Nguồn gốc Tết Hàn thực
Theo truyền thuyết dân gian, tết Hàn Thực bắt nguồn từ việc tưởng nhớ Giới Tử Thôi vào thời Xuân Thu ở Trung Quốc. Chuyện kể rằng: Giới Tử Thôi là bầy tôi trung thành của vua Văn Công nhà Tấn từ lúc Văn Công còn phải long đong, lận đận bôn tẩu khắp mọi nơi, hết chạy sang nước Địch, lại chạy sang nước Vệ, nước Tề, nước Sở. Suốt 19 năm trời gian nan, nhưng khi thành nghiệp lớn, Tấn Văn Công lại quên công đầu của Giới Tử Thôi.
Bánh trôi
Tử Thôi không oán hận mà tủi thân bỏ về quê nhà, cõng mẹ vào núi Miên Sơn ở ẩn. Sau này, Văn Công nhớ ra cho người tìm kiếm Tử Thôi nhưng không thấy. Vua Tấn biết Tử Thôi ở Miên Sơn không chịu ra nên hạ lệnh đốt rừng để buộc ông phải ra. Nào ngờ Tử Thôi và mẹ cùng chịu chết cháy trong rừng.
Nhà vua hối hận cho lập miếu thờ. Hàng năm, đến ngày 3 tháng 3 là ngày chết cháy của 2 mẹ con Tử Thôi thì cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước, đây được coi là ngày Tết Hàn thực. Vào ngày này Người Hoa thường làm bánh trôi, bánh chay để hôm sau ăn tránh việc nổi lửa để tưởng nhớ một vị trung thần. Nếu năm nào Tết Hàn Thực trùng với Tiết Thanh Minh thì năm đó ngày này là chuẩn nhất.
Bánh trôi, bánh chay đã trở thành những món ăn truyền thống trong ngày tết Hàn Thực của người Việt. Vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm - tức tết Hàn thực, người Việt thường làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên như một cách tưởng niệm người thân trong những ngày tháng cuối xuân.
Ý nghĩa Tết Hàn Thực trong các nền văn hóa khác
Văn hóa Trung Quốc
Như đã nói ở trên, Tết Hàn Thực có nguồn gốc từ Trung Quốc, với ý nghĩa ban đầu là tưởng nhớ công lao của danh thần Giới Tử Thôi, đề cao tinh thần trung nghĩa và cốt cách thanh cao của ông. Dần dần, Tết Hàn Thực vì gần với Tết Thanh Minh nên cũng trở thành ngày tế lễ tổ tông, nhắc nhở con cháu về truyền thống đạo hiếu. Đến ngày nay, Tết Hàn Thực đã trở thành một dịp để giáo dục thanh thiếu niên về truyền thống dân tộc, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong thời kì cách mạng.
Vào ngày này, người dân Trung Quốc kiêng đốt lửa, chỉ ăn đồ ăn nguội. Đồ ăn gồm nhiều loại, từ cháo trắng, mì sợi đến các loại bánh có ý nghĩa sâu sắc như Tử Thôi yến để nhắc nhớ về cốt cách tinh thần kiên trung bất khuất của Giới Tử Thôi, Xà bàn thố để cầu mong quốc thái dân an…
Theo truyền thống, ngày này người Trung Quốc có rất nhiều hoạt động như cắm liễu, đạp thanh, đánh đu, đá bóng, chọi gà. Các hoạt động này thường được tổ chức ngoài trời, là dịp để mọi người rèn luyện sức khỏe cũng như tận hưởng không khí ngày xuân. Trước đây, Tết Hàn Thực từng là ngày lễ lớn của dân tộc Trung Hoa, song theo thời gian, nó dần bị mai một, chỉ còn được tổ chức ở một số địa phương.
Văn hóa Hàn Quốc
Có thể nhiều người trong chúng ta không hề biết người Hàn Quốc cũng có Tết Hàn Thực. Bắt nguồn từ Trung Quốc, ngày này khi du nhập vào văn hóa Hàn Quốc đã trở thành ngày tảo mộ, tưởng nhớ tổ tiên. Tết Hàn Thực cùng với Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ và Tết Trung Thu được gọi là 4 ngày lễ lớn của dân tộc Hàn Quốc.
Vào ngày này, người Hàn Quốc thường đi thăm mộ phần của tổ tiên, cha mẹ, bạn bè thân thiết. Tục nhổ cỏ, trồng cây mới khi tảo mộ được gọi là “Cải sa thảo”.
Trước kia, vào Tết Hàn Thực, hoàng thất sẽ tổ chức lễ tế long trọng ở hoàng lăng và đền chùa lớn, còn người dân thì chuẩn bị lễ mọn để dâng cúng gia tiên, gồm hoa quả, bánh trái, rượu trà. Theo truyền thống, ngày này người Hàn Quốc cũng không đốt lửa mà chỉ ăn đồ nguội. Đồ ăn thường là bánh ngải, rau trộn được chuẩn bị từ ngày hôm trước. Trẻ con thì rủ nhau chơi những trò chơi truyền thống như đá cầu, đánh đu…, trải nghiệm những phong tục xa xưa mà ông cha để lại.