Người thầy đầu tiên của hậu vệ Văn Thanh

GD&TĐ - Tuy không được đào tạo qua trường lớp nhưng xuất phát từ năng khiếu và niềm đam mê với trái bóng, nhiều năm liền ông dẫn dắt đội tuyển nhi đồng xã đạt thành tích cao trong các giải đấu của huyện. Ông cũng chính là người thầy đầu tiên nâng bước chân cầu thủ U23 Việt Nam Vũ Văn Thanh đến với sự nghiệp bóng đá.

Người thầy đầu tiên của hậu vệ Văn Thanh

Ông bảo vệ trường

Chúng tôi tìm về Trường Tiểu học Tứ Cường (Thanh Miện, Hải Dương) gặp ông Phạm Văn Thỏa trong một ngày trời đông giá lạnh.

Nhìn dáng người gầy gò, mảnh khảnh nom ông không giống dáng một huấn luyện viên thể thao cho lắm. Nhưng khi trò chuyện với ông về bóng đá, về những lứa cầu thủ nhí mà ông từng dẫn dắt thì ánh mắt sáng ngời với nụ cười tươi rói giúp chúng tôi cảm nhận được tinh thần yêu thể thao và niềm đam mê cháy bỏng trong ông.

Sinh ra và lớn lên tại thôn Gia Cốc, xã Tứ Cường, lớn lên ông Thỏa tham gia vào quân ngũ. Tràn đầy nhiệt huyết, năm 1976 khi phục viên về địa phương, ông tham gia phong trào đoàn thanh niên của xã Tứ Cường.

Vốn đam mê bóng đá nên ông Thỏa tập hợp thanh niên trong xã thành lập đội bóng. Một phần cùng nhau rèn luyện thể thao, tăng cường sức khỏe để phục vụ sản xuất, một phần đội bóng do ông Thỏa làm đội trưởng còn tham gia thi đấu, giao hữu cùng với phong trào thể thao của xã, của huyện.

Năm 2006, ông Thỏa được tuyển vào làm bảo vệ cho Trường Tiểu học xã Tứ Cường. Mặc dù đồng lương không đủ để ông trang trải cuộc sống và lo cho gia đình riêng nhưng hơn chục năm qua ông Thỏa vẫn gắn bó với công việc này.

Ông Thỏa chia sẻ về những kỷ niệm cùng học trò bên trái bóng.

Ông Thỏa cho hay: Học sinh Tứ Cường rất yêu bóng đá và có khiếu với môn thể thao này. Làm tại trường, hàng ngày tôi được gần gũi học sinh. Ngắm nhìn các cháu giờ ra chơi, cháu nào có tố chất thể thao tôi biết và định hướng.

Cũng từ năm 2006, huyện Thanh Miện tổ chức giải bóng đá nhi đồng nhân dịp hè cho thanh, thiếu niên tại địa phương. Với “máu” thể thao, mặc dù chưa được nhà trường đồng ý, ông “nhặt” luôn những cháu có khiếu bóng đá sau đó mua bóng, dựng cột gôn để hướng dẫn các cháu tập luyện.

Năm học 2006 - 2007, Vũ Văn Thanh (hiện là tuyển thủ U23 Việt Nam - PV) là học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Tứ Cường. Ngắm Thanh trong giờ ra chơi, ông Thỏa thấy cậu học trò có thân hình tuy nhỏ bé nhưng rắn chắc, nhanh nhẹn. Ông đã động viên và cho Thanh vào đội tuyển.

Cứ có thời gian rảnh, ông cháu lại cùng nhau tập luyện bên sân thể thao của trường. Kết quả giải đấu năm ấy, đội bóng nhi đồng của xã Tứ Cường đoạt giải Nhất. Ông Thỏa vinh dự được Chủ tịch UBND xã Tứ Cường tặng giấy khen vì có thành tích dẫn dắt đội bóng của xã đoạt giải. Cũng từ đó, nhiều người gọi ông là ông Thỏa - huấn luyện viên.

Đam mê bóng đá

Với ông, cái danh huấn luyện viên không phải là để “oai” mà nó là sự ghi nhận và cổ vũ tinh thần để ông tiếp tục phấn đấu, dẫn dắt các lứa cầu thủ nhí tham gia các giải đấu những năm về sau vì phong trào thể thao của địa phương.

Thành công ở giải bóng đá nhi đồng huyện Thanh Miện năm 2006, đội tuyển do ông Thỏa dẫn dắt có nhiều cầu thủ có tố chất và được Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh Hải Dương lựa chọn.Vũ Văn Thanh là một cầu thủ trong số đó. Sau này khi được rèn luyện trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, được khoác trên vai màu áo của CLB Hoàng Anh Gia Lai rồi được gọi vào đội tuyển U23 quốc gia Việt Nam, Văn Thanh luôn phát huy được tố chất của mình và để lại ấn tượng rất tốt trong lòng người hâm mộ thể thao nước nhà.

Kể về những kỷ niệm và dấu ấn đáng nhớ đối với Văn Thanh, ông Thỏa cho biết: Tuy thời gian huấn luyện Thanh không nhiều nhưng hai ông cháu rất hợp nhau. Thanh là một cậu bé thông minh, nhanh nhẹn và có thể lực tốt.

Hơn chục năm công tác tại Trường Tiểu học Tứ Cường là từng ấy năm ông Thỏa tham gia dẫn dắt đội bóng nhi đồng của xã và có tới 10 năm đội bóng của ông giành giải vô địch cấp huyện. Đó là niềm tự hào của ông và phần nào thỏa niềm đam mê mà cả đời ông ấp ủ.

Ông Thỏa tự hào: “Phần thưởng lớn nhất đối với tôi không phải là những tấm giấy khen này mà là sự trưởng thành trong sự nghiệp bóng đá của các cháu - những học trò tôi yêu quý”.

Bà Đỗ Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tứ Cường chia sẻ: Từ ngày có ông Thỏa hướng dẫn đội bóng, phong trào bóng đá của địa phương mới mạnh lên. Nhiều năm liền trường có học sinh tham gia giải và được lựa chọn vào môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Nhà trường và cha mẹ học sinh ghi nhận những đóng góp của ông.

 Tôi không phải là thầy dạy cháu trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nhưng tình yêu, cái duyên và niềm đam mê của cháu với trái bóng là điều mà tôi đã đem lại cho Thanh cũng như các thế hệ cầu thủ nhí của tôi sau này.
Ông Phạm Văn Thỏa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.