Người thầy “tay không” đến lớp

GD&TĐ - Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin là một môn khoa học chuyên sâu với những học phần mang nội hàm phong phú, đậm chất lý luận. Môn học này tương đối khó với sinh viên năm nhất và không dễ dàng cho những giảng viên còn ít kinh nghiệm. Nhưng có một người thầy hằng ngày giảng dạy môn học dài đến 5 tín chỉ mà… tay không đến lớn. Đó là giảng viên trẻ Lê Văn Phúc, hiện đang giảng dạy tại Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM (HVHC).

Người thầy “tay không” đến lớp

Một tiết học đặc sắc

Chúng tôi đến HVHC vào một buổi sáng đầu tuần để gặp thầy. Trước mắt chúng tôi là người giảng viên chỉ mới ngoài ba mươi tuổi, gương mặt tròn trịa phúc hậu, lấp lánh nụ cười thân thiện.

Chưa kịp trò chuyện đôi câu thì chuông báo hiệu giờ lên lớp đã reo vang, bỏ ngang ly cà phê uống dở, thầy Phúc khoan thai đi về hướng giảng đường D mà không mang theo bất kỳ thứ gì, kể cả điện thoại di động. Chúng tôi nối gót theo thầy, được dịp hòa mình vào không khí học tập của những sinh viên năm nhất.

Quan sát thầy Phúc giảng bài là trải nghiệm thật đặc biệt. Thầy nói và không ngừng dùng điệu bộ diễn tả. Ngôn ngữ và động tác tay đồng thanh đồng thủ khiến người nghe ngỡ rằng mình đang đứng trước một diễn giả tràn đầy năng lượng.

Khi giảng về quy luật vận động, thầy dẫn chứng định luật của Newton bằng lời lẽ hết sức có cánh. Khi bàn đến quy luật lượng chất, thầy ngâm nga bài ca dao Đêm qua tát nước đầu đình và tuần tự hé mở những tầng sâu triết học.

Trong lớp học, thầy Phúc không bao giờ đứng yên một chỗ, thầy xê dịch tương tác liên tục với các bạn sinh viên. Mỗi khi một cuộc đối thoại ngắn giữa thầy và trò kết thúc là những tràng cười, tràng pháo tay vang lên giòn giã.

Thầy nói và không ngừng dùng điệu bộ diễn tả. Ngôn ngữ và động tác tay đồng thanh đồng thủ…
Thầy nói và không ngừng dùng điệu bộ diễn tả. Ngôn ngữ và động tác tay đồng thanh đồng thủ…

Giữa giờ giải lao, chúng tôi mới có cơ hội trao đổi cùng thầy. Thầy chia sẻ: “Môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin đòi hỏi đối tượng tiếp nhận phải hiểu biết nhiều môn khoa học và có lập trường chính trị vững vàng. Vì hàm lượng khoa học và tính tư tưởng cao nên giảng viên thiếu kinh nghiệm dễ sa đà vào việc hô khẩu hiệu mà không chú ý đến khía cạnh khoa học và thời đại”.

Theo thầy, triết học tuy khó nhưng không hề xa lạ, đó là những bài học nhân sinh sâu săc. Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên nên nó rất thi vị. Để giảng dạy thành công môn học này, người dạy phải thực sự vững vàng về mặt kiến thức, nội dung đóng vai trò quyết định phương pháp giảng dạy.

Thầy tâm sự rằng để có được thành công ngày hôm nay, khi còn ngồi dưới giảng đường trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, thầy may mắn được học với những cây đại thụ triết học hàng đầu như PGS.TS Đinh Ngọc Thạch, PGS.TS Phạm Đình Nghiệm…

Họ là những người thầy truyền cảm hứng, chạm đến tận gốc rễ vấn đề. Lúc mới ra trường, ỷ mình tốt nghiệp loại giỏi, thầy thường phô diễn kiến thức vì sợ người ta nghĩ mình kém, nhưng hiện tại thầy luôn tự kiểm soát liều lượng truyền đạt.

Trên lớp, thầy đặt mình vào vị trí sinh viên, học cách lắng nghe trong vai trò người anh, người chú, và làm nhiệm vụ điều hòa tính háo thắng, kiêu căng cũng như tự ti, trầm lặng của các em sinh viên.

“Tay không” đến lớp

Khi chúng tôi thắc mắc về việc thầy không bao giờ đem bất cứ tài liệu hay công cụ giảng dạy nào lên lớp, thầy cho biết: “Đó không phải kỹ năng mà là phương pháp sư phạm cần có, nhưng tất cả đều trải qua sự khổ luyện.

Tôi dùng bản đồ tư duy của Tony Buzzan để hệ thống hóa kiến thức và tìm đọc tài liệu nguyên bản. Muốn nghiên cứu bộ môn này thì không thể không đọc những kinh điển như Mác Ăngghen toàn tập. Sau đó, tôi tìm cách liên tưởng, soi rọi kiến thức vào thực tế cuộc sống. Mất một thời gian kiên trì và bền bĩ mới được sản phẩm như vậy”.

Theo thầy, việc không đem tài liệu lên lớp là một thuận lợi. Vừa giảng bài vừa phụ thuộc công nghệ sẽ giảm độ thi vị của triết học; thoát ly công cụ mới sống đời sống triết học thực sự. Bất kỳ người nào yêu thích triết học đều hướng đến một phương thức giao tiếp và truyền đạt phóng khoáng, tự do.

Trong giờ giảng, thầy khuyến khích sinh viên đặt nhiều câu hỏi mang tính phản biện. Thầy quan niệm một câu hỏi hay tốt hơn câu trả lời, mỗi khi thầy kết thúc tiết dạy mà không có sinh viên nào hỏi thì đấy là sự thất bại. Thầy còn đưa ra những nguyên tắc giảng dạy hết sức nghiêm ngặt.

Thứ nhất, sinh viên không được lạm dụng thuyết trình. Bởi theo thầy, triết học là một hệ thống khoa học phức tạp, sinh viên hiểu biết chưa cặn kẽ các khái niệm sẽ dễ diễn giải tùy tiện, dẫn đến cách hiểu sai lệch.

Kế đến là không được phép biến lớp học thành sân khấu biểu diễn, buổi học phải là khoảng thời gian hấp thụ tri thức nghiêm túc. Tuy đòi hỏi các chuẩn mực rất khắc khe nhưng thầy luôn thể hiện khiếu hài hước (thầy lưu ý rằng hài hước khác với lố lăng), thầy gọi hài hước là con đường thông thái đi vào triết học.

Nhờ cảm hứng từ thầy, nhiều thế hệ sinh viên HVHC đã trưởng thành và đạt được những thành tích đáng tự hào trong các kỳ thi lớn. Sinh viên Nguyễn Văn Phúc, tốt nghiệp Khóa 14 năm 2017, người đạt giải quán quân cuộc tranh tài giả định Người cán bộ công chức tương lai, chia sẻ về thầy:

“Đối với tôi, thầy Phúc là người thầy không chỉ giỏi chuyên môn mà còn uyên bác các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mỗi lần trao đổi cùng thầy, tôi lại có thêm cơ hội mở mang kiến thức bởi những quan niệm rất cơ bản về con người và cuộc đời mà thầy đưa ra. Trái với thầy Phúc khó tính và nghiêm khắc trên giảng đường thì thầy Phúc ngoài đời rất chân phương, gần gũi và cởi mở”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.