Đây cũng là điểm mới đáng chú ý nhất tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mới được ban hành.
Thu hút giáo viên đến vùng đặc biệt khó khăn
Nghị định 76/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2019 quy định chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó có đội ngũ nhà giáo.
Cụ thể, những chính sách quy định trong Nghị định này gồm: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
NGƯT Tô Ngọc Sơn (chuyên viên Sở GD&ĐT Đồng Tháp) chia sẻ những trăn trở của một số thầy giáo công tác tại ngôi trường chỉ gồm 6 phòng học ở vùng đất biên giới Tân Hồng, Đồng Tháp: Giáo viên trong trường không nhiều nhưng phần lớn từ nơi khác đến. “Quy định mới tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP cũng là nguồn động viên không nhỏ, thu hút các thầy cô giáo về công tác ở các vùng đặc biệt khó khăn trên mọi miền đất nước” – NGƯT Tô Ngọc Sơn cho biết.
Vẫn cần thêm các chế độ, chính sách hỗ trợ
Chia sẻ về chính sách mới tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ, TS Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam – nhấn mạnh đến quy định trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng đặc biệt khó khăn 10 tháng lương cơ sở, chi trả ngay khi nhận công tác. Đây là điểm mới so với Nghị định 116/2010/NĐ-CP, ở chỗ không quy định cán bộ, công chức, viên chức phải công tác ở đây từ 3 - 5 năm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định việc trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình, trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.
Chính sách này có các tác dụng động viên, thu hút đội ngũ giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ khắc phục khó khăn ban đầu khi giáo viên đến nhận công tác ở vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời, tạo điều kiện để giáo viên sớm ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, gắn bó với sự nghiệp giáo dục.
Mặc dù vậy, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều trăn trở về những khó khăn của các thầy cô công tác tại những vùng này. Ông cho rằng, các thầy cô còn gặp khó khăn về nhà ở, nhà công vụ, khu tập thể giáo viên thiếu nhiều, có giáo viên phải thuê nhà dân. Điều kiện sinh hoạt cũng vậy: Điện, nước sạch, hệ thống thông tin liên lạc thiếu. Ngoài ra, các thầy cô còn khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới, kiến thức mới. Chưa kể, đời sống gia đình, tình cảm, chăm sóc, giáo dục con cái cũng gặp không ít khó khăn.