(GD&TĐ) - Nói đến vùng cao, người ta nghĩ ngay đến những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Nhưng tuy có khó khăn, đồng bào vẫn ước mơ một ngày mai tươi sáng. Và con đường để thực hiện ước mơ ấy chính là đưa con em mình xuống núi học chữ. Từ đó, phong trào hiếu học cứ theo dốc núi, theo sương mờ và cả những bàn chân không mỏi của học trò vùng cao mà nhân lên…
Mang no ấm về bản không gì khác bằng học chữ
Có một dòng họ ở bản Mông Tổng Kim xa xôi của xã Vĩnh Yên(Bảo Yên - Lào Cai) từ lâu được người dân quanh vùng biết đến là một dòng họ không chỉ chăm chỉ làm ăn, chinh phục tự nhiên để làm ra hạt gạo, hạt bắp mà còn quan tâm đến chuyện học hành của con em. Đó là dòng họ Lý của trưởng bản Lý A Pao.
Từ trung tâm xã Vĩnh Yên, để đến được bản Tổng Kim, chúng tôi phải vượt qua con đường dốc núi cao vời vợi cùng con đường lên bản Lùng Ác. Đến lưng chừng dốc, có một lối nhỏ rẽ phải nhìn xuống thung lũng sâu và rộng đó chính là nơi định cư của đồng bào Mông ở Tổng Kim và đây cũng là nơi mưu sinh từ lâu đời của gần 30 hộ dân họ Lý.
Ông Lý A Pao cho biết, trước đây, dòng họ Lý của ông chuyển từ miền đất “khát” Si Ma Cai về, thấy Tổng Kim đất đai màu mỡ, lưng tựa vào núi, trước mặt là thung lũng thấp xen kẽ cánh đồng, nước nguồn trong mát nên người Mông trong dòng họ đã quyết định “ăn đời ở kiếp” với Tổng Kim cho đến ngày nay. Những ngày đầu, cuộc sống của dòng họ Lý ở đây khó khăn lắm. Do đường đi lối lại không mấy thuận tiện, trình độ dân trí thấp, các công trình dân sinh còn thiếu nên tình trạng thiếu ăn diễn ra triền miên.
Ông Pao cho biết, ở Tổng Kim tuy có nhiều cái khó nhưng bọn trẻ đến độ tuổi đến trường luôn được đi học đầy đủ. Có được điều đó là do sự tự giác của mỗi gia đình trong dòng họ Lý, đồng thời trong những lần sinh hoạt bản, sinh hoạt dòng họ, trưởng bản lại tuyên truyền và động viên anh em trong dòng họ làm tốt công tác khuyến học khuyến tài để động viên và tạo mọi điều kiện đưa con em mình tới trường học chữ.
Bản ở xa trường, do vậy, bọn trẻ phải khăn gói xuống núi trọ học. Ở Tổng Kim hiện nay đã có điểm Trường Tiểu học Vĩnh Yên xây khang trang ngay phía sau bản cho con em của Lùng Ác 1, Lùng Ác 2 và Tổng Kim học. Còn bậc THCS và THPT thì con em trong dòng họ trọ học cả tuần tại nhà bán trú của nhà trường.
Càng khó khăn bao nhiêu, ý thức học tập, tinh thần ham học và khát vọng vươn lên thoát nghèo càng trở thành động lực theo mỗi bước chân, một nét chữ của con em dòng họ Lý. Đến nay, cả dòng họ có gần 20 em học THCS tại Trường THCS Vĩnh Yên và Trường PTDT nội trú Bảo Yên, 100% trẻ em trong độ tuổi được học mầm non và tiểu học ngay tại phân hiệu, 10 học sinh học cấp THPT tại Trường THPT số 3 Bảo Yên.
Điều đáng khâm phục hơn là các em học sinh của dòng họ Lý tại bản Tổng Kim khi tốt nghiệp THPT đã vượt khó để thi đỗ đại học và làm cán bộ cho các địa phương. Tính đến nay, cả dòng họ đã có tới 7 em đỗ đại học và có em đã ra trường.
Truyền thống hiếu học của gia đình bà Lò Thị Hoa đã góp phần tạo nên dòng họ Lò hiếu học ở xã Vĩnh Yên |
Người mẹ nghèo gieo mầm hiếu học
Bên dòng Nậm Luông ngày đêm róc rách, hiền hòa, đoạn Nà Pồng xã Vĩnh Yên (Bảo Yên - Lào Cai) có một gia đình người Tày từ bao năm nay, cho dù hoàn cảnh gia đình có gieo neo, cho dù cuộc sống có khó khăn đói kém nhưng quyết không rời xa con chữ. Người mẹ nghèo khó làm lụng vất vả để động viên các con cắp sách tới trường. Đó là gia đình bà Lò Thị Hoa ở bản Nà Pồng xã Vĩnh Yên, một gia đình từ lâu được biết đến là một gia đình hiếu học nơi bản vùng cao.
Bà Hoa có 5 người con, 3 trai, 2 gái. Gia đình bà hạnh phúc vì trời cho lộc những đứa con khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Nhưng vào đầu những năm 2000, chồng bà, ông Hoàng Ngọc Sông nguyên là chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên lâm bệnh trọng và qua đời. Tất cả để lại trên đôi vai gầy của bà hoa - người phụ nữ Tày quanh năm lam lũ. Ruộng đồng, con cái còn nhỏ, cha già mẹ héo, tất cả đều trở nên nặng gánh đối với bà Hoa. Bà Hoa vẫn quyết tâm vượt mọi khó khăn đưa con mình tới trường học chữ. Còn việc ở nhà, đồng áng, nương rẫy, trâu bò, mọi thứ vai gầy của bà đều gánh cả. Miễn sao bọn trẻ ngoan ngoãn học hành.
Khi ấy, khu vực Nghĩa Đô, Vĩnh Yên chưa có trường THPT nên lần lượt 4 người con của bà ba trai, một gái là Hoàng Văn Hồng, Hoàng Văn Hải, Hoàng Văn Học, Hoàng Thị Hà đều “khăn gói” đi trọ học tại Trường THPT số 1 Bảo Yên tận Phố Ràng. Bà Hoa tâm sự rằng nghĩ đến đường đất và cảnh trọ học của các con mà thấy đắng lòng.
Nhưng biết làm sao được khi phía trường là lời vẫy gọi của con chữ, là tương lai rộng mở của bọn trẻ nên tất cả đều hóa thành quyết tâm. Đường ra trường gần 30 cây số, tuy xa nhà nhưng các con của bà Hoa học hành chăm chỉ và ngoan ngoãn nghe lời mẹ và thầy cô. Đến lượt cô con gái út của gia đình là Hoàng Thị Thu Hiền thì may mắn cho gia đình bà Hoa và cả bản Tày Nà Pồng, Nghĩa Đô đã có trường cấp 3, chỉ cách nhà khoảng 4 cây số.
Em Hiền học hành rất chăm chỉ và có nhiều thành tích trong học tập. Nhiều năm em là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, em được đi dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và từng đạt giải nhất cuộc thi tìm hiểu phòng chống ma túy do Sở GD&ĐT Lào Cai phát động. Thấy những đứa con của mình học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn, bà Hoa cũng thấy vơi đi phần nào những lo toan, vất vả và lòng người mẹ nghèo không nguôi ấp ủ niềm hy vọng vào một tương lai không xa, các con bà sẽ trưởng thành và có công ăn việc làm.
Đến nay, 5 người con của bà Hoa đã được học hành đầy đủ. Có người đã trở thành cán bộ cho bản làng, quê hương, có công việc ổn định. Thế là mãn nguyện lắm rồi. Điều mà bà Hoa vui nhất là các con bà đã định hướng được bản thân mình, biết nghe lời mẹ và trở thành những công dân hữu ích cho xã hội. Chính bà Hoa đã gieo lên ngọn lửa của lòng hiếu học trong trái tim mỗi người con để rồi chính những đứa con của bà tự tay mình xây nên những “viên gạch” vững chắc của truyền thống hiếu học trong gia đình mình.
Có thể nói, nhờ có phong trào hiếu học trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ ở vùng cao đã làm cho con chữ thêm ấm lòng và tìm được nơi neo đậu.
Nguyễn Thế Lượng