Người thầy là tấm gương về tri thức và đạo đức

GD&TĐ - Thời gian gần đây xuất hiện nhiều câu chuyện đau lòng về cách hành xử, đạo đức người thầy trong quá trình hoạt động giáo dục. Sự xuống cấp của một bộ phận nhỏ nhà giáo không chỉ làm tổn thương tinh thần, thể chất của học trò mà còn làm cả xã hội phản ứng và có cái nhìn định kiến với ngành giáo dục nói chung, người thầy nói riêng.

Người thầy là tấm gương về tri thức và đạo đức

Hơn lúc nào hết đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cần có nhận thức đúng đắn về vai trò trách nhiệm to lớn của mình trong sự nghiệp giáo dục.

Khi “con sâu làm rầu nồi canh”

Cô giáo mầm non dùng dép tát vào mặt học sinh; Hiệu trưởng chối bỏ trách nhiệm trong việc làm gãy chân học sinh; Cô giáo lên lớp chỉ viết mà không cất lời giảng; Cô giáo phạt học sinh uống nước giặt khăn lau bảng… Đó là những sự việc khiến xã hội hết sức phẫn nộ và quan tâm.

Những sự việc đau lòng đã diễn ra trong ngành Giáo dục có thể xem như những tín hiệu bắt đầu cho một hồi chuông gióng lên, buộc những thầy cô trong ngành phải tự suy xét lại đạo đức, nhân phẩm của mình để không lặp lại những sự việc đáng tiếc như những sự việc nêu trên. Mỗi ngày, mỗi giờ cần rèn lại chính mình để người thầy giáo luôn là tấm gương soi cho tất cả học trò và thể hiện được vai trò định hướng giáo dục đạo đức cho tất cả các em học sinh.

Nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục làm việc tâm huyết, tận tụy với nghề, có phẩm chất đạo đức và lối sống cao đẹp và đã được xã hội tôn vinh. Tuy nhiên, chỉ vì một số giáo viên thiếu gương mẫu, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, thậm chí có những hành vi xâm phạm đến thân thể học sinh… đã làm xấu đi hình ảnh nhà giáo cao quý. Tuy chỉ là những hiện tượng cá biệt, “những con sâu bỏ rầu nồi canh” trong ngành song chắc chắn đã gây ra những cái nhìn thiếu tin tưởng từ xã hội với ngành Giáo dục nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng.

Không để mất niềm tin

Để lấy lại niềm tin từ xã hội không thể ngày một ngày hai. Hơn lúc nào hết, mỗi người thầy người cô luôn cần nhìn lại, luôn cần trau dồi về cả tri thức và đạo đức, để không còn những sự việc đáng tiếc như đã nêu trên, để chúng ta không phải đau lòng và chua xót khi nhìn lại tất cả sự việc.

Song song đó, việc bồi dưỡng thầy cô giáo theo một lộ trình mới đang là vấn đề Bộ - ngành rất quan tâm. Hơn thế nữa, việc đào tạo sinh viên Sư phạm theo định hướng chuẩn nghề nghiệp mới, trong đó tập trung phát triển năng lực và đạo đức nghề giáo là điều rất cần thiết cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm.

Bộ GD&ĐT đã có chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục. Chỉ thị nêu rõ các cơ sở giáo dục tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục tập trung kiểm tra chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo.

Việc tự rèn luyện nói khó thì cũng không khó mà nói dễ cũng không hề đơn giản. Vì nó bắt nguồn tự việc cá nhân các thầy cô tự nhận thức được về bản thân mình, tự đánh giá được nhân phẩm đó chính là thước đo lớn nhất...

Một khi người giáo viên đến trường với tình yêu thương dành cho các em học sinh, cái tâm yêu nghề, một mực truyền đạt cho học sinh cái hay cái đẹp, văn minh của tri thức nhân loại thì không có bậc cha mẹ, học sinh hay xã hội nào lại lên án và đi ngược lại họ. Cho nên, trước khi bước lên bục giảng mỗi người Thầy luôn phải tự soi lại mình, để không làm điều gì xấu hổ với lương tâm, để cho học sinh cảm nhận mỗi ngày đến trường là một niềm vui, xã hội luôn tin tưởng mỗi khi con em mình bước vào trường học.

Chấn chỉnh đạo đức nhà giáo bên cạnh sự vào cuộc từ ngành Giáo dục, các cơ sở giáo dục… thì mỗi người thầy cũng cần có ý thức tự giác trong việc tự chấn chỉnh, bồi dưỡng bản thân để xứng đáng là những tấm gương để học sinh noi theo, để cha mẹ và xã hội gửi gắm sự tin tưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.