Gian nan sự học ở vùng khó
Tốt nghiệp đại học năm 2011, anh Nguyễn Quang Lý (SN 1989, quê tại tỉnh Hà Tĩnh) quyết định rời quê hương vào xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) để thực hiện ước mơ trở thành một nhà giáo.
Ngay khi đặt chân đến vùng đất mới, anh Lý được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học và THCS Trần Phú (từ năm 2022 là Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác, xã Đắk Ngo). Những ngày đầu “gieo chữ” ở nơi “thâm sơn cùng cốc” khiến cho thầy giáo trẻ không tránh khỏi những giây phút nản lòng, muốn trở về quê hương.
Thế nhưng, những khó khăn, thiếu thốn của người dân, đặc biệt là các em học sinh nơi đây đã khiến cho thầy giáo trẻ quyết tâm bám trường, bám lớp. Thầy Lý chia sẻ: “Đắk Ngo là một xã vùng sâu, cách trung tâm huyện Tuy Đức hơn 60km và nằm lọt thỏm giữa những quả đồi. Vào mùa mưa, những con đường đất dài thăm thẳm vô cùng trơn trượt nên nhiều hôm học sinh đến trường với bộ dạng lấm lem bùn đất. Nhiều em phải lội bộ 7 - 8km mới đến được trường”.
“Vì hoàn cảnh khó khăn nên rất nhiều gia đình không sắm nổi cho con mình một bộ đồng phục, chiếc cặp. Mỗi khi đến trường, các em chỉ cầm vài cuốn sách trên tay hay bỏ sách vở vào túi bóng. Những ngày rét cắt da, cắt thịt nhiều học sinh chỉ mặc một manh áo mỏng, đi đôi dép rách, cũ kĩ. Nghèo khó đeo bám cũng khiến cho không ít học sinh phải nhịn bữa ăn sáng để đến lớp, dẫn đến bị ngất xỉu khi học đến tiết 5”, thầy Lý nói.
Hơn thế nữa, học sinh của trường có đến hơn 80% là người đồng bào dân tộc thiểu số nên ý thức học tập chưa cao, chất lượng học tập không đều. Đáng nói, nơi các em sinh sống đôi khi chỉ là trong những túp lều bằng tre nứa xiêu vẹo, bữa ăn hàng ngày chỉ là những hạt cơm trắng với rau và muối.
Khó khăn chồng chất, nhiều học sinh đi đến quyết định dừng việc học tập để lên nương rẫy, mót sắn, điều... phụ giúp gia đình, thậm chí bỏ học để lập gia đình khi mới chỉ 14 - 15 tuổi. Cũng vì thế, việc đưa học sinh trở lại trường đã trở thành bài toán nan giải trong nhiều năm của các thầy cô và ban giám hiệu nhà trường.
Thầy tâm sự: “Có những em rất chăm học nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên phải bỏ học. Đó là trường hợp của một học sinh ở bản Si Át (xã Đắk Ngo). Dù rất chăm chỉ, chịu khó học tập nhưng cuối năm lớp 8, bỗng nhiên em không đến lớp khiến người thầy như tôi không khỏi lo lắng. Khi tìm đến nhà thì mới biết, bố em mất, mẹ lại bị bệnh nên em quyết định nghỉ học ở nhà chăm lo hai em nhỏ và đi làm phụ giúp gia đình. Sau khi được các thầy cô động viên, em đã đi học trở lại nhưng cũng chỉ hết lớp 9 rồi nghỉ”.
Em Hứa Hữu Nghĩa được hỗ trợ xây dựng căn nhà tình thương. |
Tạo động lực, hứng thú cho học sinh
Với vai trò là giáo viên Tổng phụ trách Đội, thầy Lý đã nỗ lực làm mọi cách để học trò không bỏ dở việc học vì hoàn cảnh. Ngay từ đầu năm học, thầy đã xây dựng kế hoạch cụ thể để cùng nhà trường hành động bằng những việc làm thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào “ngăn dòng bỏ học”.
Thông qua sáng kiến kinh nghiệm “thắp sáng ước mơ” của thầy Lý, nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức như: “Vì học sinh nghèo vượt khó”, “Giúp bạn đến trường”, “Heo đất vì bạn nghèo”, lao động gây quỹ “nuôi dưỡng ước mơ”...
Với các hoạt động nói trên, năm học 2016 - 2017, Liên đội trường đã trao tặng 35 suất học bổng, trị giá 800.000 đồng/suất cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ý thức vươn lên trong học tập. Điển hình như em Hảng Thị Hằng bị dị tật bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, vượt qua mặc cảm em vẫn đi học; em Thào A Đẩy mang trong mình căn bệnh u não hiểm nghèo; em Vàng A Giàng, mồ côi cả bố lẫn mẹ, không họ hàng thân thiết…
Năm học 2018 - 2019, thầy Tổng phụ trách Đội còn liên hệ với Tỉnh đoàn Đắk Nông hỗ trợ kinh phí xây dựng một căn nhà tình thương, trị giá 50 triệu đồng cho em Hứa Hữu Nghĩa (học sinh lớp 7). Thầy Lý cho hay: “Em Nghĩa mồ côi mẹ khi còn nhỏ, bố đi đâu không biết. Không còn vòng tay yêu thương của cha mẹ, em ở với ông nội già yếu trong một căn nhà gỗ tạm bợ, không tài sản gì giá trị ngoài những bộ quần áo cũ”.
Không dừng lại ở đó, thầy còn xây dựng các câu lạc bộ học tập cho học sinh trong trường như: “Đôi bạn cùng tiến”; “Tuần học tốt”, phong trào “Hoa điểm tốt”; “Hoa điểm 10”… Từ đó, tạo môi trường cho các em thể hiện trí tuệ, hiểu biết, năng lực của mình và phấn đấu, tự tin hơn trong cuộc sống.
Nói về thầy Lý bằng sự kính trọng, em Trần Dương Hải Lý, học sinh lớp 8C, Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác tâm sự: “Ngoài việc dạy học lôi cuốn, dễ hiểu, dễ nhớ, thầy còn thường xuyên chia sẻ với học sinh về kinh nghiệm sống, cách đối nhân xử thế với mọi người xung quanh. Đồng thời, thầy đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi bổ ích để học sinh thoải mái tâm lý trong quá trình học tập và có động lực đến lớp mỗi ngày”.
Cô Châu Thị Hồng Nhạn – Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác nhấn mạnh: Từ khi về trường, thầy Nguyễn Quang Lý rất năng nổ, nhiệt tình, làm rất tốt các nhiệm vụ được giao và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Vì vậy, những năm qua, thầy đã nhận được rất nhiều khen thưởng của các cấp, ngành, đơn vị. Hơn nữa, thầy rất chịu khó học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, sáng tạo trong chuyên môn và là một trong những giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi cấp huyện, cấp tỉnh nhiều năm của trường.