Người thầy tài hoa

GD&TĐ - Tôi ở thị trấn Giá Rai, một thị trấn được thành lập vào năm 1918, thuộc tỉnh Bạc Liêu hiện nay. Gia đình tôi đến đây cư trú từ năm 1973, và tôi học các bậc học phổ thông ở đấy.

Người thầy tài hoa

Bước vào cấp II, tôi đã nghe các anh chị lớp trên ca ngợi tài năng của người thầy giáo dạy Toán đẹp trai có cái tên khá hay: Vương Trung Lập.

Thầy đẹp trai, trắng trẻo, nghiêm nghị, phong cách mô phạm. Người ta nói thầy vốn đã dạy ở ngôi trường này trước ngày giải phóng, khi ấy trường mang tên Nguyễn Trung Trực.

Người ta cũng nói về bàn tay mất ngón của thầy, vì không muốn đi lính (Sài Gòn), thầy đã phá khuyết mấy ngón tay…

Năm cuối cấp học phổ thông cơ sở, tôi may mắn học lớp 9/1 do thầy Vương Trung Lập chủ nhiệm, và tất nhiên thầy phụ trách môn Toán- một môn học vô cùng quan trọng. Cái duyên này khiến tôi gần gũi với thầy, hiểu thầy, có điều kiện “kiểm chứng” những đồn đoán về người thầy giáo đẹp trai này.

Quả là danh bất hư truyền. Thầy dạy vô cùng hấp dẫn. Những công thức khô khan được thầy dẫn giải với ngôn từ toán học mạch lạc, lại dễ hiểu theo cách riêng. Giờ học của thầy diễn ra trong sự lôi cuốn, những bạn không giỏi Toán vẫn bị hút vào.

Nhất là môn hình học. Tuy không đủ ngón tay, song thầy đã khéo léo sử dụng sợi chỉ để vẽ đường tròn cứ như in, thậm chí chúng tôi nghĩ đường tròn do thầy vẽ, có khi còn đẹp và tròn hơn những đường tròn được vẽ bằng compa. Giọng nói khỏe khoắn của thầy vang vang, như còn vọng đến tận bây giờ.

Thời ấy cũng có chút phân biệt cũ - mới, một cách không chính thức. Song thầy không cho thấy khoảng cách cũ - mới. Tôi vẫn còn nhớ những dịp hội họp, sinh hoạt chủ nhiệm, liên hoan… thầy thường hát bài hát cách mạng ngợi ca cây lúa “tôi hát bài ca ngợi về cây lúa, và người trồng lúa cho hôm nay…”.

Một trí thức thành thị, được đào tạo ở chế độ cũ, đã bắt nhịp tốt với xã hội mới, thể hiện rõ rệt qua bài ca khỏe khoắn về lao động, về cây lúa thân thương của quê hương. Đến mãi bây giờ, mỗi lần nghe ai đó hát những ca từ của bài ca ấy, tôi không nguôi nhớ thầy chủ nhiệm của mình.

Rồi một lần chuẩn bị cho 26/3, thầy cùng chúng tôi ngày đêm luyện tập các tiết mục văn nghệ. Tôi được thầy ưu ái giao viết “kịch bản” cho lớp diễn theo kiểu cây nhà lá vườn.

Mấy mươi năm, nội dung vở kịch ấy tôi chỉ còn nhớ mang máng, nhưng không sao quên được sự nhiệt tình của thầy. Thầy gợi ý, xem đi xem lại “tác phẩm” của tôi, kiên trì ngồi xem lớp thể hiện vở kịch. Kỷ niệm ấy không sao quên được.

Một dấu ấn khác, ấy là lần tôi lên tỉnh ôn thi học sinh giỏi một tháng. Lần đầu tiên được đi xa, tôi cứ lo lắng. Buối học ấy khắc trong lòng tôi. Khi tôi đi ra ngoài, lên văn phòng làm việc gì đó không nhớ, quay lại lớp tôi không vào ngay vì thấy thầy đang nói chuyện với các bạn.

 “Các em ạ, Công mai đi Bạc Liêu. Nhà bạn ấy rất nghèo, Công lại chưa từng đi xa. Thầy muốn cả lớp giúp bạn ấy một chút tiền để chi phí trong một tháng trên ấy”, và thầy góp ngay phần mình cho bạn lớp phó học tập. Tôi đứng ngoài cửa lớp, cứ rưng rưng…

Cuối giờ học, thầy nhắn tôi đến nhà, và trao cho tôi chiếc phong bì nghĩa tình.

Thầy ơi… Bây giờ thầy đã nhiều tuổi, không còn đứng lớp, nhưng vẫn phục vụ trong ngành Giáo dục với cương vị Chủ tịch Công đoàn giáo dục huyện Giá Rai, suốt một đời vì đàn em thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục.

Xa trường xa lớp, lăn vào dòng đời đa đoan, kỷ niệm về thầy Vương Trung Lập vẫn luôn đầy trong lòng tôi. Người thầy tài hoa, có tấm lòng, có phương pháp khắc ghi những bài học làm người vào tim học trò bằng cách riêng. Và bài ca cách mạng mà thầy cất lên ngày ấy, vẫn âm vang cho đến tận bây giờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.