Người trẻ nộp thuế “khủng”

Năm 2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp do đại dịch COVID-19, đời sống nhiều người dân khó khăn.

Kênh YouTube Anh thám tử đang đứng thứ 10 trong tốp 100 kênh có tiếng ở Việt Nam
Kênh YouTube Anh thám tử đang đứng thứ 10 trong tốp 100 kênh có tiếng ở Việt Nam

Tuy nhiên, hiếm hoi, vẫn có những ngành nghề, cá nhân sống khỏe, thậm chí “phất” lên nhờ thu nhập từ hoạt động bán hàng online, sáng tạo ứng dụng (App), phát triển kênh YouTube… Câu chuyện một số người trẻ, với những cái tên lạ đột ngột tự nguyện nộp thuế “khủng” đang gây bất ngờ, tò mò cả với ngành Thuế và công chúng.

Thu nhập khủng nhờ viết phần mềm

Thương mại điện tử (TMĐT) đang tăng tốc đặc biệt. Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2020 tới nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp do đại dịch COVID-19, song hàng trăm ngàn gia đình, cá nhân vẫn duy trì được cuộc sống, thậm chí phất lên nhờ thu nhập từ bán hàng online, sáng tạo ứng dụng (App), phát triển kênh YouTube…

Năm 2020, Cục Thuế TP. Hà Nội bất ngờ khi thu thuế từ hoạt động TMĐT tăng gấp gần 5 lần so với năm 2019. Nhưng lạ lùng hơn, đơn vị này thừa nhận, có cả những cá nhân tự nguyện đến kê khai và nộp thuế với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. "Tiêu biểu nhất là trường hợp một cô gái 28 tuổi, hộ khẩu tại quận Cầu Giấy. Cô gái này đã sáng tạo ra nhiều phần mềm được các ứng dụng Google Play và App Store đăng tải, có tổng thu nhập lên tới 330 tỷ đồng, và đã nộp thuế 23,4 tỷ đồng. Một cá nhân nộp thuế tiêu biểu khác là nam giới, 30 tuổi, cũng có địa chỉ tại quận Cầu Giấy. Người này cũng sáng tạo nhiều phần mềm, có thu nhập 260 tỷ đồng, nộp thuế 18,1 tỷ đồng", đại diện Cục thuế cho hay.

Chi cục Thuế quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng) vừa lên tiếng  xác nhận: đã truy thu thuế từ một cá nhân 25,3 tỷ đồng. Đó là trường hợp ông N.N.D (trú Đà Nẵng). Đầu năm 2019, ông D đến cơ quan thuế để nắm các thông tin về kê khai thuế thu nhập. Sau khi được giải thích, ông D. về nhà làm một tờ kê khai cho thấy, từ năm 2015 đến tháng 6/2018, ông này phát sinh doanh thu từ dịch vụ quảng cáo do Google chi trả, với tổng số tiền hơn 281 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này có được nhờ hoạt động quảng cáo trên mạng.Ông D. xác nhận là chủ một trang web cung cấp phần mềm giải trí.Trang này có nhiều ngôn ngữ và nhắm tới người dùng trên Facebook các nước.

Sau khi đăng nhập, người dùng trên khắp thế giới có thể sử dụng các ứng dụng giải trí và chia sẻ mà không trả bất cứ chi phí nào. Chủ yếu, nguồn thu của trang web ông D. có được từ việc đặt quảng cáo. Càng nhiều người dùng thì doanh thu sẽ tăng lên. Mỗi tháng, Google tổng kết và hoàn trả tiền dịch vụ quảng cáo cho ông D. vào tài khoản cá nhân tại một ngân hàng chi nhánh ở Đà Nẵng. Từ năm 2018 đến nay, do trang web lỗi nên dừng hoạt động và ông D. không nhận bất cứ khoản tiền nào. Tháng 9/2019, ông D. làm thủ tục kê và nộp hơn 25 tỷ đồng tiền thuế.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, số thuế những cá nhân trên nộp được tính là 7% trên tổng doanh thu, bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân. “Cá nhân kinh doanh thường không có sổ sách kế toán để xác định được đầu ra đầu vào, cho nên Nhà nước quy định tỷ lệ giá trị gia tăng bắt buộc tùy vào ngành nghề. Đối với người sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo thì áp 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân trên tổng doanh thu”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.

Mảnh đất màu mỡ

Ông Lê Quang Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Cầu Giấy cũng nhìn nhận: hiện kinh doanh qua mạng đang phát triển rất tốt. Không chỉ các cá nhân trên mà theo ông Hùng, còn khá nhiều những người trẻ, kể cả trường hợp là sinh viên cũng áp dụng công nghệ để kinh doanh qua mạng và nhiều bạn cũng tự nguyện nộp thuế. “Rõ ràng những người trẻ của Việt Nam rất tài năng, thực sự giỏi và có đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước”, ông Hùng nhấn mạnh.

Lý giải thực tế người trẻ nộp thuế tự nguyện tăng vọt, một đại diện Tổng cục Thuế cho hay, do thời gian vừa qua, ngành thuế đẩy mạnh tuyên truyền về quản lý thuế TMĐT nên nhiều cá nhân đã hiểu ra tự động đi kê khai và nộp thuế (thay vì chờ bị truy thu, nộp phạt nếu ngành thuế tìm ra thu nhập). Ngoài ra, sau khi Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được ban hành, công tác quản lý thuế TMĐT đã có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, trong đó nổi bật là sự phối hợp của Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại nên cũng đạt kết quả khả quan hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), người nộp thuế cần chủ động tìm hiểu về chính sách thuế để thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế sẽ luôn đồng hành cùng người nộp thuế, để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng các quy định của pháp luật.

“Luật đã quy định nếu người nộp thuế khai sai, cơ quan thuế phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, cũng như tính tiền chậm nộp. Trường hợp người nộp thuế cố tình trốn thuế có thể bị xử phạt từ 1-3 lần, nặng hơn cơ quan thuế sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật”, đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

 “Với 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến đã đưa thị trường TMĐT tại Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18% (năm 2019 là 25%), đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước”.  Báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số Bộ Công Thương 
Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...