Người thổi kèn gốc rạ

Người thổi kèn gốc rạ

(GD&TĐ) - Giữa rừng Mã Đà trùng điệp, bà là người duy nhất của tộc người Chơ ro biết thổi kèn bằng gốc rạ. Từ chiếc lá, cọng cỏ, khi vào tay bà đều phát ra những âm thanh “biết nói lời người”. Giữa đêm khuya, trong ngôi nhà sàn bé nhỏ, những âm thanh réo rắt phát ra từ gốc rạ mỏng manh, lẫn cái kèn môi nhỏ nhắn xinh xinh kia thật xao xuyến lòng người… 

Phải nấu ăn ngon mới có chồng giỏi!

Trong ngôi nhà sàn truyền thống nằm giữa rừng già Mã Đà (xã Lý Lịch, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), nghệ nhân Hồng Thị Lịch (sinh 1935) đón khách bằng nồi canh lá bép nấu với cá lăng bắt ở suối Sa Mách, một ngọn suối trong làng. Nhớ lại cái năm mình “bắt” chồng khi được 21 tuổi, bà cười sảng khoái: “Lúc đó chiến tranh loạn lạc, nay sống chỗ này, mai dời chỗ kia nên điều kiện để trai gái biết mặt, hiểu rõ tâm tính nhau khó lắm. Hơn một năm biết nhau nhưng mình và ông Năm chỉ gặp mặt vài lần, lúc làng tổ chức lễ hội, tang ma hoặc lúc tiếp tế quân nhu cho bộ đội!”. Hồi ấy, các cô gái Chơ ro ai nấy cũng ước mong “bắt” được người chồng nhân hậu, khỏe mạnh, dũng cảm, săn bắn giỏi và cô gái Hồng Thị Lịch kia cũng đâu có ngoại lệ. Một chút e thẹn duyên dáng của người già, bà lại cười tươi: “Để người nam chịu cho mình “bắt” làm chồng, người nữ phải khỏe mạnh, đảm đang, nấu được nhiều món ngon…Chưa kể phải đàn hay, hát giỏi nữa đấy!”.

- Làm cách nào để biết được tính tốt của nhau hả già?

- Thì đơn giản thôi mà! Trước khi “bắt” ông Năm, mình tìm hiểu kỹ lắm! Thấy cái xà gạc của ông sáng bóng, bén (dụng cụ để làm cỏ, phát bụi rậm vừa là vũ khí đi rừng) mình biết ổng là người siêng năng, tháo vát. Chiếc cung tên lên nước bóng loáng chứng tỏ ổng siêng năng săn thú, bắn giỏi. Rồi mình còn tìm hiểu ông Năm qua bạn bè, người thân.

Nghệ nhân Hồng Thị Lịch đang biểu diễn kèn môi
Nghệ nhân Hồng Thị Lịch đang biểu diễn kèn môi

Nghe vợ khen, ông Năm cũng vui vui cái bụng. Ông cười rúc rích “Cái bà này!”. Bà cũng tủm tỉm nhìn chồng âu yếm rồi lại tiếp tục chuyện trò. “Ông Năm cũng tìm hiểu mình kỹ càng không kém. Ổng còn cà chớn nữa đấy! May hồn suýt tí nữa là bị phạt vạ bởi cái trò nghịch ngợm của ổng. Hồi đó, ổng cứ chờ lúc mình đi hái lá rừng, ổng tìm đến nhà xem bếp có sạch không. Lúc làng có tang ma, lễ hội, ổng quan sát mình có siêng làm, có nấu được nhiều món ngon không?”. Cũng bởi yêu nhau, tìm hiểu nhau kỹ càng nên giờ đã mấy mươi tuổi, đầu đã hai thứ tóc, nhưng cái tình yêu thuở ban đầu của ông bà vẫn còn đó, vẫn thương yêu, chăm sóc lẫn nhau từng miếng ăn giấc ngủ. Nhiều bọn trẻ trong làng nhìn hạnh phúc của ông bà mà không giấu được sự ngưỡng mộ. 

Nỗ lực giữ hồn cha ông

Trò chuyện tỉ tê, rồi chúng tôi cũng dụ được nghệ nhân Hồng Thị Lịch thổi kèn môi, kèn lá cho nghe. Trước khi đưa lên môi chiếc lá rừng có tên “lá củ chụp”, bà ý nhị bảo: “Bây giờ già rồi nên răng rụng, môi không chặt, hơi yếu nên thổi không hay như lúc trẻ, đừng có cười nghen!”. Vừa dứt lời, chiếc lá qua môi bà phát ra âm thanh réo rắt, vui nhộn. Trên căn gác nhà sàn, bà với tay lấy một chai nhựa nhỏ được cất rất kỹ trong một cái góc nhỏ. Trong đó là chiếc kèn môi bé nhỏ. Chiếc kèn môi này được làm từ lá đồng. Đưa lên môi, tiếng kèn phát ra “Tăng …Tắng…Tằng…, o mèo teo téo …tèo…”. Bà bảo: “Đó là bài o mèo. Ngồi tập trung thanh niên nam nữ lại với nhau, ai muốn trêu chọc người nào thì tới trước mặt người đó thổi kèn này. Ai thương yêu nhau thì nghe tiếng kèn này rồi sẽ lập gia đình ấy mà!”

Tiếng kèn vang lên mỗi lúc một ngân nga, cứ ngỡ như đấy là một bản hợp xướng do nhiều trai gái trong làng hòa nhịp. Kỳ diệu nhất là lúc bà “bắt” một cọng rạ phát ra âm thanh rì rào như tiếng gió lay cành lá, lúc ầm ầm như thác đổ. Ngoài thổi kèn, nghệ nhân Hồng Thị Lịch còn biết vỗ đồng la (còn gọi là cồng, nhạc cụ này khác chiêng ở chỗ không có núm u), gõ chiêng, khảy đàn kongala (làm bằng ống lồ ô), hát dân ca. “Là mình tự học thôi mà!” - bà nói: “Học của mỗi người một ít. Đàn hát như múa xà gạc, bắn ná, ném lao. Phải siêng học, siêng tập mới nên. Phải tập ngày, tập đêm mới thạo. Nếu mình không yêu thích thì có học mấy cũng chẳng giỏi được”. Đêm ấy, nghệ nhân Hồng Thị Lịch thổi lá, khảy đàn đến khuya. Vui tính, bà còn dạy chúng tôi thổi kèn môi. Tiếng Tăng …Tắng …Tằng, Teo …Téo …Tèo do chúng tôi thổi sao mà khô khan quá, nhưng mà kệ, vui là chủ yếu! Bà còn cho chúng tôi chiêm ngưỡng những điệu múa cổ truyền của tộc người Chơ ro. Trước khi đàn, múa, bao giờ bà cũng nhắc chúng tôi ghi hình, lưu tiếng để mai này, khi lớp người già như bà không còn nữa thì con cháu có dịp được thưởng thức vốn quý của cha ông. Bà còn khuyên chúng tôi ở lại thêm vài hôm để nghe những điệu khan, những bài bản dân ca, kèn môi mà bà chưa kịp nhớ.

Từ phải sang: Nghệ nhân Hồng Thị Lịch, nhạc sĩ Trần Văn Đính, chồng bà Lịch
Từ phải sang: Nghệ nhân Hồng Thị Lịch, nhạc sĩ Trần Văn Đính, chồng bà Lịch

Nhạc sĩ Trần Văn Đính (Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Trưởng ban âm nhạc Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) cho biết: “Bà Hồng Thị Lịch trước là một nữ giao liên, nữ giáo viên tiêu biểu của tộc người Chơ ro ở Chiến khu Mã Đà. Bà là một nghệ nhân giỏi. Tôi đã sưu tầm được 25 bài dân ca Chơ ro do bà diễn, tưởng đã thất truyền rồi. Nhờ sự giúp đỡ của bà, chúng tôi đã tổ chức dạy hát cho lớp trẻ Chơ ro, giúp các em biết hát dân ca của chính dân tộc mình. Đặc biệt hơn, bà Lịch là người duy nhất nhớ đầy đủ bài hát Lửa hận tràn do tướng Huỳnh Văn Nghệ (chỉ huy chiến khu Mã Đà, được nhân dân miền Nam gọi là "Thi tướng rừng xanh") sáng tác sau chiến thắng La Ngà (1948)”.

Hôm sau, chúng tôi rời Mã Đà khi trời dần tắt nắng. Đứng trên chiếc cầu thang của ngôi nhà dài truyền thống vốn chẳng còn nhiều, nghệ nhân Hồng Thị Lịch tiễn khách bằng lời nhắn gửi: “Nếu thích cứ lên Mã Đà, già sẽ truyền nghề cho”. Già tâm tình, người có tuổi cao như lá vàng trước gió, rụng lúc nào chẳng hay. Già chỉ sợ lớp người mình về với đất, liệu những cái hay của cha ông lớp trẻ có giữ được không?

Hải Âu – Phúc Trinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ