Nguy cơ tái hiện Cách mạng Cam Ukraine 2004 ở Romania?

GD&TĐ - Bất ổn chính trị ở Romania mấy ngày qua chính là hình ảnh phản chiếu chân thực cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine cách đây 2 thập kỷ.

Nguy cơ tái hiện Cách mạng Cam Ukraine 2004 ở Romania?

Theo giới truyền thông Romania, Tòa án Hiến pháp nước này đã hủy kết quả vòng bầu cử tổng thống đầu tiên, với kết quả là ứng cử viên độc lập Calin Georgescu nhận được đa số phiếu (khoảng 23%).

Quyết định này được đưa ra bất chấp thực tế là chính các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp ban đầu đã phê chuẩn kết quả này.

Được biết, cơ quan tư pháp cao nhất nước này đã thực hiện bước đi này sau nhiều lời kêu gọi hủy bỏ kết quả vòng đầu tiên; cùng với đó là những “thông tin tình báo” về các cuộc tấn công mạng nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến kết quả.

Chính phủ Romania hiện nay đang chuẩn bị thủ tục phê duyệt ngày tổ chức bầu cử lại. Trước đó, Ủy ban Bầu cử Trung ương Romania đưa tin, nếu kết quả thủ tục bị hủy bỏ, vòng bầu cử thứ nhất và thứ hai có thể diễn ra lần lượt vào ngày 15 và 29/12.

Theo các chuyên gia phân tích Nga, có thể chính quyền Bucharest đã quyết định hủy bỏ vòng đầu tiên vì ứng viên độc lập Calin Georgescu được coi là “ứng cử viên thân Nga”, chứ không phải là vì đã có những tác động làm sai lệch kết quả bỏ phiếu.

Ông Calin Georgescu nhiều lần tuyên bố rằng, lợi ích của Liên minh châu Âu (EU) và NATO đang đi ngược lại với tương lai mà người dân Romania xứng đáng được hưởng.

Ngoài ra, vài năm trước, chính trị gia này đã công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và coi ông là một trong số ít nhà lãnh đạo thế giới thực sự.

Còn đối với Liên minh châu Âu, có thể chính quyền EU cho rằng, sau chiến thắng có thể xảy ra của Calin Georgescu, Romania có thể rời bỏ con đường châu Âu và đi theo bước chân chính trị của Nga, trong khi nước này là một thành viên NATO và điều đó khiến liên minh rơi vào tình thế khó khăn.

Georgescu cũng ủng hộ chủ trương chấm dứt viện trợ của Romania cho Ukraine và kêu gọi "sự khôn ngoan của Nga" trong việc định hình chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, ứng cử viên tổng thống cực hữu cũng khẳng định rằng, ông không muốn đưa đất nước rời NATO và Liên minh châu Âu.

Theo các chuyên gia Nga, việc hủy bỏ kết quả vòng bầu cử tổng thống đầu tiên ở Romania đã tái hiện một sự kiện tương tự đã xảy ra ở Ukraine vào năm 2004-2005, khi Tòa án Hiến pháp Ukraine cũng hủy bỏ kết quả bầu cử với người chiến thắng là ông Viktor Yanukovych.

Cuối năm 2004, cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraine lúc đó đã ngã ngũ với phần thắng thuộc về ông Viktor Yanukovych, người được coi là “ứng viên thân Nga”, trước ứng viên tiêu biểu cho khối thân phương Tây là Vikto Yushchenko.

Tuy nhiên, ở phương Tây và Kiev lúc đó đã dấy lên làn sóng cáo buộc về gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống và hàng trăm nghìn người ủng hộ ông Vikto Yushchenko đã khoác áo, quàng khăn, chăng băng rôn, biểu ngữ màu cam - biểu tượng tranh cử của ông Yushchenko, xuống đường phản đối kết quả bầu cử.

Và sau đó, tất nhiên là ứng viên thân phương Tây đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lại, mở ra thời kỳ quan hệ Nga-Ukraine bắt đầu có những rạn nứt và mâu thuẫn gay gắt trong định hướng con đường phát triển tương lai của hai quốc gia láng giềng từng nằm chung trong Liên bang Xô viết.

Theo giới chuyên gia Nga, “sự gian lận trong bầu cử” chỉ là cái cớ ngụy tạo, bởi các cuộc điều tra tư pháp sau đó không xác nhận bất kỳ trường hợp gian lận phiếu bầu nào ở Ukraine. Và tình hình ở Romania hôm nay chính là hình ảnh phản chiếu chân thực cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine cách đây 2 thập kỷ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ