Người Việt Nam tại Hàn Quốc: Mong mọi người ở nhà hãy yên tâm

Người Việt Nam tại Hàn Quốc: Mong mọi người ở nhà hãy yên tâm

Lo lắng từng giờ…

Một tuần nay, khi tình hình dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra ở Hàn Quốc có những diễn biến phức tạp, với số ca nhiễm bệnh và tử vong liên tục tăng thì bà Nguyễn Thị Đài ở xã Nam Cường (Nam Trực, Nam Định) như ngồi trên đống lửa. Vào mỗi buổi tối, chiếc điện thoại trở thành cầu nối duy nhất giữa bà Đài với người con trai Nguyễn Văn Dũng hiện đang làm việc tại Hàn Quốc.

Bà Nguyễn Thị Đài thường xuyên liên lạc với người con đang làm việc tại Hàn Quốc qua điện thoại
Bà Nguyễn Thị Đài thường xuyên liên lạc với người con đang làm việc tại Hàn Quốc qua điện thoại

Thấp thỏm, lo âu cũng là tâm trạng của ông Đoàn Trọng Tăng, bố của anh Đoàn Trọng Sa người đang làm việc tại Hàn Quốc đã 3 năm nay. Ông Tăng cho biết, công ty nơi anh Sa làm việc chỉ cách tâm dịch là thành phố Daegu chưa đầy 100km nên mấy hôm nay, mỗi lần liên lạc với con qua điện thoại ông Tăng luôn nhắc nhở anh Sa chú ý giữ gìn sức khỏe cho chính bản thân mình.

Thời điểm 21h tối các tuyến đường thành phố Gwangju rất vắng người qua lại Ảnh: CTV
Thời điểm 21h tối các tuyến đường thành phố Gwangju rất vắng người qua lại  Ảnh: CTV

Có lẽ bà Đài, ông Tăng chỉ là một trong số rất nhiều những gia đình đang lo lắng cho sức khỏe của người thân đang sinh sống và làm việc tại vùng dịch. Theo thống kê của cục Quản lý lao động ngoài nước của Bộ LĐ-TB-XH, chỉ tính riêng trong năm 2019 đã có 7.215 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Hiện đứng thứ 2 và có 37.500 du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc.

Trong khi đó, theo hãng tin Yonhap tính đến thời điểm ngày 26/2, các cơ quan chức năng Hàn Quốc ghi nhận thêm 169 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), đưa tổng số ca nhiễm bệnh tại quốc gia này lên tới 1146 người và có 12 trường hợp  được xác nhận đã tử vong.

Tại Hàn Quốc phần lớn lao động vẫn tiếp tục làm việc tại các công ty, công trường trừ Tp Daegu hiện là tâm dịch.
Tại Hàn Quốc phần lớn lao động vẫn tiếp tục làm việc tại các công ty, công trường trừ Tp Daegu hiện là tâm dịch.

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KCDC), gần như toàn bộ các tỉnh và thành phố lớn của Hàn Quốc đều đã xuất hiện các trường hợp nhiễm.

Seoul - thủ đô của Hàn Quốc đã có 4 ca bệnh. Busan - thành phố lớn thứ 2 đất nước có 8 ca, trong khi tỉnh Gyeonggi mới có 1 trường hợp nhiễm mới. Còn trong số 169 ca nhiễm mới, 153 đến từ Daegu - chiếm đến 90%. Tổng thống MoonJe-In đã nâng cấp cảnh báo lên mức cao nhất trong 4 mức báo động tại quốc gia này.

Thực phẩm dần khan hiếm tại nhiều siêu thị trong thành phố Gwangju Ảnh: CTV
Thực phẩm dần khan hiếm tại nhiều siêu thị trong thành phố Gwangju  Ảnh: CTV

Mong mọi người ở nhà yên tâm

Hiện đang làm việc tại thành phố Gwangju thuộc miền Nam Hàn Quốc anh Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Từ đầu tuần đường phố tại đây đã khá vắng vẻ, ngay chính như con đường Quốc lộ cạnh nơi anh làm việc không còn tấp nập các xe hàng lưu thông như bình thường. Mọi hoạt động vui chơi trong thành phố vào buổi tối cũng thưa thớt”. Việc thành phố Gwangju trở nên vắng lặng yên tĩnh khác thường là điều mà anh Dũng chưa từng được chứng kiến kể từ khi sang Hàn Quốc làm việc.

Bên cạnh đó, dường như tâm lý người dân đang sinh sống tại thành phố Gwangju đang có những sự xáo trộn mạnh. Không ít những siêu thị và các khu chợ lân cận thành phố thực phẩm đã bắt đầu khan hiếm. Trong siêu thị các món hàng được người dân tìm mua nhiều nhất là mỳ ăn liền, thực phẩm đóng hộp và nước uống. Việc người dân tích trữ lương thực là do tâm lý lo ngại dịch bệnh sẽ có những diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.

Anh Vũ Văn Võ hiện đang sinh sống tại Thủ đô Seoul cho biết: “Tại các thành phố của Hàn Quốc đều có những hội, nhóm của người Việt Nam được thành lập nhằm giúp đỡ những công dân Việt Nam khi gặp khó khăn trong quá trình lao động và học tập tại đây. Hầu hết các tổ chức này đều hoạt động hiệu quả và phản ứng nhanh nhạy”. 

Thông tin về công việc, anh Dũng cho biết: “Mỗi công nhân, nhân viên sẽ được tiến hành đo thân nhiệt 2 lần vào buổi sáng và tối ở thời điểm trước khi bắt đầu cũng như kết thúc công việc. Mọi người cũng nghiêm chỉnh chấp hành việc đeo khẩu trang và sử dụng nước rửa tay sát khuẩn”.

Tại thành phố Jinju, thuộc tỉnh Kyongnam cách thành phố Daegu nơi đang có dịch bệnh bùng phát dữ dội chưa đầy 100km, anh Đoàn Trọng Sa thông tin với Báo GD&TĐ: “Từ những ngày đầu dịch bùng phát tại Hàn Quốc, các cơ quan truyền thông đại chúng và nhà mạng đã có những cảnh báo, hướng dẫn an toàn, yêu cầu đeo khẩu trang cũng như phổ biến cách nhận biết các dấu hiệu bệnh. Trên xe buýt, tàu điện ngầm, trong các cửa hàng và tòa nhà lớn, nhiều khu vực công cộng xuất hiện nhiều hơn  các chai nước rửa tay được đặt ở khắp nơi”.

Anh Sa còn lo ngại: “Dường như mức độ lo lắng về dịch bệnh của một bộ phận người dân Hàn Quốc chưa được cao và có phần chủ quan, vì có không ít người dân ra đường, tới các khu chợ hay siêu thị mà không sử dụng khẩu trang”.

Những con đường Quốc lộ dẫn vào tâm dịch Daegu cũng vắng tanh từ nhiều ngày nay Ảnh: CTV
Những con đường Quốc lộ dẫn vào tâm dịch  Daegu  cũng vắng tanh từ nhiều ngày nay  Ảnh: CTV

Anh Dũng hay anh Sa đều có chung ý kiến, trước khi cần tới sự trợ giúp của Chính phủ Hàn Quốc thì tự bản thân những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đây phải chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình. Ngoài các biện pháp như sử dụng khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn… Thì mọi người cũng nên hạn chế việc lui tới những nơi đông người.

Trừ tâm dịch là Tp Daegu, tại Hàn Quốc phần lớn lao động vẫn tiếp tục làm việc ở các công trường.
Trừ tâm dịch là Tp Daegu, tại Hàn Quốc phần lớn lao động vẫn tiếp tục làm việc ở các công trường.

Tuy tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc đang có những diễn biến cực kỳ phức tạp, thế nhưng những người Việt hiện đang sinh sống và làm việc tại đây muốn nhắn nhủ: “Mong mọi người ở nhà yên tâm”. Anh Vũ Văn Võ hiện đang sinh sống tại Thủ đô Seoul cho biết: “Tại các thành phố của Hàn Quốc đều có những hội, nhóm của người Việt Nam được thành lập nhằm giúp đỡ những công dân Việt Nam khi gặp khó khăn trong quá trình lao động và học tập tại đây. Hầu hết các tổ chức này đều hoạt động hiệu quả và phản ứng nhanh nhạy”.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã mở đường dây nóng +82 106 315 6618 và Tổng đài Bảo hộ công dân là +84 981 84 84 84 để sẵn sàng hỗ trợ những công dân Việt Nam bất cứ khi nào cần.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.