Người nước ngoài phạm tội ngày càng nhiều

Trong những năm qua, tình hình tội phạm là người nước ngoài trong lĩnh vực mua bán, vận chuyển ma túy và công nghệ cao diễn biến phức tạp

Người nước ngoài phạm tội ngày càng nhiều
Nguoi nuoc ngoai pham toi ngay cang nhieu - Anh 1

Một số đối tượng người nước ngoài trong các vụ án vừa bị triệt phá. Á̉nh: Nguyễn Quyết

Một trong những lĩnh vực khiến các cơ quan tố tụng "đau đầu" nhất đó là tội phạm là người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao.

Kẻ cầm đầu luôn ẩn danh

Theo Công an TP HCM, phổ biến nhất là các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan cầm đầu đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, cấu kết với người Việt Nam giả danh các cơ quan công quyền gọi điện báo nợ cước điện thoại, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trong tài khoản tiết kiệm để xác minh.

Nạn nhân chủ yếu là người già, phụ nữ, người ít tiếp cận các phương tiện thông tin, báo đài. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng rút ngay lập tức.

Gần đây nhất, Công an TP HCM đã khởi tố vụ án lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân là bà H. (77 tuổi, ngụ quận Tân Bình). Thông qua điện thoại, bà H. được một người lạ nói bà nợ hơn 8,9 triệu đồng tiền cước điện thoại.

Bà H. thanh minh rằng không nợ nần gì thì kẻ gian nói chuyển máy cho bà nói chuyện trực tiếp với Công an TP Hà Nội. Sau đó, một người xưng là cán bộ điều tra của Công an TP Hà Nội nói bà dính vào một đường dây rửa tiền quốc tế và yêu cầu chuyển số tiền bà có trong ngân hàng sang tài khoản của họ, nếu kết quả giám định xác nhận bà trong sạch thì sẽ trả tiền lại. Tin lời, bà H. chuyển 2 tỉ đồng và kể cho con cháu nghe. Gia đình tá hỏa đưa bà H. đến công an trình báo.

Theo Công an TPHCM, những đường dây lừa đảo tương tự như trên nếu bị phát hiện thì kẻ cầm đầu luôn ẩn danh. Những đối tượng sa lưới thường là chân rết, đóng vai trò thứ yếu.

Chuyển tiền rồi ôm hận

Trong một vụ án mới xét xử gần đây tại TP HCM, các bị cáo Nguyễn Thị Tốt (quê Cần Thơ), Phạm Thị Kim Phượng và Nguyễn Thị Thùy Trang (cùng quê Tây Ninh) khai mở thẻ ngân hàng, rút tiền của các nạn nhân theo sự chỉ đạo của một nhóm người Nigeria tại Malaysia.

Các đối tượng người Nigeria thông qua Facebook kết thân với các quý bà Việt Nam, hứa sẽ kết hôn rồi sang Việt Nam mua nhà, mua xe. Sau đó, các đối tượng nhắn tin tặng quà, tặng nữ trang và có những đối tượng khác liên hệ theo kịch bản.

Các đồng phạm thường đóng vai nhân viên hải quan yêu cầu quý bà chuyển tiền nộp phạt vì trong túi quà có số lượng lớn ngoại tệ. Tin lời, nhiều người chuyển hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng, để rồi ôm hận.

Theo Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) Công an TP HCM, trong những năm qua, rất nhiều vụ án "vận chuyển trái phép chất ma túy" bị phát hiện do đối tượng là người nước ngoài thực hiện. Các đối tượng thường vận chuyển ma túy thuê cho những ông trùm ma túy xuyên lục địa, cư ngụ tại Brazil, Thái Lan...

Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP Hà Nội cũng vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng nữ Zhong Jian Hua và 2 đối tượng nam (đều quốc tịch Trung Quốc).

Theo điều tra, 3 đối tượng trên sử dụng thẻ ATM giả để rút tiền tại các cây ATM ở TP Hà Nội. Các đối tượng còn cung cấp thẻ ATM giả, làm visa cho 3 người nhập cảnh vào Việt Nam và hứa hẹn nếu rút tiền thành công tại các cây ATM ở Việt Nam thì sẽ trả cho mỗi người trên 15 triệu đồng.

Công an TP Hà Nội phối hợp Bộ Công an và Công an tỉnh Quảng Trị bắt giữ nhóm đối tượng mang quốc tịch Colombia. Từ năm 2014 đến nay, nhóm này nhập cảnh vào hơn 30 quốc gia, gây hơn 100 vụ trộm cắp tài sản.

Riêng tại Việt Nam, các đối tượng gây ra 13 vụ trộm cắp với số tiền gần 10 tỉ đồng. Đầu tháng 5, VKSND Tối cao truy tố bị can Mata Bernal Carlos Rene (quốc tịch El Salvador) về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy". Từ tháng 8-2014 đến nay, đối tượng này nhập về Việt Nam 9 lô hàng, trong đó có 3 lô chứa tổng cộng hơn 55,7 kg cocain.

Người dân phải cảnh giác

Bên cạnh những vụ án ma túy, lừa đảo, một bộ phận du khách đến Việt Nam còn thực hiện những vụ án hình sự nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, dàn cảnh chiếm đoạt tiền tỉ.

Đến Việt Nam du lịch, cùng lưu trú tại phố Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM), Ravi Barkash (quốc tịch Ấn Độ) và Moon Atfri (quốc tịch Mỹ) quen nhau và cùng lên kế hoạch cướp tài sản của các tài xế Grab. Chúng đặt hẹn GrabBike, khi tài xế Lê Đức T. chạy xe tay ga đến đón thì 2 đối tượng chích điện, cướp xe rồi tẩu thoát.

Trong một cuộc họp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng tại TP HCM, đại tá Nguyễn Minh Thông, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TPHCM, cho biết đã cảnh báo rất nhiều lần nhưng nhiều người vẫn tin vào những lời hứa để rồi "tiền mất tật mang". Trong số bị hại có cả những người có học thức cao nhưng vẫn bị lừa rồi đến cầu cứu cơ quan chức năng.

Khó khăn trong công tác điều tra, phá án những vụ như trên là kẻ cầm đầu thường giấu mặt. Các băng nhóm nước ngoài thường cấu kết với người Việt Nam trong nước để lừa đảo; nhờ người Việt dùng thông tin cá nhân hoặc bạn bè, người thân mở tài khoản ngân hàng làm phương tiện phạm tội.

"Những đối tượng nước ngoài thiết lập một mạng lưới lừa đảo xuyên quốc gia rất tinh vi. Khi đồng bọn người Việt bị phát hiện thì bọn chúng cắt đứt liên lạc, cao chạy xa bay nên ít khi bị bắt.

Bên cạnh đó, nhiều người sau khi bị lừa thường chậm trễ trình báo nên công tác phong tỏa tài khoản không được kịp thời, các đối tượng đã rút hết tiền trong các tài khoản" - một cán bộ điều tra cho biết.

Khá đa dạng

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 10 năm qua, các lực lượng chức năng của Bộ Công an đã phát hiện, khởi tố, điều tra 1.260 vụ án có yếu tố nước ngoài hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia; trong tổng số 2.041 bị can bị bắt giữ, có 692 đối tượng là người nước ngoài. Tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia xảy ra khá đa dạng, gồm cả tội xâm phạm an ninh quốc gia và nhiều loại tội phạm hình sự khác.

Đáng chú ý, lĩnh vực phòng chống tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao, tội phạm mua bán người… đều đã xuất hiện yếu tố nước ngoài với số lượng ngày càng tăng.

Theo NLĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Cuộc chiến' chủ quyền

GD&TĐ - Dẫn nguồn thạo tin, truyền thông Canada cho hay, nước này có thể áp đặt các biện pháp thuế đáp trả đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Làm sạch và khử trùng các bề mặt “thường xuyên chạm vào” xung quanh nhà. (Ảnh: ITN)

Mẹo dễ dàng làm sạch nhà trước Tết

GD&TĐ - Nghỉ Tết, bạn sẽ dành phần lớn thời gian ở nhà, vì vậy không có gì quan trọng hơn việc bắt đầu làm sạch kỹ càng không gian sống của mình.