Nhiều năm liền, đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý do cô trực tiếp phụ trách đạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế.
Tìm phương pháp giảng dạy phù hợp
Năm 2000, tốt nghiệp Khoa Vật lý Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, cô Hằng được Sở GD&ĐT Quảng Ninh phân công nhiệm vụ về công tác tại Trường THPT chuyên Hạ Long - ngôi trường cô đã gắn bó với 3 năm học THPT.
Cô Hằng cho biết, khi còn là học sinh, cô đã mơ ước trở thành cô giáo. Yêu thích Vật lý từ năm học lớp 9, cô quyết tâm thi vào Trường THPT chuyên Hạ Long. Được học tập trong một môi trường tốt, dưới sự giảng dạy của nhiều thầy cô giáo giỏi chuyên môn, tận tâm với học trò, cô quyết tâm theo đuổi môn Vật lý. Cô đã chọn Trường ĐHSP Hà Nội để theo đuổi đam mê.
Nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi môn Vật lý, có nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, cô Hằng rút ra kinh nghiệm, khi phát hiện các học sinh có năng lực và say mê bộ môn, thầy cô nên quan tâm, động viên, khuyến khích các em học tập. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên luôn tự học tập bồi dưỡng để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu của kì thi HSG các cấp.
Về dạy học tại Trường THPT chuyên Hạ Long, được làm việc với các thầy cô giỏi về chuyên môn, tâm huyết với sự nghiệp, cô Nguyễn Thu Hằng có điều kiện để học hỏi, cố gắng hết mình, từng bước tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng.
Gắn bó 18 năm với mái trường chuyên Hạ Long, cô Hằng tâm sự: “Đây là môi trường tốt cho các giáo viên được thể hiện năng lực của bản thân, tập thể tổ chuyên môn đoàn kết, Ban Giám hiệu tạo điều kiện cho các giáo viên làm việc, học tập.
Với HS chuyên, nhiều học sinh có tư duy tốt, khả năng tự học và tự nghiên cứu tốt, say mê môn chuyên, nghiêm túc học tập, trách nhiệm bản thân và cộng đồng. Đây chính nguồn lực tốt và thuận lợi để các thầy cô làm tốt nhiệm vụ giảng dạy nói chung và đào tạo học sinh các cấp nói riêng”.
Bí quyết bồi dưỡng học sinh giỏi Vật lý
Theo cô Hằng, Vật lý là môn học gắn liền với đời sống tự nhiên; các em HS cần nắm bản chất của hiện tượng vật lí và gắn với các vấn đề thực tiễn. Vì thế trong giảng dạy, giáo viên cần tăng cường sử dụng thiết bị thí nghiệm, sử dụng các phương pháp dạy học tích cực kích thích học trò trong từng tiết học.
Không chỉ là giáo viên giỏi chuyên môn, cô Hằng còn là giáo viên chủ nhiệm giỏi. Cô đã xây dựng đội ngũ cán bộ lớp và Đoàn có khả năng điều hành và tổ chức các hoạt động của lớp. Bên cạnh đó, cô nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của học trò để theo dõi và quản lý định hướng các hoạt động tập thể lớp.
Khi được hỏi, điều gì để cô vượt qua được áp lực để tạo nên thành công của cả thầy và trò, cô tâm sự: “Được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ lãnh đội, cá nhân tôi có nhiều áp lực trong việc giảng dạy đội tuyển vì mỗi cá nhân đều mong muốn các thành tích tốt nhất.
Với chúng tôi, sự nhiệt huyết và quyết tâm của học trò, sự đồng hành của các gia đình học sinh, sự đồng lòng của các đồng nghiệp cùng tham gia giảng dạy, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và đặc biệt là sự động viên từ gia đình giúp tôivượt qua được các áp lực để tạo nên thành công của cả thầy và trò”.
“Việc mỗi cá nhân được giao một lúc đồng thời nhiều công việc chính là sự tin tưởng của BGH và môi trường để cá nhân rèn luyện và trưởng thành. Ở một số thời điểm nhất định, lượng công việc là nhiều với cá nhân tôi. Tuy nhiên, sự kết hợp tốt giữa các thành viên tổ chuyên môn, học sinh lớp chủ nhiệm, các lực lượng trong nhà trường và gia đình giúp cá nhân tôi hoàn thành công việc được giao có hiệu quả và chất lượng” - cô Hằng trải lòng.