(GD&TĐ) - Gần 15 năm về trước, có một nữ giáo viên trẻ hăm hở theo tiếng gọi tình nguyện về gieo chữ ở vùng “đất trũng” biệt lập với trung tâm TPHCM. Miệt mài phấn đấu với lý tưởng đã chọn, chị đã để lại không ít dấu ấn trên mảnh đất cùng những thế hệ HS. Với sự tín nhiệm của đồng nghiệp, lãnh đạo, chị đã được rút về Sở làm công tác quản lý cho. Chị là Nguyễn Thị Gái-Phó chủ tịch Công đoàn Sở GDTP.HCM.
Từ cô giáo trường làng
Khi tôi hẹn gặp, dù đang vất vả chuẩn bị cho chuyến đi từ thiện ở 4 tỉnh vùng khó vào sáng hôm sau, nhưng chị vẫn vui vẻ gật đầu cho tôi một cái hẹn. Thân thiện, hòa đồng là ấn tượng đầu tiên mà không phải chỉ riêng tôi cảm nhận được. Bởi bất cứ giáo viên nào cũng có cảm nhận về chị- người Phó chủ tịch Công đoàn luôn hòa nhã và thân thiện với đồng nghiệp.
Bên bàn làm việc còn chất đầy hồ sơ, chị tâm sự với tôi về công việc cũng như những tháng năm còn đứng trên bục giảng. Sinh ra lớn lên trên mảnh đất nghèo khó “18 thôn vườn trầu”, chị có một tuổi thơ không êm ả khi gia đình vốn đông anh em, lại chủ yếu sống bằng nghề nông nên cuộc sống rất khó khăn. Chị phải vừa đi học, vừa đi làm. Một buổi đến trường, một buổi ở nhà phụ giúp mẹ làm thuê để nuôi em… Thế nhưng, cô nữ sinh cấp 3 của trường Thạnh Lộc đã vượt lên tất cả để học. Chị luôn là học sinh giỏi của trường nên chẳng có gì khó hiểu khi chị thỏa được ước mơ đậu vào trường ĐH Sư phạm. Tốt nghiệp trường Sư phạm khoa Văn năm 1993, với bao nhiêu nỗi lo toan của gia đình, cô giáo trẻ mang trên mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự đam mê nghề nghiệp đi gieo chữ ngay tại vùng đất mẹ. Ngôi trường đầu tiên in bóng chị cũng là trường đã “nuôi” cho chị giấc mơ đại học - trường THPT Thạnh Lộc.
Trở lại trường xưa, gặp lại những thầy cô giáo đã dạy mình, bây giờ là đồng nghiệp, chứng kiến cảnh các thầy cô cần mẫn công tác trong điều kiện trường còn nhiều khó khăn, nên ngay những ngày đầu trở lại, chị đã tự hứa với lòng mình sẽ “dốc” hết khả năng mình có để giúp đồng nghiệp, học sinh. Hằng ngày, chị vẫn miệt mài đến trường đều đặn “truyền cảm hứng” cho những HS thôn quê bằng những câu văn, bài thơ. Rồi được Ban giám hiệu phân công chủ nhiệm lớp yếu nhất của khối 12, đồng nghiệp ai cũng tỏ ra ái ngại cho chị bởi chị thì quá hiền mà lớp thì quá “đặc biệt” với đầy đủ thành phần như học yếu, bất cần, hoàn cảnh khó khăn …Thế nhưng, hiểu được trách nhiệm khó khăn đó, chị tự “biến” công việc như một thử thách cho mình. Chị đã dành nhiều thời gian công sức để đến từng nhà học sinh thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh, cá tính để động viên từng trò. Và cũng chính sự miệt mài, coi học sinh của mình như là con, nên chị đã thực sự cảm hóa được các em học sinh cá biệt lớp 12 này. Có những lúc chị không ngại khi đi vào quán cà phê để tìm các em trốn học, vào tiệm internet để “bắt ” những học sinh lười biếng. Điều đặc biệt là ở lớp chủ nhiệm của chị ngoài sự tiến bộ về học tập, các em còn có sự thay đổi lớn về tinh thần.
Chị Nguyễn Thị Gái |
Vừa dạy học, vừa phụ trách công đoàn, chị đã “dốc ” hết lòng cho mái trường, cho học sinh bằng tất cả nhiệt huyết và trí tuệ. Với những nỗ lực với nghề, cái tâm của một nhà giáo, từ năm 2001 đến 2008 chị luôn đạt giáo viên dạy giỏi. Mười sáu năm đi dạy phổ thông, song song chị cũng đi dạy phổ cập tại địa phương hết 13 năm. Dù thù lao từ lớp phổ cập không bao nhiêu, nhưng chị không từ bỏ mà luôn gắn với lớp như một trách nhiệm của mình. Vậy là chị lại gặp lại nhưng trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật tại trung tâm Kỳ Quang II. Tiền thù lao buổi tối, chị đều “nướng” vào cho các em khiếm thị, khuyết tật về thăm gia đình.
Đến “phó thủ lĩnh” công đoàn Sở
Về Sở nhận công tác mới – Phó Chủ tịch Công Đoàn Sở, chị tâm sự: “Thực tình, lúc nhận được chỉ thị của Sở, tôi vẫn day dứt, lo cho những đứa học trò, bởi đơn giản hình ảnh học trò luôn hiện hữu, đồng thời lúc ấy ấy dạy ở trường còn gần nhà. Nhưng đã được lãnh đạo tin tưởng đưa về, đồng nghiệp ủng hộ thì mình sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thôi"
Chính thức về Sở nhận công tác tháng 9- 2008, người phụ nữ mảnh dẻ ấy tiếp tục lao vào những công việc mới với quan niệm “làm tròn trách nhiệm cấp trên giao phó và sống cho lý tưởng đã chọn”. Nhận thức được trách nhiệm được giao, và bằng cái “tâm” của một nhà giáo đối với công đoàn ngành, chị bị cuốn vào vòng tròn công việc mới với tâm trạng hồ hởi như những ngày đầu mới vào nghề gõ đầu trẻ . Ngoài những công việc quản lý, chị còn đưa ra nhiều sáng kiến kinh nghiệm giúp công đoàn viên như: phong trào quyên góp áo dài , vải áo dài tặng cho các giáo viên vùng khó đã được hình thành năm thứ 3. Và qua 4 năm thực hiện vận động quyên góp áo dài tặng đồng nghiệp các tỉnh vùng khó khăn, phong trào lúc này không còn là của thành phố, của “riêng chị” mà đã trở thành một hoạt động mạnh của ban nữ công 24 quận huyện ; tất cả các quận huyện đều vận động CB, CNVC, GV đóng góp; kể cả khối ngoài công lập cũng tham gia.
Đồng thời chị luôn sâu sát tình hình đến từng công đoàn cơ sở, nắm bắt mọi vấn đề giải quyết kịp thời ở các công đoàn cơ sở. Dù tất bật với công việc của ngành ở vị trí lãnh đạo nhưng chị luôn hòa đồng thân thiện và đặc biệt luôn chịu khó tham gia các khoá học nhằm nâng cao nghiệp vụ như lớp soạn giáo án Power point, học cao học ngữ văn, rồi lớp quản lý và hiện nay đang theo học lớp chính trị. Hằng ngày, chị vẫn đều đặn cưỡi trên con ngựa sắt từ nhà đến cơ quan gần 20 km. Không chỉ là một lãnh đạo tốt, một đồng nghiệp thân thiện mà về với gia đình, chị còn là người vợ, người mẹ, người dâu hiếu thảo.
Ngoài danh hiệu là giáo viên giỏi từ năm 2001 – 2008, chị cũng vinh dự nhận được Bằng khen của Bộ Giáo dục – Đào tạo; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” trong năm 2009. |
Anh Nguyễn