Người thắp lửa học trên đá

Người thắp lửa học trên đá

(GD&TĐ) - Trước khi lên dạy ở Đồng Văn, cô giáo Hoàng Thị Hạnh đã nghe đồng nghiệp mô tả đó là vùng đất hoang vu, núi đá cheo leo, hiểm trở và rất nghèo khó. Thế nhưng cô vẫn bất ngờ về sự thiếu thốn, heo hút của vùng đất này. Cô từng nghĩ tới việc quay đầu lại nhưng rồi tình yêu, niềm thương cảm những học trò chân đất trên rẻo cao của cao nguyên đá đã níu chân cô ở lại.

Tôi và chị Hạnh, giáo viên trường tiểu học Ma Lé gặp nhau rất ngẫu nhiên tại chân cột cờ Lũng Cú. Nhân ngày nghỉ cuối tuần, chị tự thưởng cho mình chuyến du lịch lên cột cờ Lũng Cú. Đã tới thăm cột cờ thiêng liêng của Tổ quốc nhiều lần nhưng chị vẫn háo hức như một du khách phương xa lần đầu tới đây. Từ những câu thăm hỏi xã giao ban đầu, cuộc trò chuyện giữa tôi và chị không biết từ lúc nào đi sâu vào cuộc sống, sinh hoạt và điều kiện làm việc trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Cách chị vượt qua khó khăn, gần gũi và truyền lửa học cho học trò đã thôi thúc tôi viết về chị.

Bén duyên với miền đá xám Đồng Văn từ năm 1994, đến nay, chị Hạnh đã quá quen với những thiếu thốn và điều kiện sống khắc nghiệt của vùng đất này. Thế nhưng nhớ về những ngày đầu tiên sống và dạy học tại điểm trường Lủng Xính thuộc xã Phố Cáo, chị vẫn còn nguyên vẹn cảm giác sững sờ, tủi thân và cả sợ hãi.

Chị kể: “Trước khi lên dạy ở Đồng Văn, đồng nghiệp cho tôi biết đó là vùng đất hoang vu, núi đá cheo leo, hiểm trở và rất nghèo khó. Thế nhưng, tôi vẫn bất ngờ trước những thứ hiện ra trước mắt. Lớp học do dân bản dựng lên, vách tường làm bằng thân cây ngô, mái lợp bằng lá báng. Tối đầu tiên chưa có chỗ ngủ, tôi phải ở lại nhà trưởng thôn. Hôm sau, dân bản dọn dẹp một góc nhỏ trong lớp cho tôi làm chỗ ngủ và nấu ăn”.

Cô giáo Hạnh đã gắn bó với học sinh Đồng Văn được 16 năm.
Cô giáo Hạnh đã gắn bó với học sinh Đồng Văn được 16 năm.

Lớp học nằm giữa núi đá và nương rẫy của người dân. Bốn bề xung quanh không một bóng nhà dân. Thân con gái, một mình ở chốn hoang vu, vắng vẻ như thế nên một tiếng thú kêu ban đêm cũng khiến cô giáo trẻ lần đầu tiên đến Đồng Văn giật mình, sợ hãi, ngồi khóc cả đêm không dám ngủ. Để tránh nỗi sợ hãi xâm chiếm mỗi khi đêm về và cũng là

Chân ướt chân giáo lên Đồng Văn, lại được phân công dạy học ở một trong những thôn nghèo khó nhất nên cuộc sống của cô giáo Hạnh gặp vô vàn khó khăn. Với đồng lương quá ít ỏi (hơn 200 ngàn đồng/tháng), chị phải chi tiêu dè sẻn mới đủ trang trải. Chị mượn đất của người dân trồng rau, tự đi kiếm củi để nấu ăn và sưởi ấm học trò những ngày đông giá rét.

Chị Hạnh nhớ lại: “Mùa đông ở Đồng Văn thật khắc nghiệt. Sương dày đặc, gió lạnh thấu xương. Lớp học của tôi chỗ nào cũng hở. Sương, gió như khách không mời len lỏi theo khe hở sà vào từng góc nhỏ trong lớp học khiến cho cả cô và trò đều run cầm cập. Chăn, màn, quần áo lúc nào cũng ẩm ướt. Sương dày đến mức có sáng ngủ dậy, mặt tôi ướt đẫm sương”.

Nhưng tất cả những điều đó không phải là khó khăn lớn nhất với chị Hạnh. “Trở ngại lớn nhất khi lên dạy học ở Đồng Văn là bất đồng ngôn ngữ. Việc giao tiếp với học sinh và các bậc phụ huynh gặp nhiều khó khăn”- chị Hạnh chia sẻ. Sau này, chị tự học tiếng dân tộc để hiểu học sinh và có thể dạy tốt hơn. Năm 1996, chị lập gia đình. Nhờ người bạn đời giúp đỡ, khả năng nói tiếng dân tộc của chị đã khá hơn. “Anh ấy động viên, hỗ trợ nhiều, nên tôi bớt đi được rất nhiều mệt mỏi. Không chỉ giúp làm việc nhà, anh ấy còn cùng tôi đi vận động học sinh đi học. Anh vừa làm thầy giáo, vừa làm phiên dịch cho tôi”- chị Hạnh nói về người chồng của mình với một tình cảm trân trọng và biết ơn”.

Người dân Lủng Xính thời trước nhận thức còn hạn chế, không chú trọng tới việc học hành của con cái. Họ thường bắt con nghỉ học để làm việc nhà. Cô giáo Hạnh ngoài nhiệm vụ dạy học phải làm thêm công tác dân vận. Cách thuyết phục dân bản cho con em đến trường của cô cũng thật đặc biệt. Cô cùng học trò đi nhặt củi, tâm sự nhỏ to động viên các em đi học đều đặn.

Cô còn lên nương rẫy, cùng làm cuốc đất, bẻ ngô với cha mẹ học sinh. Trò chuyện với phụ huynh học sinh cô giáo Hạnh thường bắt đầu từ chuyện mùa vụ, từ những chuyện gắn bó thiết thân nhất với họ. Sau đó cô khéo léo nói về lợi ích của việc học chữ. Câu chuyện bao giờ cũng kết thúc bằng câu nhắn nhủ: “Bác cho em đi học với cô giáo nhé. Cô giáo thương quý mới gọi đi học. Đi học có lợi cho các em thôi”.

Tối đến, cô Hạnh tới nhà học sinh trò chuyện vừa để tìm tìm hiểu phong tục của dân bản, vừa vận động phụ huynh cho con em đi học. Nhiều hôm chị ngủ lại nhà dân hoặc rủ các em học sinh nữ đến ngủ cùng mình. Sự gần gũi của cô giáo Hạnh đã lấy được lòng quý mến của bà con trong bản. Từ chỗ tránh mặt cô giáo, hoặc có những hành động xúc phạm cô giáo, người dân trong bản Lủng Xính đã hỏi: “Cô ơi tiếng của cô học như thế nào”. Giờ dân bản ở đó cũng hiểu được công việc học tập là cần thiết. Họ chủ động đưa con em đến trường, cô giáo không phải đến gọi học sinh đi học nữa.

 Tôi hỏi trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn bộn bề như thế sao chị vẫn gắn bó được với học sinh Đồng Văn lâu đến vậy” – tôi hỏi. Chị Hạnh giãy bày: “Giây phút đầu tiên nhìn trường lớp, chỗ ăn nghỉ tồi tàn như thế buồn lắm. Nhưng hôm sau lên lớp, thấy học sinh đến lớp đông đủ, em nào cũng mặc quần áo mỏng manh, cũ nát tôi thấy rất thương. Tình thương đó giúp tôi gắn bó với các em vùng cao tới tận bây giờ”.

Nếu như những ngày ban đầu, chị Hạnh khóc ròng về những khó khăn vất vả phải đối mặt thì giờ chị đã cứng cỏi hơn nhiều. Người mẹ có đứa con trai đang học lớp 9 ở trung tâm huyện giờ lấy lớp học làm niềm vui. Chị tâm sự: “Giáo viên dưới xuôi lên đây dạy, ai cũng mong có ngày được về. Ngày trước tôi cũng thế nhưng giờ thì không. Tôi thích nghi với môi trường, cuộc sống, khí hậu và quen với học sinh ở đây rồi”.

Bích Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ