Đất nước này bị Áo, Phổ và Nga phân chia. Người Ba Lan nồng nhiệt đón chào hoàng đế, vì cho rằng ông sẽ giúp hồi sinh nhà nước cổ đại của họ.
Tình yêu sét đánh
Tại thị trấn Bronia, xe của Napoléon dừng lại để đổi ngựa. Người dân thị trấn vây quanh hoàng đế. Lách qua đám đông, hai người phụ nữ đến gặp Napoléon. Một trong họ, cô gái tóc vàng xinh đẹp với đôi mắt xanh, ngỏ lời bằng tiếng Pháp: “Chào mừng Bệ hạ đã đến đất nước của chúng tôi. Đất nước đang chờ đợi ngài để hồi sinh từ đống tro tàn”. Napoléon cúi chào, rồi xe chở ông đi tiếp đến Warsaw.
Ngày 7/1, Hoàng thân Józef Antoni Poniatowski tổ chức một vũ hội hoành tráng để chào mừng hoàng đế Pháp tại cung điện Hoàng gia ở Warsaw. Trong số những phụ nữ quý tộc có mặt, Napoléon nhận ra cô gái xinh đẹp tại thị trấn Bronia. Tên cô là Marie Walewska, xuất thân từ một dòng họ quý tộc sa sút. Năm 17 tuổi, Marie kết hôn với bá tước Walewski 60 tuổi, góa vợ hai lần, có con trai lớn hơn Marie 9 tuổi.
Hoàng đế thậm chí không tìm cách che giấu tình cảm của mình đối với người phụ nữ Ba Lan mắt xanh. Ngài gọi Poniatowski đến để bày tỏ sự ngưỡng mộ. Ngay lập tức hoàng thân nhận ra rằng Marie có thể mang lại cho đất nước nhiều lợi ích hơn 10 sư đoàn kỵ binh. Cùng với các quý tộc Ba Lan khác, ông bắt đầu nghĩ cách lợi dụng tốt nhất con át chủ bài đã rơi vào tay họ tại vũ hội.
Trong khi đó, Napoléon trở về phòng mình, viết một bức thư đáng nhớ cho người phụ nữ đã có chồng mà ông mới chỉ gặp hai lần: “Ta chỉ nhìn nàng. Ta ngưỡng mộ mỗi mình nàng. Ta khao khát nàng. Hãy trả lời ngay, khi lửa nhiệt tình của ta chưa nguội lạnh”.
Với phụ nữ, Napoléon sử dụng chiến thuật quen thuộc của mình - tấn công trực diện. Không nhận được hồi âm, hoàng đế viết bức thư thứ hai: “Lửa tình của ta đang bốc lên ngùn ngụt. Nàng đã cướp mất sự thanh thản của ta. Xin hãy ban một chút niềm vui cho trái tim si tình tội nghiệp của ta”.
Nhưng đòn tấn công này cũng không phá vỡ được thành trì. Lúc bấy giờ, Napoléon quyết định sử dụng pháo hạng nặng, thông điệp tiếp theo của ông kết thúc bằng những từ: “Tổ quốc nàng trở nên thân yêu hơn đối với ta, nếu nàng rủ lòng thương trái tim tội nghiệp của ta”. Đính kèm bức thư là một chiếc trâm đính kim cương tuyệt đẹp...
Tổ quốc trên hết
Những bức thư của Napoléon yêu cầu được gặp gỡ khiến Marie hết sức bất ngờ. Như tất cả những người Ba Lan khác, bà sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì để cứu tổ quốc. Bất cứ điều gì ngoài thứ mà Napoléon đòi hỏi.
Hoàng thân Poniatowski, toàn bộ giới quý tộc và thậm chí cả ngài Walewski tìm mọi cách thuyết phục công nương... nhiệt tình hơn nữa vì sự nghiệp chung. “Không phải chúng tôi, cả nước Ba Lan yêu cầu bà điều đó” - Poniatowski nói.
Cuối cùng, Marie đã đầu hàng. Một hôm, vào khoảng 10 giờ tối, bà đến bái kiến hoàng đế. Người hầu của Napoléon, Constant, dẫn bà vào một căn phòng sang trọng. Sau này, trong hồi ký của mình, hoàng đế nhớ lại: “Công nương Walevska gần như không thể đứng vững trên đôi chân của mình... Nàng khóc to đến mức ngồi ở cuối căn phòng tôi cũng nghe thấy. Tiếng khóc của nàng như xé nát trái tim tôi”.
Hai giờ sau, Marie ra về, nàng vẫn khóc. Ngày hôm sau, hoàng thân Poniatowski khăng khăng yêu cầu Marie đến gặp hoàng đế một lần nữa.
Cơn thịnh nộ của Napoléon thật khủng khiếp, ông lấy gót giầy giẫm nát chiếc đồng hồ, dọa sẽ làm như vậy với Ba Lan nếu bà không nhượng bộ ông. “Tôi muốn đứng lên, nhưng ánh mắt khủng khiếp của ông giữ chặt tôi lại. Tôi nhắm mắt, bên tai vang lên tiếng gót giày của ông đạp vỡ tan chiếc đồng hồ vô tội. Bỗng nhiên có một lực nào đó siết chặt lấy tôi khiến tôi ngạt thở” - Marie viết trong hồi ký.
Vợ không chính thức
Kể từ đó, Marie thường xuyên đến thăm hoàng đế. Napoléon muốn công nương Walevska tháp tùng ông trong mỗi tiệc chiêu đãi, mỗi buổi hòa nhạc được tổ chức để chào mừng ông.
Tháng 4/1807, hoàng đế chuyển đại bản doanh của mình từ Warsaw đến lâu đài Finkenstein ở Tây Phổ. Sau đó 1 tháng, người tình kiều diễm của ông cũng đến đây. Marie và Napoléon sống với nhau 3 tháng trong lâu đài. Nàng đem lòng yêu ông thực sự. “Mọi suy nghĩ của tôi đều xuất phát từ ông và trở lại với ông. Ông là tất cả đối với tôi, là toàn bộ tương lai, cả cuộc đời tôi” - Marie thú nhận.
Napoléon rất hạnh phúc. Ông đã trải qua nhiều cuộc phiêu lưu tình ái. Nhưng chủ yếu đó là những cuộc tình thoáng qua với các nữ diễn viên trẻ, còn vợ ông - Josephine luôn luôn phản bội chồng. Còn bây giờ, rốt cuộc, bên cạnh ông không phải là một người đàn bà làm đỏm, mà là một cô gái nhân hậu và chân thành.
Ông chỉ không thích một điều duy nhất, đó là những chiếc áo dài màu đen của Marie. “Tại sao nàng luôn mặc đồ đen?” - một lần Napoléon hỏi. Bà trả lời: “Em để tang cho tổ quốc mình. Bao giờ ngài phục hồi Ba Lan, em sẽ mặc đồ trắng”. “Hãy kiên nhẫn,” hoàng đế hứa. “Chẳng bao lâu nữa ta sẽ bắt đầu một cuộc chiến tranh mới”.
Thật vậy, ít lâu sau các hoạt động quân sự lại tiếp diễn và Napoléon lên đường ra mặt trận. Marie cũng phải từ giã cung điện Finkenstein. Ngày 7/7/1807, trên một chiếc bè lớn giữa sông Neman, Napoléon và sa hoàng Nga Alexander I đã ký Hòa ước Tilsit. Theo đó, một phần đất của Ba Lan được gọi là Đại công quốc Warsaw đã được trả lại chủ quyền. Napoléon đã giữ lời với Walevska...
Cuộc gặp gỡ bí mật
Napoléon sực nhớ đến người tình Ba Lan của mình vào mùa đông năm 1812, khi ông chạy trốn khỏi nước Nga lạnh giá. Đi qua Ba Lan, vị hoàng đế bại trận muốn tạt sang Lowicz, nơi công nương Walewska bấy giờ đang sống. Vất vả lắm tướng Caulaincourt mới ngăn được hoàng đế khỏi hành động mạo hiểm này. Lúc đó có hàng trăm lính Cô-dắc đang bám đuổi theo từng bước chân Napoléon.
...Hai năm sau đó, Napoléon bị đày tới đảo Elba. Ngày 1/9/1814, Marie Walevska bí mật đáp tàu thủy đến thăm ông. Họ gặp nhau tại tu viện Santuario del Monte della Madonna nằm trên núi cao. Hai đêm tiếp theo Marie và Napoléon ở cùng nhau.
Khi Napoléon bị đày ở đảo Sait Helena, Marie coi mình hoàn toàn tự do. Bà kết hôn với bá tước de Ornand, em họ của hoàng đế. Cuộc hôn nhân này đã đem lại cho Marie một cậu con trai. Nhưng sự ra đời của một đứa trẻ đã làm sức khỏe của nữ bá tước trở nên suy sụp. Bà qua đời ở tuổi 31 trên phố Victorua trong chính ngôi nhà mà Napoléon đã tặng bà.
Ngày nay có khoảng 30 hậu duệ của Marie và Napoléon Bonaparte sống ở Pháp. Hầu hết họ thuộc tầng lớp quý tộc cao cấp của Pháp. Nhưng trong số họ cũng có người làm nghề tài xế, giáo viên, thậm chí nghệ sĩ xiếc.