Người trẻ thiếu hiểu biết về sức khỏe phụ khoa: Hệ quả nặng nề

GD&TĐ - Theo thống kê từ Bộ Y tế, Việt Nam có đến 90% người nữ trong độ tuổi sinh sản (18 - 45 tuổi) đã từng mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa.

Giới trẻ tham gia chương trình chiến dịch 'vùng mắc cỡ' nhằm học hỏi kiến thức, góc nhìn mới về chủ đề sức khỏe phụ khoa. Ảnh: Nơ Xanh
Giới trẻ tham gia chương trình chiến dịch 'vùng mắc cỡ' nhằm học hỏi kiến thức, góc nhìn mới về chủ đề sức khỏe phụ khoa. Ảnh: Nơ Xanh

Theo thống kê từ Bộ Y tế, Việt Nam có đến 90% người nữ trong độ tuổi sinh sản (18 - 45 tuổi) đã từng mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa. Đáng nói, số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15% - 27%, 60% phụ nữ đã và đang mắc các chứng bệnh phụ khoa nhưng vẫn ngại ngùng và không đi khám định kỳ.

Chủ quan không khám bệnh

L.A.V. (17 tuổi, học sinh một Trường THPT trên địa bàn TPHCM) kể, một ngày nọ cảm thấy tăng cân, nghĩ đang trong độ tuổi dậy thì nên cho rằng là điều bình thường. V. cố gắng ăn uống và ra sức tập thể dục nhưng không mấy thuyên giảm, đặc biệt là vùng bụng, càng ngày càng to ra một cách bất thường.

Vì ngại ngần nên thời gian đầu V. không muốn đi khám. Một thời gian sau, vì sự hối thúc của mẹ nên V. quyết định tới bác sĩ sản phụ thăm khám. Bác sĩ phát hiện V. có một khối u rất to ở tử cung. V. chưa có bạn trai, chưa từng quan hệ tình dục, nhưng em được bác sĩ miêu tả bụng mình to như một người phụ nữ có bầu 5 tháng, nếu không phát hiện sớm sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.

Tương tự như V., chỉ vì ngại khám phụ khoa nên N.C.T. (sinh viên năm 3, sinh viên đại học tại TPHCM) vô tình khiến bệnh viêm âm đạo trở nên nặng hơn, dẫn đến viêm đường tiểu.

“Ban đầu em cảm thấy ngứa rát, khó chịu. Việc khám phụ khoa đối với em rất đáng sợ nên em nghĩ không cần đi khám, chỉ vệ sinh sạch sẽ là được. Vài ngày sau, em có dấu hiệu tiểu buốt, tiểu ra máu và đau vùng bụng dưới.

Cảm thấy không ổn nên em quyết định khám bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ. Kết quả là bị viêm âm đạo nặng, viêm đường tiểu, bác sĩ chỉ định xét nghiệm thêm ung thư cổ tử cung”, T. nói. T. cho biết thêm, nếu không đi khám, để lâu hơn có thể dẫn đến viêm cổ tử cung, mất khả năng sinh con…

nguoi tre thieu hieu biet ve suc khoe phu khoa he qua nang ne (1).jpg
BS CKII Bùi Thanh Vân chia sẻ kiến thức tại sự kiện talkshow 'Chuyện vùng mắc cỡ', tháng 7/2024. Ảnh: Nơ Xanh

Bác sĩ nói gì?

Lý giải các biểu hiện trên, BS CKII Bùi Thanh Vân, nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, hiện nay xu hướng mắc các bệnh phụ khoa không chỉ ở những người đã có gia đình, phụ nữ trung niên mà các bạn trẻ cũng mắc phải, đặc biệt là với các bạn chưa quan hệ tình dục.

“Nhiều bạn trẻ nghĩ mình chưa từng quan hệ thì làm sao mắc bệnh phụ khoa, không có lý do gì để gặp bác sĩ. Những lầm tưởng ấy vô tình khiến bệnh phụ khoa trở nên trẻ hóa. Hiện nay, không chỉ ở những phụ nữ đã lập gia đình mà cả các thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục cũng có thể mắc viêm âm đạo”, BS Vân cho hay.

Theo BS Thanh Vân, bệnh phụ khoa là các bệnh lý liên quan tới cơ quan sinh dục của người phụ nữ bao gồm tử cung, buồng trứng, hai ống dẫn trứng, âm hộ, âm đạo… Nói về nguyên nhân khiến tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa gia tăng, BS Vân cho rằng, cần nhìn vào hai mặt của một vấn đề. Con số gia tăng không phải là xấu, chúng ta cần nhìn nó theo mặt tích cực.

“Phụ nữ mắc bệnh phụ khoa tăng cao ở thời điểm này vì các bạn trẻ cởi mở hơn với việc quan hệ tình dục sớm. Đây là lý do tỷ lệ mắc các bệnh phụ khoa giữa người đã quan hệ tình dục so với người chưa quan hệ tình dục cao hơn.

Chúng ta nên nhìn ở mặt có lợi rằng, người trẻ đã chịu khó đi thăm khám nhiều hơn, phát hiện bệnh sớm để bác sĩ xử lý kịp thời. Nhiều trường hợp có một số bạn bị viêm nhiễm nhưng không đi khám, lấy chồng rồi thì vô sinh. Đến khi bác sĩ kiểm tra thì phải cắt hai ống dẫn trứng, lý do vì bạn đã có một quá trình viêm nhiễm kéo dài mà không hề biết”, BS Vân chia sẻ.

Cùng quan điểm với BS Vân, TS.BS Sản phụ khoa Ngô Thị Yên, ủy viên Ban Chấp hành Hội Y học giới tính Việt Nam khuyên các bạn trẻ nên biết cách chăm sóc và bảo vệ bản thân, không nên có tâm lý e ngại.

Người trẻ không nên để bệnh chuyển sang giai đoạn nặng mới đến bệnh viện. Khi đó việc điều trị sẽ tốn kém, mất nhiều thời gian và có thể để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ.

“Các bạn hãy lắng nghe cơ thể, theo dõi mình. Khi nào thấy bất thường như đau bụng, đi tiểu nhiều lần, vùng kín ngứa ngáy, viêm đỏ và sưng thì hãy đến bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời. Hãy vệ sinh vùng kín đúng cách, vệ sinh đủ 3 bước từ trước ra sau và thay quần lót định kỳ để hạn chế viêm nhiễm”, BS Yên nói.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến khích người trẻ tự nâng cao hiểu biết về sức khỏe phụ khoa, trau dồi kiến thức phòng bệnh thông qua các chương trình giáo dục, lắng nghe các bác sĩ uy tín, quan hệ chung thủy với bạn tình.

Đồng thời, mỗi bạn trẻ nên có lối sống mạnh khỏe, rèn luyện thể thao và có chế độ phòng ngừa bệnh bằng cách đi chích ngừa, phá bỏ quan niệm không phải có bệnh mới đi khám phụ khoa mà nên kiểm tra định kỳ 3 - 6 tháng, tầm soát ung thư cổ tử cung mỗi năm một lần.

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ và khuyến khích trao đổi cởi mở về sức khỏe phụ khoa, tổ chức Nơ Xanh đã thực hiện chiến dịch Vùng mắc cỡ, hướng đến người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 24, đặc biệt là sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn TPHCM.

Chiến dịch xây dựng chuỗi hoạt động trò chuyện, không gian đối thoại gần gũi mang đến cơ hội hỏi đáp, giao lưu và chia sẻ góc nhìn mới về chủ đề sức khỏe phụ khoa với sự đồng hành của BS CKII Bùi Thanh Vân và TS.BS Sản phụ khoa Ngô Thị Yên.

Bên cạnh đó, chiến dịch còn hoạt độngTikTok Dance Challenge - Vũ Điệu Mắc Cỡ nhằm gây quỹ trao tặng 500 bộ sản phẩm chăm sóc phụ khoa cho những phụ nữ Việt Nam thiếu điều kiện tại vùng sâu vùng xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.