Căn phòng trọ của vợ chồng anh Nguyễn Văn Lượng, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM rộng 10 m2, giá thuê hơn 2 triệu đồng.
Để tiết kiệm, anh cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thu Đào, 27 tuổi, cùng có chiều cao 1,1 mét, cho hai người bạn ở ghép. Họ chia nhau, vợ chồng anh ngủ trên gác, hai người bạn ngủ bên dưới, các đồ dùng, ăn uống thì dùng chung.
“Chúng tôi đều bán vé số, cả ngày đi ngoài đường nên ở chung cho rẻ, tiết kiệm được tiền thuê”, người vợ quê Bình Định nói.
|
Vợ chồng chị Đào - anh Lượng trong lễ cưới tập thể ngày 20/10/2015. Ảnh: Điều ước thứ bảy/VTV. |
Chị Đào là người duy nhất trong gia đình có bốn người con bị khuyết tật chiều cao. Học xong lớp 12, Đào vào TP.HCM mưu sinh với nghề công nhân may.
Chiều cao chỉ bằng nửa người bình thường, sức khỏe không cho phép, làm được mấy tháng chị xin nghỉ, đi bán vé số ở quận Bình Tân.
Lượng cũng là người con duy nhất bị bệnh lùn bẩm sinh. 15 tuổi, Lượng rời quê Đồng Tháp đến quận 11 thuê phòng trọ ở đi bán vé số kiếm sống.
Thời gian đầu, anh đi bán ở các ngả đường, bến xe, quán xá gần nơi ở. Mùa xuân năm 2014, “địa bàn” có nhiều người hành nghề hơn, anh đi xe buýt đến quận Bình Tân mời gọi thì gặp Đào cũng cầm xấp vé số rao bán.
“Nhìn cô ấy tay chân ngắn tũn, mồ hôi thấm ướt chiếc áo đang mặc, lăng xăng mời khách mua giữa trưa nắng, tôi buồn cười, hỏi sao có người giống mình vậy”, anh chồng năm nay 29 tuổi nhớ lại, đồng thời bắt chuyện làm quen.
Ban đầu, những câu chuyện của họ chỉ xoay quanh ngày bán được bao nhiêu tờ vé, đi những đâu, có khách nào trúng số không. Lâu dần, gặp nhau họ chia nhau chai nước uống, bịch bánh tráng trộn rồi kể câu chuyện của mình cho nhau nghe.
“Tôi xin số điện thoại, cô ấy nhất định không cho nhưng tôi không bỏ cuộc”, anh Lượng cười phá lên khi bị vợ đấm yêu vào lưng.
Chị Đào cho biết, vốn không cho số là vì chị không muốn yêu và lấy một người cùng chiều cao với mình. “Tôi đã thấp rồi, lấy chồng thấp nữa, sinh con ra cũng thấp thì sao”, chị Đào bẽn lẽn nhìn chồng nói. Anh Lượng chen vào: “Thua keo này tôi bày keo khác”.
Những ngày sau đó, TP.HCM bước vào mùa nắng. Thời tiết từ sáng đến tối nóng bức. Vậy mà, trưa nào Lượng cũng ghé chỗ Đào mời cô ăn trưa, uống nước, có khi đến để đưa cho chai nước lọc, bịch đồ ăn rồi đi bán tiếp.
“Có hôm, anh ấy đến mà xấp vé số còn dày cộm, nhưng thấy tôi là cười như không có gì. Hôm biết tôi ốm thì nhất quyết nghỉ bán đòi đến chăm.
Nhìn anh loay hoay nấu cháo, vắt nước cam rồi năn nỉ tôi ăn cho khỏe, tôi thấy mình thật có phước khi lấy được anh”, Đào nhớ lại.
|
Mỗi ngày hai vợ chồng lấy từ 150-200 tờ vé số đi bán kiếm lời. Ảnh: T.A. |
Do kinh tế khó khăn, họ chỉ đi đăng ký kết hôn rồi đưa nhau về sống chung. Biết được hoàn cảnh của hai vợ chồng, một tổ chức từ thiện đã ngỏ ý mời họ tham gia lễ cưới tập thể cho người khuyết tật.
Đêm 20/10/2015, trong bộ áo cưới tí hon, vợ chồng Lượng - Đào tay trong tay bước lên sân khấu cắt bánh cưới, uống rượu giao bôi, trao nhẫn cưới.
Một năm sau, Đào mang thai. Các bác sĩ cho biết, sức đề kháng chị yếu, lại thấp nên em bé rất yếu, khuyên nên bỏ con, nếu không cả mẹ và con không giữ được.
“Tôi chỉ biết nằm khóc. Nó là giọt máu của hai vợ chồng. Tôi muốn được nhìn thấy con”, chị Đào nói, mắt rơm rớm nước.
Suốt thai kỳ, chị nghỉ bán, ở nhà dưỡng thai. Từ ăn uống, đi lại hay khám, siêu âm chị đều tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ và cầu nguyện phép màu sẽ mang con đến với mình khỏe mạnh.
Nhìn vợ mang bụng to, nằm một chỗ, thở cũng khó anh Lượng rất thương, nhưng với quyết tâm của chị, anh chỉ biết ở bên động viên, mua nhiều đồ bổ cho vợ bồi dưỡng. Thế nhưng, phép màu đã không xảy ra với gia đình họ.
“Chỉ đến với vợ chồng em có 5 giờ là con ra đi. Em chỉ được ôm con áp vào ngực mình có một lúc”, giọng chị Đào như lạc đi.
Anh Lượng cho biết, mất con, hai vợ chồng rất buồn nhưng anh luôn động viên vợ phải sống tích cực, chỉ cần khỏe mạnh thì niềm vui sẽ đến. Ảnh: T.A. |
Dù các bác sĩ khuyên không nên sinh con nữa nhưng chị vẫn khát khao được làm mẹ, được sinh cho chồng một đứa con. Hơn hai năm qua, chị gắng làm việc nhiều hơn, tiệt kiệm, ăn tiêu dè xẻn, làm việc thiện, đi chùa cầu nguyện và đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
“Anh ấy nói, con cái là duyên, chỉ cần tôi khỏe mạnh là được. Nhưng tôi nghĩ, được làm mẹ của người phụ nữ là thiên chức”, chị Đào nói.
Tết Nguyên đán vừa qua, anh chị không về quê, ở lại thành phố bán vé số kiếm thêm thu nhập.
“Tết vợ chồng tôi bán được nhiều hơn ngày thường và có khách lì xì nên thu nhập cũng kha khá. Số tiền đó, tôi tiết kiệm lo cho tương lai”, chị Đào nói.