thiếu nữ, được nhiều chàng trai theo đuổi, muốn chọn bà về làm vợ. Lúc đó bà Lịnh cũng là tay chơi đàn rất cừ khiến nhiều trai bản say đắm.
Tiếng đàn Chư -ra - bon đã dệt nên bao mối tình đẹp, cho nhiều đôi lứa nên duyên vợ chồng. Và còn là một nhạc cụ không thể thiếu trong các nghi lễ của bà con dân tôc Chứt. Để truyền tải những tâm tư, tình cảm giữa con người với thiên nhiên. Đặc biệt, trong Tết Chăm Cha Bới, tết cảm ơn Mẹ thiên nhiên đã cho mùa màng bội thu. Tiếng đàn Chư – ra - bon gắn liền với đời sống của bà con dân tộc ngay cả khi còn ở trong hang động mãi cho tới bây giờ.
Sau này, để đáp lại tiếng đàn Chư - ra - bon trai gái người Chứt còn sáng tạo ra Kèn Môi để đổi đáp. Nhưng hiện nay, kèn môi cũng chỉ có một vài người trong bản biết làm mà thôi.
Nguy cơ thất truyền đàn Chư -ra - bon
Bà con dân tộc Chứt kể, ngày xưa người phụ nữ nào trong bản cũng biết chơi đàn. Cuộc sống di cư qua nhiều hang động nhưng 2 loại nhạc cụ này vẫn được người dân nơi đây nâng niu đem theo mỗi lần di chuyển. Đàn Chư - ra - bon thường được đặt nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của họ.
Trải qua thời gian từ khi trong hang động đến nay, cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng đàn Chư -ra -ron vẫn luôn được đồng hành cùng dân tộc chứt, vẫn du dương trầm bổng vào những đêm trăng, những ngày hội của người dân tộc Chứt tại bản Rào Tre dưới chân dãy núi Ka - đay, bên dòng sông Rào Say đầy thơ mộng.
Đàn Chư - ra - bon được làm từ 1 ống nứa và 2 dây cước và 1 thanh nứa dẹt dài bằng thân cây đàn, thân đàn dài khoảng 70cm. Nhìn bề ngoài rất thô sơ, mộc mạc như bản chất của con người nơi đây. Nhưng khi kéo thì cất lên những âm thanh trầm, bổng, du dương, lạ lùng làm rung động lòng người. Có lúc tiếng đàn giống như tâm trạng của người chơi đàn, tùy theo nhịp điệu mà từng người chơi kéo. Ngoài ra khi kéo đàn, thỉnh thoảng phải làm ướt dây cước thì âm thanh mới không bị giảm âm thanh.
Hiện nay, bản Rào Tre có 41 hộ người dân tộc Chứt với 146 khẩu, nhưng số người biết chơi đàn còn rất ít. Ngoài gia đình ông Hồ Phượng và bà Sen thì chỉ có bà Hồ Thị Lịnh biết chơi đàn.
Ông Hồ Phượng trầm ngâm, tiếc nuối kể: “Ngày xưa, hầu như phụ nữ trong bản này ai cũng biết chơi đàn, nhưng bây giờ thì không còn nhiều người biết. Lớp trẻ ngày nay tiếp xúc nhiều với công nghệ điện tử, nghe nhạc hiện đại nên không ai chịu học chơi đàn Chư ra bon nữa”.
Khi phóng viên hỏi ông Hồ Phượng, bà Lịnh, bà Sen có thể tiếp tục dành thời gian dạy đàn, thổi kèn và bà cách làm đàn, làm kèn cho lớp trẻ được không? Thì tất cả đều trả lời có, cả 3 người đều ái ngại chỉ sợ lớp trẻ không chịu học mà thôi!.
Hiện tại trong bản, Kèn môi và đàn Chư – ra – bon chỉ còn một vài cái. Hồ Phượng phải đi mượn của bà Hồ Lịnh về cho chúng tôi xem và nghe tiếng đàn. Kèn môi của ông cũng không còn.
Đàn Chư- ra- bon đã từng được tham dự liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc khu vưc Miền Trung và Tây Nguyên tại Hà Nội và đạt nhiều giải thưởng khác.
Anh Võ Anh Tuấn - Chính trị viên, Bí thư Đồn Biên Phòng Bản Giàng -cho biết: “Để giúp bà con gìn giữ nét văn hóa truyền thống trước nguy cơ thất truyền, chúng tôi đã đề nghị cấp trên tổ chức mở lớp nhờ bà Lịnh, bà Sen dạy 1 tuần 2 buổi để truyền lại cho các em, mong sao khi thể hệ như ông Phượng, bà Sen, bà Lịnh mất đi thì vẫn còn người lưu giữ tiếng đàn”.
Trước đây chúng tôi cũng đã tổ chức cho Hồ Phượng, Hồ Lịnh, Hồ Sen dạy đàn cho lớp trẻ. Nhưng lớp học đông đúc chưa được bao lâu thì rơi rụng dần… Đồng bào Chứt chỉ còn lại tiếng đàn, tiếng kèn môi, còn Sáo Pỳ thì đã bị thất truyền từ lâu. Nếu cứ tình trạng này thì trong tương lai không xa, đàn Chư – ra – bon và kèn môi cũng đứng trước nguy cơ bị thất truyền!”, anh Tuấn trầm tư.