Người truyền cảm hứng cho các thủ khoa

GD&TĐ - Mùa thi năm 2020 đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả là niềm vui vỡ òa của các cô tú, cậu tú đạt được điểm thủ khoa trong mùa thi năm nay.

Cô Phạm Thị Kiều Oanh (thứ ba từ trái sang) cùng học trò.
Cô Phạm Thị Kiều Oanh (thứ ba từ trái sang) cùng học trò.

Phía sau các em là thầy cô, gia đình và những trải nghiệm từ cuộc sống đã tạo động lực để có được thành công như ngày hôm nay.

“Ngọn lửa” từ giáo viên 

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Đặng Thị Hồng Trang, cựu HS lớp 12A1, Trường THPT Mỹ Tho, huyện Ý Yên, Nam Định, là một trong hai thí sinh của cả nước đạt điểm 10 môn Ngữ văn. Theo Trang, trong các môn học thì em hứng thú nhất là môn Ngữ văn và đây cũng là môn Trang học khá nhất. Người có tác động, ảnh hưởng lớn nhất đến em trong môn Văn là cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Kiều Oanh.

Trang cho hay, cô Kiểu Oanh là người dìu dắt, chỉ bảo em từng bước, kể cả những lỗi chính tả nhỏ nhất cô cũng nhắc nhở để em sửa lại. Những bài giảng của cô rất hay, rất ấn tượng, những bài học làm người và giá trị của những việc làm tử tế… Nhờ cô mà ngọn lửa tình yêu đối với môn Ngữ văn của em cứ cháy lên, mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Cô Oanh nhận xét, Trang có học lực thuộc tốp xuất sắc của lớp, đặc biệt là môn Ngữ văn. Suốt 3 năm học phổ thông, các bài kiểm tra chưa bao giờ dưới 9,5 và điểm tổng kết trung bình môn Văn cuối năm lớp 12 đạt 9,9 điểm.

Với số điểm 29,5, Trần Nguyễn Thanh Tùng, Trường THPT chuyên Nguyễn Du, tỉnh Đắk Lắk, đã trở thành thủ khoa tổ hợp A1 (Toán, Lý, Anh) toàn quốc năm 2020 sau 2 đợt thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Tùng giành được 2 điểm 10 tuyệt đối ở môn Toán và môn Tiếng Anh, môn Vật lý em được 9,5 điểm. Với tổng điểm 29,5, Tùng trở thành thủ khoa khối A1 của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. 

Tùng cho hay, em có được kết quả ngày hôm nay cũng nhờ vào sự hỗ trợ, quan tâm của các thầy cô giáo, đặc biệt là cô Phạm Thị Xuân Thảo - giáo viên dạy chuyên Anh từ lớp 10. “Cô luôn tạo động lực cho chúng em, đơn giản từ chính sự gần gũi và luôn coi học trò như các con. Cả lớp em đều coi cô như người thân trong gia đình để có thể sẻ chia và cùng nhau cố gắng học tập”.

Những trải nghiệm của cuộc sống 

Gia đình Nguyễn Lê Vũ vui mừng vì con trai đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Ảnh: Hữu Long
Gia đình Nguyễn Lê Vũ vui mừng vì con trai đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.     Ảnh: Hữu Long

Nguyễn Văn Kiên (sinh năm 1999), cựu học sinh Trường THPT Phụ Dực (Quỳnh Phụ, Thái Bình), vừa trở thành một trong hai thủ khoa tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) của cả nước với số điểm 29,75, trong đó đạt 10 điểm môn Toán, 10 điểm môn Hóa học và 9,75 điểm môn Vật lý. Có lẽ, Kiên là thủ khoa đặc biệt nhất từ trước đến nay trong mỗi mùa thi. Khi bạn bè cùng trang lứa đã ổn định tại giảng đường đại học, Kiên mới bắt đầu vào lớp 10. Xuất phát điểm chậm hơn, nhưng cậu học trò này đã làm nên điều kỳ tích. 

Những năm cấp 2, Kiên vốn là cậu học trò thông minh, có thành tích học tập khá tốt. Đỗ vào một ngôi trường cấp 3 của huyện, việc phải đi học thường xuyên khiến cậu không cảm thấy hứng thú nữa. Kiên thích chơi game hơn. Vì thế, một tuần đi học 6 ngày, cậu bỏ học quá nửa. Do cảm thấy việc đi học không có tương lai nên Kiên đã quyết định bỏ dở. Quyết định này của Kiên khiến cả bố và mẹ đều sốc. “Mẹ em khóc suốt, còn bố em - những tưởng sẽ mắng rất nặng vì bố vốn là người nghiêm khắc – thì giờ lại im lặng không nói bất cứ điều gì. Trước đó, có những lần bắt được em đi chơi game, khi về nhà bố đã lôi hết sách vở ra đốt”, Kiên chia sẻ.

Vài ngày sau khi đã trấn tĩnh lại, bố mẹ gọi Kiên ra khuyên nhủ. Nhưng dù bố mẹ có thuyết phục thế nào, cậu cũng nhất quyết không đi học nữa. Nghỉ học, Kiên bỏ vào Nam làm đủ thứ nghề phổ thông như xin đi bán cà phê và làm thợ may. Mỗi ngày như thế, Kiên kiếm được 200.000 đồng. Với Kiên, những ngày đầu tại thành phố lớn, em thấy rất thích vì được tự do. Em thuê phòng trọ hết 1 triệu/tháng, ăn hết 2 triệu/tháng. Chi tiêu các khoản, em vẫn còn để dư ra một ít.

Nhưng một thời gian sau, khi phải liên tục tăng ca, làm từ 7 giờ sáng đến 9 – 10 giờ tối mới về đến nhà, Kiên bắt đầu thấy hối hận. Em muốn quay lại để được đi học, nhưng vì đã bỏ học rồi, giờ quay lại em cũng cảm thấy rất ngại. Những đêm nằm một mình trong phòng trọ, Kiên nhớ tới mẹ. “Mẹ em thường đi chợ bán hoa quả và mía. Ngày nào khá bán được 200.000 đồng, còn không cũng chỉ được vài chục nghìn. Có hôm trời mưa còn bị lỗ vốn vì hoa quả thối, không bán được nữa. Em bỗng thương mẹ và cảm thấy mình đang phụ lòng của bố mẹ”, Kiên tâm sự. Kiên quyết định gọi điện về nhà. Lần này, nhận được động viên của bố mẹ nhất là câu nói: “Con cứ học đi, tốn bao nhiêu tiền bố mẹ cũng nuôi được. Kể cả không có tiền, bố mẹ cũng có thể đi vay, chỉ cần con học tốt” khiến Kiên như “tỉnh ngộ”. Em quyết định quay trở về học lại sau quãng thời gian 3 năm bỏ dở. Từng cảm thấy rất hối hận khi đã bỏ học, nhưng giờ đây, nhìn lại sau tất cả, Kiên nói rằng, nếu thời điểm đó không bỏ học, có lẽ em sẽ không có động lực để đạt được kết quả này.

“Khi đi làm, em thấy rất vất vả. Nếu không có kiến thức, mãi mãi mình vẫn chỉ là người làm việc tay chân không có tương lai. Em cũng từng chứng kiến những người lao động xung quanh mình và cảm thấy họ khổ nhọc vô cùng”, Kiên chia sẻ.

Cậu cũng biết ơn các thầy cô tại ngôi trường cấp 3 của mình, đặc biệt là thầy hiệu trưởng và hai cô giáo chủ nhiệm đã tạo điều kiện cho bản thân được chuyển từ lớp cơ bản sang học tại lớp mũi nhọn của trường. Sau 2 năm, từ cậu học trò bắt đầu “bằng con số 0”, Kiên đã lọt vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi tỉnh môn Hóa học và đoạt giải Nhất. Mặc dù không được tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội như kỳ vọng, nhưng với số điểm đạt được, Kiên đã có một suất học tại ngôi trường này. 

Còn Nguyễn Lê Vũ (cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) đã trở thành thủ khoa tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2, đạt cả 3 điểm 10 tuyệt đối của 3 môn là Toán, Hóa và Sinh. Vũ cũng là thủ khoa duy nhất của cả nước đạt điểm tuyệt đối cả 3 môn thi. Em chia sẻ, ngày  nhỏ, hình ảnh cậu và ông ngoại ở Phú Yên với chiếc áo blouse trắng cứu bệnh nhân đã trở thành lý tưởng để Vũ khát khao trở thành bác sĩ. “Em muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho nhiều người, nhất là những người nghèo”, Vũ cho hay và đó đã trở thành động lực để em chạm tay vào ước mơ của mình.
Mỗi thủ khoa sẽ có một con đường riêng để đi, một động lực để phấn đấu. Nhưng chắc chắn, phía sau các em, không thể thiếu sự trợ giúp của gia đình, thầy cô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ