Tiếng yêu đầu tiên

Người tôi yêu, tôi thương…

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong hồi hộp, ngoài lạnh te, tôi bước chân vào lớp. Học sinh đồng loạt đứng lên chào. 

Cô và trò trong giờ học. Ảnh: NH.
Cô và trò trong giờ học. Ảnh: NH.

Tôi yêu cầu các em chỉnh bàn ghế, đồng phục thật ngay ngắn rồi mới cho ngồi xuống. Được đồng nghiệp cảnh báo: “Lớp này quái lắm”, tôi giữ thế phòng thủ để bước vào tiết dạy đầu nghề. So với tôi, các em là ma cũ. Ma cũ mà lại còn quái thì có thể xơi tái ma mới chăng?

Đặt cặp xuống bàn, tôi giới thiệu bản thân rồi nở nụ cười thông báo:

- Cô rất vui khi được dạy và chủ nhiệm lớp mình.

Tôi vừa dứt lời thì cả lớp vỗ tay rào rào, một số quá khích đập bàn ầm ầm hoặc đấm thằng kế bên bùm bụp. Mấy tên cuối lớp còn tung mũ làm trò, rồi cười hô hố. Đó là cách chúng chào đón một con mồi chân ướt chân ráo là tôi.

- Cô giáo bằng tuổi chị em, cô cho em gọi bằng chị nhé. Chị chị em em… hố hố hố… - Tên áo đen ngồi gần bàn cuối dãy ba lên tiếng.

Cả đám hùa theo tên đó, cười sằng sặc. Tôi đập mạnh tay xuống bàn, lừ mắt. Không hề gì. Chúng vẫn cười. Tôi đập bàn lần nữa, mạnh hơn. Lớp vẫn cười rống. Lần thứ ba, tôi đập bàn cùng tiếng quát:

- Yêu cầu các anh chị trật tự!

- Cô vừa bảo: “Yêu các anh này thật sự” kìa. Hố hố hố… – Vẫn là tên áo đen lên tiếng.

Cả đám tiếp tục cười rung sàn. Trong phút chốc, tôi cảm thấy bế tắc. Bỏ cuộc thật dễ dàng nhưng tiếp tục mới là điều tôi muốn. Hít một hơi thật sâu, tôi nghiêm mặt, dõng dạc tuyên bố:

- Cô đếm từ 1 - 3. Em nào còn ồn ào, cô sẽ mời phụ huynh đến.

Tôi dừng lại vài giây cho đám tiểu yêu kịp hiểu xong nội dung câu nói. Tiếp đó, tôi giơ ngón trỏ tay phải, cương quyết đọc to, rõ từng con số:

- Một… hai… ba…

Khi số ba và ngón áp út bật lên, lớp tức thì im phăng phắc. Nhưng tên áo đen không cam tâm. Hắn nói vớt vát:

- Thích mời thì mời…

Không ai hùa theo hoặc không dám hùa theo hắn nữa. Vậy là cuộc chiến này chỉ còn tôi và hắn. Bớt áp lực phần nào, tôi lia mắt nhìn xoáy vào hắn. Cái thằng mặt búng ra sữa mà dám chém tre không dè đầu mặt. Tôi muốn làm cô giáo hiền nhưng trong tình huống này thì tạm dẹp. Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Hắn vênh mặt, hếch cằm ném lại hai cục lửa trừng trừng. Tôi – hắn gườm nhau làm những đứa còn lại xám ngoét mặt.

- Cô mời em lên bảng – Tôi trấn tĩnh nói với hắn.

- Em không mắc lỗi, em không lên – Hắn giở giọng bất cần, bất sợ.

- Cô chưa bảo em mắc lỗi. Em lên đi – Tôi hạ giọng nhưng nét mặt ngầm thông báo: Em không thoát được, tốt nhất hãy làm theo lệnh cô.

Áo đen ngày nào giờ đã thành họa sĩ. Ảnh: NH.

Áo đen ngày nào giờ đã thành họa sĩ. Ảnh: NH.

Và thế là hắn miễn cưỡng đi lên. Tôi nhìn rõ hơn khi hắn đến gần. Áo đen, quần bò, giày thể thao. Tóc loăn xoăn, màu nâu khói. Tai đeo khuyên. Hắn còn xăm một con bọ cạp dưới chiếc khuyên hình chữ thập. Bắt lỗi hắn lúc này dễ ợt nhưng tôi đã không làm vậy. Nhìn thẳng vào mặt hắn, tôi nói từng câu chắc nịch:

- Em hoạt ngôn đấy. Cô muốn học tập em. Vì vậy, ta hãy đổi vai. Cô ngồi chỗ em. Em ngồi chỗ cô. Em toàn quyền làm thay cô mọi việc ở đây, trong tiết học này.

- Em không biết dạy học - Hắn lí lẽ lại.

- Em không cần dạy học. Em cứ nói bất kì điều gì em muốn. Nói như vừa nãy em nói ở dưới kia. – Tôi dồn hắn vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Nói xong, tôi bước xuống cuối lớp. Hắn làm gì đủ bản lĩnh ngồi vào chiếc ghế của tôi. Một mình trên bục giảng, hắn tự vò đầu túm gáy. Đơn thương độc mã khiến hắn trở nên luống cuống, không biết đối phó ra sao. Nói gì lúc này đều là vô duyên. Muốn nói phải có đồng minh. Phải có thằng tung, thằng hứng, thằng ném, thằng đỡ.

Nhìn vẻ mặt của tụi bạn, hắn biết hắn có tung cả rổ chuyện cũng không ai dám hứng. Không ai dám ném cho hắn một câu để hắn đỡ. Nhìn trái, nhìn phải, nhìn lên, nhìn xuống, rồi hắn nhìn tôi. Đôi mắt không còn hai cục lửa. Mặt hạ độ vênh.

Hắn đứng thẳng thớm được một lúc thì vặn vẹo ba lúc. Mọi con mắt dồn vào hắn nhưng mọi cái mồm thì ngậm chặt. Trông hắn vừa thương, vừa giận, vừa muốn xí xóa, vừa muốn tính sổ. Ai bảo hắn dám chọc điên tôi – một cô giáo mới – cứng – cựa. Cậy cũ bắt nạt mới à? Cũ mấy cũng chỉ là học sinh. Mới mấy cũng vẫn là giáo viên. Trong lớp học, trò ra trò, cô ra cô. Không có chuyện bát nháo chi khươn, lộn bậy lộn bạ.

Hắn cứ đứng một mình trên bục giảng. Nhìn bốn phương tám hướng chán thì hắn nhìn vào mảng đen trên áo hắn. Hắn chẳng biết làm gì ngoài việc cúi xuống tránh ánh nhìn của tất cả… Dáng vẻ đáng thương hơn đáng giận của hắn lúc này khiến dây đàn trong tôi chùng xuống thành sợi bún.

Chắc hắn biết lỗi rồi. Hắn biết lỗi thì mình nên tha. Bổn phận của nghề giáo là thiện tâm dạy dỗ. Hắn là học trò, còn trẻ con và thích nổi loạn. Anh hùng không chấp tiểu tiết, cô giáo không chấp học trò, tôi nhắc đôi câu rồi cho hắn về chỗ. Mấy đứa bàn đầu giãn cơ mặt khi cơ chân của hắn được thứ tha. Đợi hắn ngồi yên vị, tôi nghiêm giọng nẹt cả lớp:

- Kể từ giờ, bất kì ai mất trật tự, cô sẽ mời nói suốt tiết. Không nói được thì viết tường trình có chữ ký phụ huynh. Đây là lớp học. Không phải cái chợ. Lớp nghe rõ chưa?

Tiết dạy đầu nghề đã thuộc về dĩ vãng nhưng đối với tôi đó là kỉ niệm để đời. Ảnh: NH.

Tiết dạy đầu nghề đã thuộc về dĩ vãng nhưng đối với tôi đó là kỉ niệm để đời. Ảnh: NH.

- Rõ ạ – Cả lớp đồng thanh nói.

Trận chiến đầu tiên tạm lắng. Tôi bắt đầu vào bài khi còn hơn nửa thời gian tiết học. Tôi giảng say sưa, giảng nhiệt tình, phân tích từng phần kiến thức. Tôi cũng đưa các dạng câu hỏi từ dễ đến khó, từ lí thuyết đến vận dụng… nhưng không học sinh nào giơ tay xin trả lời. Không xung phong thì tôi chỉ định. Tôi gọi đến học sinh thứ năm, cả năm em đều lần lượt trả lời:

- Thưa cô, em không biết ạ.

Chúng ngầm phản pháo tôi chứ câu trả lời nằm chình ình trong sách giáo khoa, ngay dòng đầu tiên. Không chấp nhận sự thờ ơ đang diễn ra, tôi yêu cầu cả lớp đọc ba dòng đầu rồi gạch chân dưới thông tin quan trọng. Giáo viên mà không khơi được cảm hứng ham học cho học trò thì khác gì đập búa trên thanh sắt nguội. Tôi nhất định phải đập tan tinh thần học tập này.

Một phút sau, tôi lướt qua các dãy kiểm tra sách. Không học sinh nào gạch chân. Thất vọng tràn trề, tôi gọi lớp trưởng đứng dậy chất vấn:

- Em đọc bài chưa?

- Thưa cô, em đọc bài rồi ạ.

- Tại sao em không gạch chân?

- Thưa cô, vì em không thấy thông tin nào quan trọng.

Nén bất lực, tôi tiếp tục gọi học sinh khác. Câu trả lời giống hệt lớp trưởng. Rõ ràng là bọn chúng đang đồng lòng chống lại tôi. Gớm mặt thật. Một con ngựa đau, cả tàu không hợp tác. Không học sinh nào mất trật tự. Nhưng cũng không học sinh nào chú ý nghe giảng. Chúng ngồi đơ như tượng gỗ vô hồn.

Sao lại thế nhỉ? Hay tại tôi dạy sai? Không thể nào. Tôi làm việc vốn chỉn chu, cẩn thận, có trách nhiệm. Trước khi lên lớp, tôi đã luyện giảng ở nhà đến thuộc giáo án, thuộc sách giáo khoa và một vài tài liệu khác. Tôi thậm chí còn tập cười thật dịu dàng, tập khen thật thân thiện khi học sinh trả lời đúng. Bao nhiêu háo hức, bao nhiêu chờ đợi, bao nhiêu nhiệt huyết của tôi bị dội gáo nước lạnh đến tê tái, phũ phàng.

Bằng sự nhiệt tình, yêu thương, nhẫn nại… giáo viên sẽ có cách chinh phục từng thử thách giúp học sinh thắp sáng tương lai. Ảnh: NH.
Bằng sự nhiệt tình, yêu thương, nhẫn nại… giáo viên sẽ có cách chinh phục từng thử thách giúp học sinh thắp sáng tương lai. Ảnh: NH.

Tôi đứng im phắc trên bục giảng trong giây lát rồi bước ra khỏi lớp. Giọt nước tròn lăn trên má tôi, rơi vào khóe môi, mặn mòi, ấm ức. Tôi ngước mặt lên bầu trời cao rộng. Trước mắt tôi, một đám mây thong thả trôi, đôi cánh chim nhịp nhàng vỗ.

Tôi hít thở ba nhịp thật sâu và tự trấn an mình: “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Cố gắng lúc nữa là mình hoàn thành bước chân đầu tiên trong nghề giáo. Rồi sẽ qua. Rồi sẽ quen. Ai chả có bước đầu bỡ ngỡ”. Nhủ xong, tôi quay trở lại lớp.

- Hôm nay, các em học đến đây thôi. Ít phút còn lại, cô trò mình giao lưu nhé – tôi vui vẻ nói để thay đổi không khí lớp học.

- Cô hát đi. Cô hát đi ạ – Một vài em đề nghị.

- Cô hát không hay nhưng cô có thể kể chuyện – Tôi nói.

- Không, chúng em thích nghe hát hơn – Học sinh tiếp tục nhao nhao nhưng không đến nỗi ồn ào như lúc đầu.

- Vậy các em có thể vỗ tay đệm nhịp cho cô không?

Sau câu hỏi mang tính đề nghị của tôi, học sinh vỗ tay ào ào. Và tôi bắt đầu cất giọng: “Bên phải tôi là người tôi yêu tôi thương. Bên trái tôi là người tôi yêu tôi thương. Trước mắt tôi là người tôi yêu tôi thương. Xung quanh tôi là người tôi yêu tôi thương. Người tôi yêu tôi thương đang ngồi bên phải của tôi. Người tôi yêu tôi thương đang ngồi bên trái của tôi. Người tôi yêu tôi thương đang ngồi xung quanh tôi đó. Người tôi yêu tôi thương đang ngồi xung quanh tôi đây”.

Sau lượt thứ nhất, vài học sinh đã thuộc và hát cùng tôi ở lượt hai. Chẳng những vậy cô trò tôi còn kết hợp các động tác theo lời bài hát. Đưa tay sang phải, đưa tay sang trái, đưa tay lên trước, đưa tay xung quanh, đưa tay lên đầu tạo trái tim yêu thương.

Lượt hát thứ ba thì hầu như ai cũng thuộc. Cả lớp lúc này cùng đứng dậy hát và đưa tay theo lời. Không khí hết sức sôi nổi, đoàn kết. Tiết mục văn nghệ ngẫu hứng, bất ngờ khiến cô trò tôi hòa làm một khối. Chẳng còn ai nhớ chuyện không vui lúc đầu. Trống kết thúc giờ học vang lên chính vào lúc cô trò tôi bắt đầu keo sơn, gắn bó.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, tiết dạy đầu nghề đã thuộc về dĩ vãng nhưng đối với tôi đó là kỉ niệm để đời. Nó nhắc nhở tôi rằng: Không thể trồng cây nơi thiếu ánh sáng, không thể dạy trò với chút ít nhiệt tình. Học sinh luôn đủ trò để thử thách giáo viên ở bất kì môn học nào, bậc học nào, môi trường nào... Bằng sự nhiệt tình, yêu thương, nhẫn nại… giáo viên sẽ có cách chinh phục từng thử thách giúp học sinh thắp sáng tương lai.

Áo đen ngày nào giờ đã thành họa sĩ. Lớp trưởng du học rồi định cư ở nước ngoài… Nhìn sự trưởng thành của lứa học trò đầu tiên, tôi càng có động lực cống hiến, truyền lửa cho các lứa học trò kế tiếp. Đó là hạnh phúc, là trách nhiệm, là niềm vui trong hành trình dạy học của tôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ