Người phụ nữ lãnh đạo cuộc tấn công vào Đồi Capitol

GD&TĐ - Trước vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội Mỹ, hay còn gọi là Đồi Capitol, vào ngày 6/1 vừa qua, từng có nhiều cuộc tấn công, biểu tình nhằm vào khu vực này.

Một số người Mỹ biểu tình đòi lại công bằng cho Lebron và những kẻ đồng phạm.
Một số người Mỹ biểu tình đòi lại công bằng cho Lebron và những kẻ đồng phạm.

Trong khi hầu hết các cuộc tấn công do nam giới lãnh đạo, năm 1954, một người phụ nữ đã nổ súng tại Đồi Capitol để đòi quyền tự do cho Puerto Rico.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Puerto Rico

Trước khi Tây Ban Nha xâm lược Puerto Rico, hòn đảo vùng Caribbe là nơi sinh sống của người Taino, nhóm nhỏ của người thổ dân Arawak. Từ thế kỷ thứ XV, trong 300 năm tiếp theo hòn đảo này thuộc quyền quản lý của Tây Ban Nha. Đến những năm 1800, người dân Puerto Rico bắt đầu ủng hộ quyền tự quyết và quyền tự quản.

Kể từ năm 1898, Puerto Rico nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ sau chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha. Sau khi giành quyền kiểm soát, chính phủ Mỹ khuyến khích người dân Puerto Rico di cư đến Mỹ, Hawaii, Cuba và Santo Domingo. Họ tuyên truyền rằng người Puerto Rico là “nguồn lao động tốt” nhưng người dân hòn đảo này thường xuyên phải chịu điều kiện làm việc bất công, mệt mỏi. Họ tiếp tục yêu cầu quyền tự quản trong nhiều năm.

Từ năm 1950, nhiều cuộc nổi dậy do người dân Puerto Rico cầm đầu được tiến hành nhằm kêu gọi quyền tự do cho hòn đảo này. Một số cuộc nổi dậy thậm chí có mục tiêu ám sát Thống đốc Puerto Rico, Luis Muñoz Marín, và Tổng thống Mỹ, Harry S. Truman. Trong đó, phải kể đến Lolita Lebron, người phụ nữ Puerto Rico đã tổ chức cuộc tấn công vào Đồi Capitol nhằm đòi quyền tự do cho hòn đảo này.

Hiện nay, Puerto Rico là hòn đảo thuộc khối Thịnh vượng chung của Mỹ, đồng nghĩa đây là lãnh thổ phụ thuộc có tổ chức nhưng chưa hợp nhất của Mỹ. Hòn đảo này có Thống đốc, hiến pháp riêng. Năm 2017, Puerto Rico từng tổ chức trưng cầu dân ý về việc đưa hòn đảo trở thành một bang của nước Mỹ. Tuy nhiên, điều này chưa được công nhận, Puerto Rico tiếp tục là một phần lãnh thổ phụ thuộc vào Mỹ.

Thời niên thiếu của Lolita Lebron

Lebron tiếp tục hoạt động vì quyền tự do của Puerto Rico sau khi ra tù.
Lebron tiếp tục hoạt động vì quyền tự do của Puerto Rico sau khi ra tù.

Sinh ngày 19/11/1919, Dolores “Lolita” Lebron Sotomayor là con thứ năm trong một gia đình nghèo tại Lares, Puerto Rico. Cha cô qua đời ở tuổi 42, khi Lebron còn là thiếu niên do không có điều kiện tiếp nhận dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ. Gia đình Lebron ngày càng nghèo túng sau cái chết của cha.

Vào những năm 1940, Lolita Lebron chuyển đến sống tại thành phố New York. Cô gặp khó khăn khi tìm việc làm. Dù nhiều lần được thuê làm thợ may, Lebron bị sa thải vì phản đối thái độ phân biệt với người Puerto Rico. Sau ba ngày tìm việc, bị lạc trên tàu, đi bộ trên tuyết, không có tiền ăn trưa hay chỗ ở, Lebron đã phải che giấu việc mình là người Puerto Rico để xin việc.

Để đối phó với định kiến, phân biệt chủng tộc, Lebron gia nhập Đảng Quốc gia Puerto Rico vào năm 1946 và thúc đẩy nhận thức về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa nữ quyền. Lebron nhanh chóng gây dựng tầm ảnh hưởng trong tổ chức, được thăng chức lên các vị trí cao như đại biểu điều hành, phó chủ tịch.

Thời điểm này, Albizu Campos là Chủ tịch Đảng Quốc gia Puerto Rico. Lebron đã tìm hiểu mọi thông tin về Compos và tiếp cận ông. Khi Lebron được giao nhiều trọng trách lớn trong tổ chức, cô và Campos bắt đầu trao đổi thư từ. Năm 1954, Lebron được Compos yêu cầu đưa ra mục tiêu chiến lược cho một cuộc tấn công. Lebron đã chọn toà nhà quốc hội Mỹ, hay còn gọi là Đồi Capitol, làm mục tiêu của mình.

Sau khi đề đạt kế hoạch tấn công Đồi Capitol lên tổ chức, Lebron chiêu mộ Irving Flores, Rafael Cancel Miranda, và Andres Figueroa Cordero thực hiện nhiệm vụ. Ngày 1/3/1954, họ lên đường đến Washington DC.

Cuộc tấn công vào Đồi Capitol

Ngày nhóm của Lebron tới Washington DC, tại Đồi Capitol, chính phủ Mỹ đang thảo luận hai chủ đề liên quan đến chủ nghĩa đế quốc. Puerto Rico là chủ đề thứ nhất. Chủ đề còn lại là quận Chamizal, nằm giữa Mexico và bang Texas, nơi chính phủ Mỹ không muốn trả lại cho chính phủ Mexico.

Cả nhóm đợi trong phòng trưng bày nghệ thuật dành cho du khách. Khoảng giữa trưa, Lebron bất ngờ hét lên “Puerto Rico tự do muôn năm!” và mở quốc kỳ Puerto Rico. Nhóm bắt đầu nổ súng vào trần nhà và sàn nhà làm năm người bị thương nhưng không ai thiệt mạng. Nhóm không có ý định giết người trong cuộc tấn công. Thay vào đó, cả bốn sẵn sàng quyên sinh trong cuộc đấu tranh này.

Khi bị bắt, Lebron khẳng định Irving Flores, Rafael Cancel Miranda, và Andres Figueroa Cordero không phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công vì cô là chủ mưu duy nhất. Tuy nhiên, bốn người đều bị kết án.

Ngày 16/6/1954, trong phiên tòa xét xử, Lebron không phủ nhận hành động tấn công của mình. Thay vào đó, cô khẳng định mọi hành động đều “vì tự do của Puerto Rico”. Lebron và ba đồng phạm bị tuyên có tội.

Theo New York Times, trong khi Cancel Miranda, Figueroa Cordero và Flores bị kết án từ 25 - 75 năm, Lebron bị kết án từ 16 - 50 năm. Tòa giải thích lý do Lebron được hưởng án nhẹ hơn ba người còn lại vì cô chỉ bắn vào trần nhà chứ không bắn vào sàn nhà, từ đó Lebron được xóa tội “tấn công có ý định giết người”. 

Lebron bị bắt sau cuộc tấn công vào Đồi Capitol.
Lebron bị bắt sau cuộc tấn công vào Đồi Capitol.

Tiếp tục phản đối trong tù

Lebron bị giam tại Viện Cải huấn liên bang dành cho phụ nữ tại thành phố Alderson, phía Tây Virginia. Phần lớn thời gian trong tù, Lebron viết thơ, cầu nguyện, may quần áo và vận động cho quyền của tù nhân.

Cô đã giúp tổ chức một số cuộc tuyệt thực trong nhà tù nhằm phản đối việc các nữ tù nhân bị đe dọa, bị cách ly. Cô cũng từ chối chấp nhận bản án của mình, không nộp đơn xin ân xá trừ khi những người theo chủ nghĩa dân tộc giống như cô cũng được trả tự do. Lebron khẳng định sẽ không ra tù nếu không có sự ân xá của Tổng thống Mỹ, cô sẽ tiếp tục cống hiến cho lý tưởng của mình.

Năm 1979, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã xem xét các trường hợp vi phạm của người theo chủ nghĩa dân tộc. Đầu tiên, ông ân xá cho Figueroa Cordero, người theo chủ nghĩa dân tộc Puerto Rico. Một năm sau, Tổng thống Carter cũng giảm án cho Lebron, Flores và Miranda sau 25 năm bị giam giữ.

Các cuộc đấu tranh sau khi ra tù

Sau khi ra tù, Lebron tiếp tục hoạt động vì quyền tự quyết của Puerto Rico. Theo The Guardian, dù công nhận những lợi ích kinh tế dưới chế độ thuộc địa của Mỹ, Lebron vẫn “coi tự do thoát khỏi sự can thiệp của nước ngoài quan trọng hơn phúc lợi vật chất”.

Năm 2001, Lebron bị bắt hai lần trong cuộc đấu tranh yêu cầu Hải quân Mỹ rời khỏi đảo Vieques, nơi được sử dụng làm điểm ném bom. Khi đó, Lebron 81 tuổi, bị tạm giam 60 ngày nhưng cuộc biểu tình đã thành công.

Ngày 8/3/2008, Lebron đã dẫn đầu cuộc biểu tình đòi quyền tự quyết của Puerto Rico. Giữa đám đông hỗn loạn, Lebron hét lớn: “Chúng tôi muốn mọi người biết rằng ở Puerto Rico, phụ nữ chúng tôi đang đấu tranh cho quyền của mình, dưới tư cách là người lao động. Chúng tôi đấu tranh cho một môi trường lành mạnh, cho các cộng đồng nghèo, chịu thiệt thòi, vì tự do của các tù nhân chính trị, hạnh phúc của trẻ em, vì hòa bình và nền văn hóa của chúng tôi”.

Do niềm tin tôn giáo, Lebron tuyên bố từ bỏ đấu tranh bằng bạo lực, duy trì đấu tranh bất bạo động trong suốt phần đời còn lại. Dù không cầm vũ khí, Lebron tuyên bố rằng mỗi người dân có quyền sử dụng bất kỳ công cụ nào để giải phóng bản thân.

Ngày 1/8/2010, Lebron qua đời vì mắc bệnh về hô hấp. Di sản của bà tiếp tục được những người Puerto Rico tôn vinh. Chân dung của bà được vẽ trên các bức tranh tường tại Puerto Rico và một số vùng lân cận tại thành phố New York và bang Chicago.

(Từ trái sang phải) Irvin Flores Rodriguez, Rafael Cancel Miranda, Lolita Lebron và Andres Figueroa Cordero khi bị bắt vào ngày 1/3/1954.
(Từ trái sang phải) Irvin Flores Rodriguez, Rafael Cancel Miranda, Lolita Lebron và Andres Figueroa Cordero khi bị bắt vào ngày 1/3/1954.

Mục tiêu của cuộc tấn công vào Đồi Capitol

Nhìn lại hành động tấn công vào Đồi Capitol của Lebron, đây không phải nỗ lực tấn công chính phủ Mỹ để chiếm đoạt quyền lực. Trong hiến pháp của Puerto Rico, tên chính thức của hòn đảo này là Estado Libre Asociado, hay Khối Thịnh vượng chung của Mỹ.

Dù quy định này cho phép người dân ở Puerto Rico bầu chọn quan chức chính trị địa phương, mô tả về “thịnh vượng chung” là “hướng dẫn chính trị mơ hồ”, giữ cho hòn đảo nằm trong tầm kiểm soát của giới chính trị Mỹ.

Hành động phản kháng của Lebron làm nhằm thu hút sự chú ý của thế giới đến vấn đề độc lập của Puerto Rico. Mục tiêu cuối cùng là lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Trước khi Lebron qua đời, bà đã chia sẻ về mảnh giấy luôn nằm trong ví, với những ngôn từ được coi là “kim chỉ nam” trong cuộc đời đấu tranh của bà.

Mảnh giấy viết: “Tấn công “trái tim của nước Mỹ” là biện pháp cuối cùng của Puerto Rico vì hòn đảo này không thể tự trang bị và đối đầu với Mỹ như các cuộc chiến thông thường. Cuộc tấn công của chúng tôi là phương thức duy nhất chúng tôi có thể thực hiện”.

Cho đến những ngày cuối cùng, Lebron vẫn khẳng định không hối tiếc vì những hành động của mình. Dù Puerto Rico vẫn là thuộc địa của Mỹ, Lebron tin rằng “mọi người đều có quyền bảo vệ quyền tự do mà Chúa đã ban tặng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ