Người thầy 17 năm gắn bó với trò nghèo xã đảo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Suốt 17 năm qua, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thầy Lê Hữu Bình còn nhiệt huyết, hết lòng giúp đỡ học trò nơi xã đảo Thạnh An.

Thầy Lê Hữu Bình luôn quan tâm, chăm lo cho học sinh nghèo xã đảo
Thầy Lê Hữu Bình luôn quan tâm, chăm lo cho học sinh nghèo xã đảo

Tận tâm với học sinh

Thầy Lê Hữu Bình (sinh năm 1983) lớn lên ở một vùng quê nghèo Nghệ An. Tốt nghiệp THPT, thầy thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An để thực hiện mong ước làm nghề giáo của mình. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp, thầy Bình quyết định vào xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ (TPHCM) để dạy học.

Thạnh An là xã đảo duy nhất và cũng là địa bàn khó khăn nhất của TPHCM. Dù được nhà nước quan tâm nhưng do điều kiện địa lý cách trở nên kinh tế địa phương vẫn khó phát triển, nhiều gia đình còn khó khăn.

Huyện Cần Giờ cách trung tâm TPHCM đến 60km, tách biệt với phần còn lại bởi sông Sài Gòn, muốn giao tiếp phải đi qua phà Bình Khánh. Xã đảo Thạnh An lại tách biệt với phần còn lại của huyện Cần Giờ, trơ trọi giữa biển mênh mông. Từ trung tâm huyện muốn đến xã đảo Thạnh An phải đi đò đi thêm gần 1 tiếng đồng hồ mới tới nơi.

Học sinh Trường Tiểu học Thạnh An vui mừng nhận đồng phục do thầy Bình vận động.

Học sinh Trường Tiểu học Thạnh An vui mừng nhận đồng phục do thầy Bình vận động.

Gắn bó với người dân, học sinh vùng xã đảo nhiều năm nay nên thầy Bình luôn mong muốn được giúp đỡ các em, góp phần cải thiện đời sống của những người dân nghèo nơi đây. Cuộc sống của người dân xã đảo Thạnh An chủ yếu đánh bắt nuôi trồng thuỷ hải sản và nghề muối, đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Do đó tỷ lệ học sinh gặp khó khăn ở trường năm học này còn cao, lên đến 40%.

Thấu hiểu khó khăn của học sinh, mỗi dịp vào năm học mới thầy Bình luôn kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ sách giáo khoa, tập, viết, đồng phục, học bổng… để các em an tâm đến trường. Đặc biệt do cơ sở vật chất còn hạn chế, học trò còn gặp nhiều khó khăn, thầy Bình đã sáng tạo, thiết kế nhiều sân chơi, hoạt động trong dạy học và rèn luyện để… thu hút các em đến trường. Nhờ thế suốt nhiều năm nay, tỷ lệ học sinh bỏ học ở trường đều bằng “0”.

Thầy Bình cho biết: “Riêng năm học 2021-2022, tôi đã vận động 600 bộ áo quần đồng phục áo trắng đến trường và đồng phục thể dục cho học sinh. Đảm bảo mỗi học sinh được nhận 2 bộ đồng phục. Đồng thời vận động 100 suất học bổng cho học sinh nghèo (mỗi suất 500 nghìn đồng), tập vở, xe đạp và nhiều phần quà khác dành cho học sinh trong trường”.

Thầy Bình tặng nhu yếu phẩm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Thầy Bình tặng nhu yếu phẩm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2021 thầy Bình vinh dự được Chủ tịch UBND TPHCM tặng Bằng khen vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm liên tục (2019-2020 và 2020-2021), góp phần tích cực trong phong trào thi đua của thành phố.

Nhiệt huyết, tận tuỵ với nghề

Gắn bó với xã đảo, thầy giáo quê xứ Nghệ này đã không ngừng nỗ lực trong công tác. Suốt 17 năm qua, mỗi ngày để đến với học trò, thầy đều đi đò từ Cần Giờ sang đảo Thạnh An dạy học. Những lúc mưa to, gió lớn, có khi thầy Bình ở lại trường cả tháng không về.

Nhờ sự nỗ lực của bản thân, sự tận tâm với nghề và được đồng nghiệp tín nhiệm, sau 4 năm dạy học tại Trường Tiểu học Thạnh An, thầy Bình đã được đề bạt chức vụ Phó Hiệu trưởng rồi đến Hiệu trưởng từ năm 2017.

Suốt 5 năm qua, trên cương vị là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, thầy Bình luôn chú trọng đến công tác xây dựng nền nếp, kỉ cương tại đơn vị, xây dựng nhà trường thành một tập thể đoàn kết thống nhất ý chí hành động. Thầy đã chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện tốt nhiệm vụ nhà trường và các cuộc vận động, nhất là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng một ngôi trường hạnh phúc đem lại nhiều niềm vui và những điều tốt đẹp cho học sinh.

Thầy Bình gửi thư cảm ơn đến mạnh thường quân vì đã hỗ trợ học sinh tại Trường Tiểu học Thạnh An.

Thầy Bình gửi thư cảm ơn đến mạnh thường quân vì đã hỗ trợ học sinh tại Trường Tiểu học Thạnh An.

Những nỗ lực, cố gắng của thầy Bình nhằm đảm bảo môi trường lành mạnh, thân thiện, an toàn, tạo điều kiện để mỗi học sinh có cơ hội bình đẳng trong học tập và phát triển những năng lực sẵn có, giúp các em hình thành và phát triển những nhân tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực. Từ đó định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

“Bao nhiêu năm công tác tại xã đảo Thạnh An, tôi đã coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Công tác tại xã đảo tôi luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường đoàn kết, thống nhất cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt tôi luôn chú ý thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân một cách thường xuyên nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao các điều kiện cơ sở vật chất nhà trường, đồng thời chống học sinh bỏ học, bỏ đi chơi,...”, thầy Bình chia sẻ.

Năm học 2022-2023 Trường Tiểu học Thạnh An có hơn 300 học sinh ở tất cả các khối lớp. Dịp khai giảng vừa qua thầy Bình đã vận động mỗi học sinh trong trường được 2 bộ đồng phục, một phần quà trung thu, 10 cuốn tập trắng. Đồng thời thầy còn vận động được 150 chiếc cặp, ba lô cho các em khó khăn đến trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quyền và trách nhiệm công vụ

GD&TĐ - Có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm.