Vẻ đẹp nhân tạo lên ngôi
Một chân dài nhân tạo tên Shudu Gram đang thu hút nhiều sự quan tâm khi chụp hình cho dòng son Fenty Beauty do
Rihanna làm giám đốc sáng tạo. Cô là sản phẩm của Cameron James Wilson - nhiếp ảnh gia 28 tuổi đến từ Anh và có 10 năm hoạt động trong ngành công nghiệp thời trang. “Shudu là tác phẩm do tôi sáng tạo. Cô ấy không phải người thật. Nhưng Shudu đại diện cho nhiều người mẫu hiện nay. Phong trào người mẫu da màu đang nổi lên, Shudu đại diện cho phong trào ấy và truyền cảm hứng cho những chân dài giống mình".
Tác giả nói thêm người mẫu ảo của anh dựa trên hình mẫu ca sĩ Grace Jones, siêu mẫu Alek Wek, Duckie Thot - Top 3
Australia"s Next Top Model 2013 - và búp bê Barbie phiên bản "Công chúa Nam Phi".
Theo Cameron James Wilson, công nghệ 3D trong tương lai có thể giúp các người mẫu tạo ra bản sao kỹ thuật số của chính bản thân. Nhờ đó, khi làm việc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, các chân dài cũng không phải vất vả di chuyển nữa, thay vào đó chỉ cần gửi các bản sao tới. "Các bản sao này đều bất tử. Sự nghiệp của một con người cũng vì thế mà có thể kéo dài tới hàng thập kỷ, thế kỷ”.
Làn da đen bóng đến không tưởng là thứ khiến cho người khác không khỏi ngưỡng mộ. Ngay cả thương hiệu mỹ phẩm cao cấp của cô nàng Rihanna – Fenty Beauty cũng đã đăng tải hình ảnh của Shudu, với đôi môi căng bóng nhờ sử dụng tông màu son Saw-C. Suy cho cùng, công cuộc tạo ra Shudu tốn rất nhiều thời gian và tâm sức, mục đích là để đánh lừa được giác cảm của người nhìn, khiến họ tin rằng sự tồn tại của người mẫu Shudu là thật.
Catwalk điêu luyện |
Quyết định lựa chọn của khách hàng
Tạp chí V vừa gây chú ý khi tung bộ ảnh người mẫu Miquela Sousa. Với mái tóc thẳng màu nâu và mái ngố, Miquela được khen ngợi về vẻ ngoài ấn tượng. Người đẹp từng xuất hiện trong chiến dịch của nhiều nhà mốt lớn gồm Balenciaga, Proenza Schouler, Prada, Diesel... Tạp chí Vogue cũng đưa cô lên tạp chí số tháng 9 - được coi là cuốn kỳ công và quan trọng nhất mỗi năm.
Trên mạng xã hội, tài khoản Instagram của Miquela thu hút hơn 678.0000 người theo dõi, trong đó có nhiều người nổi tiếng như người mẫu Kacy Hill, nghệ sĩ Jesse Jo Stark, Chloe Wise hay Molly Soda. Thông tin cơ bản trên trang cá nhân của Miquela viết cô là người mẫu kiêm nhạc công. Tuy vậy, theo NZHerald, Miquela Sousa thực chất chỉ là hình ảnh do máy tính tạo nên.
Miquela vẫn chưa phải "người nổi tiếng ảo" đầu tiên trên thế giới, mà phải là ban nhạc Gorillaz - gồm 4 thành viên dưới dạng nhân vật hoạt hình. Khái niệm xây dựng hình mẫu ảo cho cá nhân hoặc tập thể không phải điều gì quá xa lạ trong làng giải trí. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Miquela vẫn đem đến nhiều bất ngờ dù chưa mang tính cách mạng. BOF đã "trò chuyện" với Miquela theo nghĩa đen về cách mà cô kiếm tiền, mối quan hệ giữa các nhãn hiệu thời trang và vài thứ khác.
Người mẫu ảo Miquela Sousa |
Kết nối với người hâm mộ
“Là một nghệ sĩ, tôi thường xuyên bày tỏ những quan điểm không bình thường, không phải ai cũng chấp nhận được. Do đó, tôi thường xuyên phải trả giá bằng việc mất đi người hâm mộ. Tôi muốn trở thành tất cả mọi thứ, vượt ra ngoài những gì người hâm mộ trông đợi.
Tôi muốn được người khác miêu tả như một nghệ sĩ, ca sĩ hoặc thứ gì đó chỉ sự nghiệp của tôi. Thay vì tập trung vào những phẩm chất hời hợt của bản thân" - Miquela nói với BOF. Quả thực, sự xuất hiện của Miquela làm chúng ta mơ hồ nghĩ đến Joi, vốn là một A.I (trí thông minh nhân tạo) với tạo hình xinh đẹp, cực kỳ quyến rũ trong bộ phim “cyber-punk Blade Runner 2049”. Tuy nhiên, tất cả những cá nhân đứng sau Miquela vẫn nằm trong bí mật, giống như bất cứ ngôi sao mạng xã hội nào khác, chắc chắn phải có một bộ máy giúp cô gái này tồn tại và phát triển.
Vẻ đẹp của người mẫu Shudu |
Và những tranh cãi
Những người đứng sau các chân dài ảo ra sức bảo vệ thành quả. Cameron James Wilson phủ nhận muốn thay thế người thật bằng hình ảnh 3D trong làng mẫu. Anh hiện coi Shudu đơn giản là tác phẩm nghệ thuật, chưa muốn khai thác theo hướng thương mại. Nhiếp ảnh gia cũng cho rằng, việc bảo vệ nhận dạng cá nhân không khó nếu áp dụng công nghệ về cấp phép dữ liệu.
James tâm sự: "Tôi vui vì sản phẩm của mình gây tranh cãi về sự phát triển của ngành thời trang. Có như vậy, mọi người mới có thể trò chuyện trung thực với nhau. Mong muốn của tôi là tạo ra được dòng tiền trong lĩnh vực thiết kế người mẫu ảo. Nó thực sự cần thiết cho các thương hiệu muốn có gương mặt đại diện kỹ thuật số để giao tiếp với khách hàng trong môi trường giả lập".
Khi Shudu Gram mới ra mắt hồi tháng 5, một tài khoản trên Twitter lên án tác giả Cameron James Wilson rằng: "Một nhiếp ảnh gia da trắng lại tìm cách né tránh việc trả tiền cho người mẫu da màu bằng cách như vậy. Hãy nói cho tôi, làm sao nền kinh tế có thể phát triển dựa trên phân biệt chủng tộc và kỳ thị giới tính đây". Phần bình luận này có tới 24.000 lượt ủng hộ.
Nhiều nguồn tin cũng hoài nghi trước việc sử dụng rộng rãi người mẫu 3D trong ngành công nghiệp thời trang. "Làm thế nào để mỗi người phòng tránh được việc nhận dạng của mình bị đánh cắp, đặc biệt khi họ đã qua đời?" là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất. Một số ý kiến khác e ngại xu hướng sử dụng chân dài ảo sẽ khiến những người mẫu thật mất việc trong tương lai.n
Thần thái giống người thật |