Thầy giáo Địa lý biến giờ giảng trở nên sinh động, hấp dẫn

GD&TĐ - Xuất phát từ mong muốn đem lại bài giảng Địa lý sinh động, hấp dẫn, thầy giáo Lê Văn Vỹ, giáo viên Trường TH&THCS Đinh Núp, Đắk Lắk, không ngừng ứng dụng CNTT trong giảng dạy trực tiếp lẫn trực tuyến.

Thầy Lê Văn Vỹ (ngoài cùng bên phải hàng đầu tiên) được trao giải trong cuộc thi viết "Tìm hiểu Bộ luật hình sự" năm 2015. Ảnh: NVCC.
Thầy Lê Văn Vỹ (ngoài cùng bên phải hàng đầu tiên) được trao giải trong cuộc thi viết "Tìm hiểu Bộ luật hình sự" năm 2015. Ảnh: NVCC.

Sáng tạo trong giảng dạy

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk và Trường Đại học Đà Lạt, thầy Lê Văn Vỹ về giảng dạy môn Địa lý tại Trường THCS Tô Vĩnh Diện, Đắk Lắk. Sau 12 năm, thầy Vỹ chuyển công tác sang Trường TH&THCS Đinh Núp, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk cho đến nay.

Sinh ra tại Quảng Ngãi nhưng với thầy Vỹ, mảnh đất Đắk Lắk đã trở thành quê hương thứ hai. Với 14 năm kinh nghiệm trồng người, thầy là một giáo viên tận tụy, tâm huyết với nghề, có uy tín và ảnh hưởng tích cực đối với đồng nghiệp, học sinh và cha mẹ học sinh.

Thầy giáo Lê Văn Vỹ. Ảnh: NVCC.
Thầy giáo Lê Văn Vỹ. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về phương pháp giảng dạy, thầy Vỹ cho biết, trước mỗi chủ đề học, tôi thường tìm kiếm hình ảnh, video để trình chiếu trong giờ học. Bên cạnh kiến thức trong sách giáo khoa, tôi lồng ghép nội dung dạy với những hiện tượng tự nhiên, với thiên nhiên Việt Nam. Từ đó, học sinh hiểu rằng mỗi bài học Địa lý không hề khô khan mà đều gắn bó với thực tế và cuộc sống.

Dịch Covid-19 ập đến khiến việc dạy và học của thầy trò Trường TH&THCS Đinh Núp gặp nhiều khó khăn. Khi chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến, nhiều gia đình không có thiết bị học phù hợp trong khi không ít học sinh còn bỡ ngỡ với việc sử dụng điện thoại, máy tính.

Thầy Vỹ cho biết: Từ đầu năm, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường lập danh sách học sinh thiếu thiết bị để có kế hoạch xin tài trợ và hướng dẫn học tập hợp lý. Các thầy cô giáo lập nhóm zalo với phụ huynh, học sinh để hướng dẫn truy cập phần mềm học trực tuyến. Với những học sinh không có thiết bị học, thầy cô phải in kiến thức trọng tâm, soạn bài tập và trực tiếp gửi đến nhà các em.

Để việc học trực tuyến hiệu quả, thầy Vỹ chia sẻ: Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến có vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ học sinh thường cảm thấy uể oải, mất tập trung khi ngồi trước màn hình thời gian dài nên giáo viên phải tìm cách khơi gợi hứng thú cho các em.

Trước mỗi bài học trực tuyến, thầy Vỹ đều xây dựng kế hoạch bài dạy đảm bảo nội dung kiến thức truyền đạt đầy đủ và cô đọng nhất. Trước giờ dạy, thầy thường thiết kế trò chơi khởi động liên quan đến bài học cũ rồi kết nối đến bài học mới. Các trò chơi chủ yếu được thiết kế trên phần mềm power point với đa dạng cách thức như tìm mảnh ghép, ô chữ, xác định vị đối tượng địa lý trên bản đồ…

“Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế bài giảng online, tôi cho rằng không nên lạm dụng quá nhiều các ứng dụng công nghệ khiến thời gian tiết học bị kéo dài nhưng nội dung giảng dạy lan man. Ứng dụng công nghệ song hành với cô đọng bài giảng giúp học sinh có thể vừa học vừa chơi nhưng không cảm thấy nhàm chán”, thầy Vỹ cho hay.

Thầy Vỹ (hàng hai, ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng thầy cô giáo Trường TH&THCS Đinh Núp. Ảnh: NVCC.
Thầy Vỹ (hàng hai, ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng thầy cô giáo Trường TH&THCS Đinh Núp. Ảnh: NVCC.

Vượt lên khó khăn

Tại Trường TH&THCS Đinh Núp, nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số,  nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố mẹ các em đa phần đều bận rộn công việc nên ít quan tâm đến việc học tập của con cái hoặc giao khoán cho nhà trường chăm sóc.

Thầy Vỹ cho biết, nhiều học sinh đầu cấp nói tiếng phổ thông chưa sõi, còn sai dấu hoặc nói ngọng. Trong quá trình dạy, giáo viên cũng phải quan tâm cho các em tập đọc nhiều hơn, chỉnh sửa lỗi sai để các em phát âm đúng, chuẩn. Chứng kiến học sinh hoàn thiện mỗi ngày, chúng tôi đều cảm thấy tự hào và hạnh phúc.

Thấu hiểu những khó khăn của trò, trong quá trình giảng dạy, thầy Vỹ thường lồng ghép kiến thức về pháp luật giúp học sinh nhận thức những hành vi vi phạm pháp luật cần phòng tránh hay những bài học về tham gia giao thông an toàn, đúng luật. Song song, thầy bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất năng lực cho học sinh thông qua những bài giảng về kỹ năng sống.

Đơn cử, trong Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh niên, nhi đồng tỉnh Đắk Lắk lần thứ VIII, thầy Vỹ đã hướng dẫn học sinh lớp 9 thiết kế sản phẩm mô hình giao thông vận tải Việt Nam và giành giải Khuyến khích. Đối với thầy và trò, kết quả đó là trái ngọt trong thời gian dài nghiên cứu về hệ thống giao thông vận tải, lắp đặt, thử nghiệm thực tế. Mô hình này sẽ trở thành giáo cụ học trực quan, sinh động cho các khoá học sinh tiếp theo.

Thầy Vỹ bộc bạch: Học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn, có những em vẫn chưa có điện thoại, máy tính để học trực tuyến. Nếu chỉ giao bài, chúng tôi cũng không thể sát sao theo dõi tình hình học tập của các em. Vì vậy, trong thời gian tới, tôi mong muốn những đứa trẻ nghèo trên mảnh đất Đắk Lắk có thể nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và ủng hộ kịp thời của các cấp, các ngành để đời sống và việc học tập của các em suôn sẻ hơn.

Nói về thầy Lê Văn Vỹ, thầy Phạm Văn Thăng, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Đinh Núp, chia sẻ: Thầy Vỹ là một người có tinh thần ham học hỏi và không ngừng trau dồi kinh nghiệm. Trong năm học 2020-2021, thầy Vỹ đã đạt giải Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đây là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực và phấn đấu của thầy trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn. Ngoài ra, thầy Vỹ cũng nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho đồng nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ