Nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ lây lan ra cộng đồng rất thấp

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, ca bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện tại Việt Nam là từ nguồn nhập cảnh vì vậy, khả năng lây lan ra cộng đồng rất thấp.

Đậu mùa khỉ hiện đã được ghi nhận ở trên 106 nước ngoài vùng lưu hành bệnh (châu Phi).
Đậu mùa khỉ hiện đã được ghi nhận ở trên 106 nước ngoài vùng lưu hành bệnh (châu Phi).

Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ đầu tiên

Tại buổi họp giao ban sáng 3/10, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, thành phố đã phát hiện một ca bệnh đậu mùa khỉ. Đây cũng là ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam sau khi dịch bùng phát trên thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, người dân chưa cần quá lo lắng.

Bệnh nhân nữ 35 tuổi, thường trú TPHCM, khởi phát bệnh vào ngày 18/9 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7 đến ngày 22/9). Bệnh nhân có triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.

Ngay sau khi về Việt Nam, ngày 23/9, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu TPHCM. Tại đây, bác sĩ khám và nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh nhân được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán (xét nghiệm Realtime PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Viện Pasteur TPHCM).

Ngày 25/9, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với bệnh đậu mùa khỉ và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM để tiếp tục cách ly, điều trị. Đồng thời, lấy mẫu giải trình tự gen tại đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường Đại học Oxford hợp tác với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Ngày 3/10, Bộ Y tế nhận được báo cáo của Sở Y tế TPHCM về kết quả xét nghiệm giải trình tự gen khẳng định một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng Monkeypox, virus thuộc clade IIb. Đây là bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận đầu tiên ở Việt Nam.

Ngay khi nhận được thông tin bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, khẩn trương làm xét nghiệm giải trình tự gen.

Đồng thời, tiếp tục điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, cách ly và điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Hiện tại, bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt và đang được tiếp tục cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Với những thông tin khai thác được qua điều tra dịch tễ, cùng với kết quả xét nghiệm Realtime PCR và giải trình tự gen, Bộ Y tế nhận định, đây là trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, có nguồn lây từ nước ngoài. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Việt Nam kể từ khi về nước đều được giám sát, theo dõi theo quy định. Hiện, chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm.

Bệnh xâm nhập là tất yếu

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Ngoài ra, người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn. Bảo đảm an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - nhận định, các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân ngay từ đầu đã giao các viện, Sở Y tế TPHCM khoanh vùng xử lý. Nguồn lây là từ nước ngoài, vì vậy, rất khó có khả năng trường hợp này lây ra cộng đồng tại Việt Nam.

Đậu mùa khỉ hiện đã được ghi nhận ở trên 106 nước ngoài vùng lưu hành bệnh (châu Phi). Với tần suất mắc cao, địa bàn rộng, việc giao lưu đi lại không hạn chế thì nguy cơ xâm nhập bệnh tại Việt Nam là hiện hữu.

“Tuy nhiên, dù sự xâm nhập có hay không, chúng ta cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Các cơ sở y tế luôn phải nâng cao cảnh giác. Mỗi người dân khi có biểu hiện nghi ngờ thì đến ngay các cơ sở y tế khai báo để được phát hiện bệnh sớm và được tư vấn, điều trị. Đồng thời, tránh lây nhiễm cho người khác”, GS Lân khuyến cáo.

Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM - nhận định, việc bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam là điều tất yếu.

Bởi, trong bối cảnh đi lại như hiện nay, bệnh có thể dịch chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác. Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Mọi người cần cẩn trọng phòng ngừa, nhất là nhóm thuộc cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Bởi, đây là nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Thực tế, kinh nghiệm của các quốc gia đã ghi nhận bệnh đậu mùa khỉ cho thấy, biện pháp phòng ngừa lây nhiễm với nhóm MSM đã mang lại hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ