(GD&TĐ) - GS.TS Nguyễn Văn Luật- nguyên Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, người có nhiều cống hiến cho nền nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và cho cả nước nói chung. Tuy tuổi đã cao nhưng Giáo sư luôn dành mối quan tâm cho ngành giáo dục. GS.TS Nguyễn Văn Luật cho rằng: “Mấu chốt quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH đó là nguồn lực con người, vì ông thầy đóng vai trò rất quan trọng”.
Có một thực tế là hiện nay chất lượng đội ngũ giảng viên trong các trường ĐH không đồng đều. Một số giảng viên có trình độ đáp ứng được yêu cầu nhưng vẫn còn có giảng viên trình độ còn yếu, chưa đạt yêu cầu. Mà mấu chốt quan trọng nhất trong việc phát triển giáo dục ĐH đó là con người, vì ông thầy đóng vai trò rất quan trọng. Ví dụ như đào tạo một ông thầy dạy môn tiếng Anh, nếu nhà trường đào tạo theo kiểu dạy cho hết giáo trình, dạy để thi thì đó là kiểu đào tạo một con người nghiên cứu ngôn ngữ chứ không phải đào tạo người sử dụng ngôn ngữ để áp dụng vào thực tiễn. Nhớ lại thế hệ của chúng tôi, là những SV khoá 1 của Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội năm 1956. Lúc đó hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng chúng tôi học tốt, học giỏi bởi vì có những người thầy giỏi.
GS.TS Nguyễn Văn Luật - Nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL |
Xã hội tiếp nhận sản phẩm của ngành GD& ĐT đó là HS, SV nhưng người đào tạo ra HS, SV chính là người thầy. Nên trách nhiệm của người thầy đối với ngành giáo dục, với xã hội là rất lớn. Có thể thấy rằng để có được một đội ngũ giảng viên tốt, đạt chất lượng còn khó hơn vấn đề về cơ sở vật chất của trường. Vì vấn đề cơ sở vật chất khi có kinh phí sẽ giải quyết được, còn nguồn nhân lực đôi khi có tiền mà vẫn không có được. Trước hết, yêu cầu lớn nhất là đội ngũ lãnh đạo của các trường và đội ngũ giảng viên phải làm sao đạt theo tiêu chuẩn mà Bộ GD& ĐT qui định. Có như thế mới đáp ứng được xu thế phát triển giáo dục ĐH hiện nay.
Nghiên cứu khoa học trong trường ĐH được xem là một mũi nhọn, một mũi tiến công để thúc đẩy các trường ĐH phát triển. Khi nhu cầu nghiên cứu khoa học cao thì sẽ kéo theo sự phát triển hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu như: phòng thí nghiện, trang thiết bị,… Ở ĐBSCL có thể thấy rằng nông nghiệp vừa là cứu tinh vừa là bệ đỡ của nền kinh tế quốc dân. Với thế mạnh là nông nghiệp nên các trường ĐH phải chú trọng đào tạo lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó các ngành phục vụ cho công nghiệp, dịch vụ,… cũng cần được phát triển. Từ đó sẽ đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, cách mạng về sinh học, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,…
Còn vấn đề về kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học tôi nghĩ không khó khăn lắm. Vì nếu nhà trường có chất lượng đào tạo, có ý tưởng tốt trong các đề tài nghiên cứu khoa học thì sẽ tranh thủ được nhiều nguồn kinh phí. Ngoài kinh phí phục vụ nghiên cứu khoa học của trường còn có thể tranh thủ được nguồn kinh phí của địa phương và các đoàn thể để thực hiện.
Giảng viên đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo SV (ảnh: Internet) |
Hiện nay, các trường ĐH của các nước tiên tiến trên thế giới hầu hết là trường ĐH nghiên cứu. Khi đã là một trường ĐH thì phải gắn với công tác nghiên cứu khoa học. Trong đó cần tập hợp SV và các thầy cô giáo theo tổ, nhóm cùng làm công tác ngiên cứu khoa học. Tôi thường xuyên tham gia chấm các đề tài nghiên cứu khoa học theo mô hình này và kết quả rất tốt. Hầu hết có tính thực tế, áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả. Như ĐH An Giang có đề tài nghiên cứu trong canh tác nông nghiệp trên vùng Bảy Núi. Đây là đề tài do thầy làm và có sự tham gia của các em SV nên kết quả tốt. Chính từ những đề tài nhỏ, bám sát thực tế nhưng đó chưa phải là hệ thống nên cần có sự thống nhất và hệ thống lại nên thầy và trò phải cùng làm. Đó sẽ tạo ra tác dụng kép, vừa nâng cao trình độ thực tiễn, vừa nâng cao trình độ lí luận phục vụ vào sản xuất. Nhà trường không những đào tạo SV mà phải đào tạo cho đội ngũ giảng viên. Trong công tác nghiên cứu khoa học thì không chỉ cho SV mà cho cả ông thầy trong đó. Vì thầy trò cùng nghiên cứu khoa học nên cả hai đều được mở rộng kiến thức. Các giảng viên có kinh nghiệm nhiều năm cần phải giúp những người mới, người còn ít kinh nghiệm để cùng phát triển.
Vấn đề tiếp theo là làm sao đảm bảo chất lượng đào tạo thì cần phải chú ý đến số lượng và hình thức. Trong thời gian qua ngành giáo dục đạt được nhiều thành công, trong đó có giáo dục ĐH. Xu hướng chung là hệ thống các trường ĐH trong thời gian tới đây sẽ có nhiều phát triển. Trong xu thế phát triển chung hiện nay thì cần chú ý phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, giáo trình và công tác nghiên cứu khoa học. Cần khắc phục tình trạng phát triển về số lượng nhưng không tương ứng với chất lượng. Nguyên nhân là chạy theo thành tích và chạy theo số lượng còn chất lượng thì thả lỏng.
Quốc Ngữ (Ghi)