Người thầy của những sáng chế dụng cụ thể thao

GD&TĐ - 12 năm công tác ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDT NT) tỉnh Kon Tum, thầy giáo dạy môn Thể dục Võ Bửu Nhi đã truyền ngọn lửa yêu thích cũng như bồi dưỡng được nhiều học sinh thành tài ở lĩnh vực này. Đặc biệt, thầy còn tự sáng chế các dụng cụ, thiết bị nâng cao thể lực để phục vụ tốt hơn trong giảng dạy.

Thầy Nhi giới thiệu các thiết bị thể dục do mình sáng chế
Thầy Nhi giới thiệu các thiết bị thể dục do mình sáng chế

Giúp học sinh yêu thích thể thao

Nhận xét về giáo viên trẻ Võ Bửu Nhi, thầy Hồ Thân Em - Hiệu trưởng Trường PTDT NT tỉnh đánh giá: Suốt 12 năm phụ trách dạy môn thể dục cho học sinh, thầy Nhi luôn là nhân tố tích cực truyền lửa yêu thích các phong trào, hoạt động thể dục thể thao cho thầy cô giáo và học trò.

Em Y Bích Lan - học sinh lớp 11E là vận động viên thi đấu đạt huy chương Vàng môn đẩy gậy tại Đại hội thể dục thể thao toàn tỉnh năm 2018, tâm sự: Hiện tại, ngoài giờ học văn hóa ở lớp, em và các bạn đều thích chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, cầu lông… Còn nhớ, thời gian đầu ra sân chơi thể thao, các bạn khá rụt rè. Tuy nhiên, chúng em luôn nhận được sự quan tâm hướng dẫn, khuyến khích của thầy Nhi và một số thầy cô giáo khác. Dần dà, chúng em cảm nhận được ích lợi từ hoạt động thể thao mang lại nên bạn nào cũng háo hức tham gia.

Toàn trường hiện có 8 nhóm, câu lạc bộ bóng đá, đẩy gậy, kéo co dành cho học sinh tham gia vui chơi, tập luyện nâng cao, dưới sự quản lý và hướng dẫn về kỹ thuật, kinh nghiệm thi đấu của thầy Nhi. Từ đây, nhiều gương mặt học sinh, đoàn viên trẻ năng khiếu đã đạt giải cao các môn đẩy gậy, kéo co, đá bóng… và được tuyển chọn, bồi dưỡng đi thi đấu ở các giải thể dục thể thao học đường toàn tỉnh, khu vực Tây Nguyên và toàn quốc.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao, từ năm 2007 đến nay, thầy Võ Bửu Nhi về công tác tại Trường PTDT NT tỉnh. Trải qua 12 năm dạy học thể dục và với vai trò Bí thư đoàn trường, thầy Nhi còn cùng nhiều đồng nghiệp tích cực giúp học sinh hòa nhập môi trường học tập, sinh hoạt tập thể toàn trường.

“Qua kinh nghiệm quản lý, tôi nhận thấy, muốn mọi hoạt động của học sinh đi vào nề nếp và để học sinh thực hiện tốt nội quy nhà trường trong học tập, tham gia hoạt động phong trào tích cực thì phải đẩy mạnh hoạt động thể dục thể thao, bởi chính hoạt động sẽ kéo các em đến gần nhau hơn. Lúc đầu có thể vài bạn chưa quen, rụt rè ít hòa nhập, nhưng chỉ vài trận đá bóng, vài đường chuyền bóng vào rổ, vài trận kéo co… sẽ giúp các bạn bắt nhịp làm quen với nhau khá nhanh” - thầy Nhi chia sẻ.

Hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ thuật cho học sinh môn kéo co
Hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ thuật cho học sinh môn kéo co 

Sáng chế thiết bị hữu dụng

Ngoài đam mê với các môn thể thao, qua quá trình giảng dạy thầy Nhi đã bật ra ý tưởng sáng chế các đồ dùng, thiết bị thể dục nhằm nâng cao thể lực và kỹ thuật chuyên môn cho học sinh khi tham gia chơi các môn bóng đá, bóng rổ, kéo co, đẩy gậy, nhảy cao…

Đưa chúng tôi đi dạo quanh khuôn viên sân thể thao đa năng của nhà trường, thầy Nhi cho biết thêm, hiện tại, hoạt động thể thao của trường ngày càng sôi nổi cũng nhờ các thiết bị nâng cao thể lực, đồ dùng dạy học thể dục được thầy chủ trì sáng chế và có sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, học sinh toàn trường.

Thầy Nhi nhớ lại: Tháng 10/2018, Trường PTDT NT tỉnh chuyển về cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum cũ. Ở không gian mới, các em có sân chơi thể thao rộng 3.000m2, nhưng lại thiếu nhiều dụng cụ, thiết bị tập thể lực, thể hình và bồi dưỡng, nâng cao kỹ thuật đối với các bộ môn thể dục thể thao phổ biến. Muốn phong trào thể dục thể thao ở trường học duy trì và phát huy thành tích là đơn vị từng dẫn đầu nhiều năm liền của ngành GD&ĐT Kon Tum, đòi hỏi trường cần bổ sung nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất liên quan phục vụ rèn luyện cho học sinh.

Trước khó khăn về nguồn kinh phí, thầy Nhi đã mạnh dạn đề nghị Ban giám hiệu cho thầy huy động đoàn viên thanh niên ở trường thu gom sắt vụn từ các thanh giường, khung cửa sổ bị gãy bỏ đi, đến các phế liệu là lốp xe ô tô cũ, những viên gạch lát nền cũ hiện có ở trường để tận dụng sáng chế khoảng 20 dụng cụ, thiết bị nâng cao thể lực người tập, như hệ thống xà đơn, xà kép, máy tập cơ bụng, tạ tập tăng lực tay, lực chân và ngực, hệ thống ròng rọc tập kéo co…

“Nghe thầy Nhi đề xuất như trên, Ban giám hiệu nhà trường đã có buổi làm việc, thống nhất và chỉ đạo các thầy cô giáo, học sinh trợ giúp thầy Nhi khi cần. Với tinh thần trách nhiệm và sự say mê hoạt động thể thao, sau 2 tháng, thầy Nhi đã mày mò sáng chế, bàn giao cho nhà trường hệ thống đồ dùng, thiết bị giáo dục thể chất và nâng cao thể lực hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng tại sân thể thao đa năng của đơn vị. Hiện tại, thầy Nhi được giao trách nhiệm quản lý, phát huy hiệu quả cao nhất các đồ dụng, thiết bị thể dục trong hoạt động dạy học và nâng cao thể lực, bồi dưỡng năng khiếu thể thao cho học sinh”, thầy Hồ Thân Em nhận xét về các sáng chế tích cực của thầy Nhi.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Nhi mong muốn các thiết bị và đồ dùng trên của thầy sẽ được giới thiệu, nhân rộng cho các cơ sở giáo dục thể chất trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đồng thời, đoàn trường cũng sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ cho các trường học khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa tự thiết kế, sáng chế các đồ dùng vui chơi, dạy học thể dục thể chất tích cực như Trường PTDT NT tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.