Người thầy không bảng đen, phấn trắng

GD&TĐ - Ông Hoa Sĩ Hiền - “nhà khoa học chân đất” trở thành người truyền lửa, hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên ngành nông nghiệp.

"Nhà khoa học chân đất" Hoa Sĩ Hiền dành cả đời nghiên cứu, lai tạo giống lúa.
"Nhà khoa học chân đất" Hoa Sĩ Hiền dành cả đời nghiên cứu, lai tạo giống lúa.

“Nhà khoa học chân đất”

Đam mê nghiên cứu khoa học, bỏ công hàng chục năm trời học hỏi nghiên cứu lai tạo giống lúa. Ông Hoa Sĩ Hiền - “Nhà khoa học chân đất” trở thành người truyền lửa, hướng dẫn nhiều sinh viên nông nghiệp.

Ông Hoa Sĩ Hiền, 55 tuổi, ngụ xã Tân An (thị xã Tân Châu, An Giang) được người dân gọi bằng cái tên trìu mến “Nhà khoa học chân đất”. Ông là người cần mẫn trên ruộng đồng, nếm đủ những chua chát, ngọt bùi từ hạt lúa. Bằng niềm đam mê, tự học, tự nghiên cứu, ông đã lai tạo ra những giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần đào tạo sinh viên có niềm đam mê lĩnh vực nông nghiệp.

Dù chưa qua trường lớp sư phạm, không bảng đen phấn trắng, nhưng ông hướng dẫn sinh viên bằng lòng nhiệt thành, với niềm trăn trở về một nền nông nghiệp khoa học hiện đại. “Quả ngọt” của “Nhà khoa học chân đất” không chỉ là hàng chục giống lúa mới mà còn có nhiều sinh viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh.

Với tính cần cù, chịu khó của nhà nông và tính tỉ mỉ, kiên trì của anh thợ sửa đồng đồ có trình độ lớp 6, nông dân Hoa Sĩ Hiền quyết định chọn con đường lai tạo giống lúa cách đây hơn 20 năm. Ông kể, thời điểm năm 1999 - 2000, lúa giống là mặt hàng xa xỉ và vô cùng hiếm; năm nào sâu bệnh, hạn hán là bà con nông dân mất trắng. Là nông dân, mình muốn làm gì đó để giúp người dân bớt khó khăn.

Năm 2000, Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Trường ĐH Cần Thơ và Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang phối hợp thực hiện Chương trình Xã hội hóa giống lúa ở tỉnh An Giang. Hay tin, ông Hiền cùng một số nông dân có chung niềm đam mê ở địa phương hăng hái xin đi học lai tạo lúa giống. Nhờ đó, ông Hiền có cơ hội tham gia nhiều lớp tập huấn về lai chọn giống lúa và kỹ thuật canh tác mới.

Được học về lai tạo giống lúa, nông dân Hoa Sĩ Hiền bắt tay ngay vào việc trên mảnh ruộng của gia đình. Suốt 4 năm ông “ăn bờ, ngủ bụi” ngoài đồng, thành quả cũng được đền đáp với 4 giống lúa (TC1, TC2, TC3, TC4 viết tắt từ Tân Châu).

Các giống lúa này cho chất lượng gạo mềm ngon, năng suất cao với khả năng chống rầy nâu, đạo ôn mà không cần dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Thành quả bước đầu ông Hiền nhận được nhiều bằng khen, từ cấp tỉnh đến Trung ương. Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) từng tặng ông giấy chứng nhận “Người có thành tích xuất sắc trong di truyền học”.

Trên 20 năm trong nghề lai tạo lúa giống, ông Hoa Sĩ Hiền sở hữu trên 50 giống lúa mang những đặc tính vượt bậc: chịu hạn, mặn, phèn, kháng sâu rầy… Tất cả những giống lúa này đều được bảo tồn tại Viện nghiên cứu ĐBSCL và Trường ĐH Cần Thơ bảo quản.

Ông Hoa Sĩ Hiền bên giống lúa tím đã lai tạo được.

Ông Hoa Sĩ Hiền bên giống lúa tím đã lai tạo được.

Nhiệt tâm truyền "lửa" cho sinh viên

Không chỉ tâm huyết với công tác nghiên cứu, lai tạo giống lúa, “Nhà khoa học chân đất” Hoa Sĩ Hiền còn nhiệt tâm với công tác giáo dục. Nhiều năm qua, ông đều đặn đến “Viện nghiên cứu” do ông tự đầu tư để chia sẻ những kiến thức cho sinh viên thực tập. Nơi nghiên cứu do ông tự xây dựng, rộng khoảng 17m2, thường xuyên rộng cửa đón sinh viên đến khảo nghiệm về lúa.

Ông cũng nhiệt tình dạy thực hành miễn phí trên cây lúa cho hàng trăm sinh viên từ các Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang… Hết lớp này đi, lớp khác lại đến, tính đến nay có trên 500 cử nhân các trường đại học (nhiều nhất là Trường ĐH An Giang) được ông hướng dẫn; nhiều sinh viên tốt nghiệp tiếp tục thạc sĩ, tiến sĩ ngành nông nghiệp.

Không chỉ truyền đạt lý thuyết, ông Hiền còn trực tiếp đưa sinh viên đi tham khảo thật kỹ lưỡng quá trình sản xuất lúa, kiên nhẫn từng khâu một. Không những nghiên cứu ở cây lúa mà còn kiểm tra chất đất để trả lời câu hỏi đất nào trồng được, đất nào không trồng lúa được... Ông Hiền chia sẻ: "Đó chính là niềm vui, là động lực để bản thân tiếp tục bám ruộng lai tạo ra lúa giống, cây trồng cho phù hợp với tình trạng môi trường, biến đổi khí hậu như hiện nay".

Dù tuổi tác, sức khỏe không còn như xưa, nhưng “Nhà khoa học chân đất” Hoa Sĩ Hiền tâm sự rằng niềm đam mê lớn nhất vẫn là lai tạo được ra các giống lúa mới, khắc phục được nhược điểm, ít lệ thuộc vào hóa chất. Ông luôn làm việc hết mình để phụng sự việc nghiên cứu, học tập của sinh viên, phục vụ nông dân với những giống lúa tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ