Bác sĩ Lê Phát Tài, Viện Tim TP.HCM, cho biết người sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, cocain, thuốc lắc, cần sa, shisha pha chế kéo dài có thể gặp nhiều biến cố về tim mạch.
Đột tử
Theo bác sĩ Tài, người sử dụng các chất gây nghiện hay bị rối loạn nhịp tim, nhanh, chậm thất thường. Đặc biệt là rối loạn nhịp thất. Vì các chất này tác động lên sự hình thành và dẫn truyền xung động ở tim từ đó gây ra các rối loạn nhịp. Tác động này có thể khiến người sử dụng chết đột ngột.
Đột quỵ não
Theo chuyên gia tim mạch, người nghiện có thể bị đột quỵ não do tình trạng co mạch, tăng huyết áp quá mức và tách mạch máu não.
Nhiều bạn trẻ vô tư hút shisha trong một quán bia ở Sài Gòn mà không lường trước các tác hại nguy hiểm. Ảnh: Khánh Trung.
Nhồi máu cơ tim cấp
Cocaine và các chất gây nghiện nói chung có thể gây tái hấp thu norepinephrine và dopamine ở vị trí tiền synapeadrenergic, từ đó tăng hoạt tính quá mức hệ giao cảm làm co mạch hệ thống, mạch vành, hệ mạch máu nuôi tim gây ra cơn đau thắt ngực dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp.
Suy tim
Theo bác sĩ Tài, việc sử dụng ma túy kéo dài có thể gây ra phì đại cơ tim. Khoảng 7% người nghiện mắc chứng bệnh này. Các chất gây nghiện có thể gây viêm cơ, loạn nhịp dẫn đến suy tim.
Phình động mạch chủ
"Người sử dụng cocaine không chỉ bị nhồi máu cơ tim mà còn bị phình động mạch chủ, tổn thương nội mạc mạch máu và tăng huyết áp kéo dài. Bị biến chứng tim mạch này khiến người nghiện có thể tử vong", bác sĩ Tài nói.
Nhiễm trùng nội mạc
Người nghiện ma túy thường dùng kim tiêm chích vào tĩnh mạch, nhưng dụng cụ tiêm không được vô trùng khiến van tim bị tổn thương. Tiêm chích sẽ làm tăng nguy cơ viêm nội mạc.
Tăng huyết áp
Người sử dụng ma túy thường bị tăng huyết áp do bị kích thích, co mạch, tăng nhịp tim và bệnh thận do dùng cocaine.