Bệnh nhân tiểu đường dễ gặp vấn đề về mắt hơn, như: Các bệnh lý võng mạc đái tháo đường, đục thủy tinh thể, cườm nước… Đặc biệt, biến chứng mắt ở người bệnh tiểu đường thường diễn ra âm thầm nên dễ bị nhầm với tình trạng mờ mắt do tuổi tác.
Biến chứng ngắn và dài hạn về thị lực
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy, tỷ lệ mắc tiểu đường ở người Việt Nam trưởng thành ước tính là 7,1%. Con số này tương đương với khoảng gần 5 triệu người trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35%. Số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%.
Theo dự báo, số ca mắc tiểu đường ở Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.
“Tiểu đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia. Kết quả điều tra tại Việt Nam cho thấy, có hơn 55% bệnh nhân hiện mắc tiểu đường đã có biến chứng. Trong đó, 34% biến chứng về tim mạch; 39,5 biến chứng về mắt và thần kinh; 24% biến chứng về thận”, Thứ trưởng Liên Hương nhấn mạnh.
Theo Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, cách đây khoảng 20 năm, ở Hà Nội, tỷ lệ mắc tiểu đường là 1,4%. Con số này tại TPHCM là 2,5%. Kết quả điều tra năm 2012 cho thấy, tỷ lệ tiểu đường trên toàn quốc là 5,7% và hiện nay là 7%.
Người mắc bệnh tiểu đường thường xuất hiện biến chứng ngắn và dài hạn về thị lực. Độ mờ thay đổi theo thời gian, đến từ từ hoặc nhanh chóng tùy thuộc vào các nguyên nhân gây bệnh.
Theo ThS.BS Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, biến chứng mắt là một trong những biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh tiểu đường. Đây là hậu quả của những tổn thương do đường huyết tăng cao và diễn ra trong thời gian dài.
Khi đường huyết tăng cao, các mạch máu nhỏ tại mắt dễ bị tắc nghẽn hoặc vỡ trong lòng mắt, cùng với đó là sự thay đổi về lượng thủy dịch. Sự kết hợp này gây ra các vấn đề về mắt của người bệnh tiểu đường.
Biến chứng mắt có nhiều giai đoạn, nếu phát hiện và can thiệp sớm sẽ duy trì được tình trạng thị lực. Vì vậy, bất cứ ai cũng nên đi khám mắt định kỳ. Đối với người bệnh tiểu đường, để phòng ngừa biến chứng, cần duy trì khám định kỳ, 3, 6 tháng hay 1 năm tùy vào tình trạng bệnh lý.
ThS.BS Quỳnh Trâm chia sẻ, so với người bình thường, người mắc tiểu đường dễ gặp vấn đề về mắt hơn, như: Các bệnh lý võng mạc đái tháo đường, đục thủy tinh thể, cườm nước… Đặc biệt, biến chứng mắt ở người bệnh tiểu đường thường diễn ra âm thầm nên dễ bị nhầm lẫn với tình trạng mờ mắt do tuổi tác, nhất là ở những người mắc khi tuổi đã cao.
“Khi người bệnh xuất hiện tình trạng mờ mắt hay những biểu hiện liên quan đến tầm nhìn, thị lực thì đồng nghĩa với việc mắt đã rơi vào tình trạng biến chứng nặng. Nguy cơ mất hẳn thị lực rất dễ xảy ra”, ThS Trâm cảnh báo.
Dấu hiệu cảnh báo tiểu đường
Trong khi đó, theo ThS.BS Nguyễn Thị Ngọ, Bác sĩ Nội tổng quát - Nội tiết, Khoa Khám bệnh & Nội khoa (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec), nhìn mờ thường là một trong những dấu hiệu cảnh báo của bệnh tiểu đường.
Tầm nhìn có thể bị mờ vì chất lỏng đang rò rỉ vào ống kính của mắt. Điều này làm cho ống kính sưng lên và thay đổi hình dạng. Những thay đổi đó khiến mắt khó tập trung. Vì vậy, mọi thứ bắt đầu trông mờ nhạt.
Để điều chỉnh loại mờ mắt này, người bệnh cần đưa lượng đường trong máu trở lại phạm vi mục tiêu. Đối với nhiều người, đây có thể là từ 70 mg/dL đến 130 mg/dL trước bữa ăn và dưới 180 mg/dL một đến hai giờ sau khi bắt đầu bữa ăn.
Tuy nhiên, biến chứng mờ mắt cũng có thể là một triệu chứng của các vấn đề nghiêm trọng hơn về mắt. Nếu cảm thấy tầm nhìn bị hạn chế, mờ đi, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị nhanh chóng.
“Điều quan trọng là người bệnh tiểu đường phải thường xuyên kiểm tra cả sức khỏe lẫn khám mắt. Mắt nên được kiểm tra toàn diện bao gồm cả kích thước mắt khi cả giãn mở. Trong quá trình khám mắt, hãy đảm bảo cung cấp cho bác sĩ đầy đủ thông tin như: Các triệu chứng đang gặp phải về mắt, trao đổi với bác sĩ về lịch sử sức khoẻ của cá nhân và gia đình cũng như các loại thuốc đang sử dụng”, ThS Ngọc cho biết.
Theo bác sĩ Ngọc, mờ mắt có thể là một vấn đề nhỏ với cách khắc phục nhanh, chẳng hạn như thuốc nhỏ mắt hoặc đeo một chiếc mắt kính. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh mắt nghiêm trọng hoặc bệnh lý tiềm ẩn khác ngoài tiểu đường.
Trong nhiều trường hợp, điều trị sớm có thể khắc phục được tình trạng bệnh hoặc ngăn nó trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ, nếu lượng đường trong máu vượt ngoài tầm kiểm soát, bệnh nhân có thể được bác sĩ tư vấn cách kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân phải được xác định trước khi bác sĩ có thể đề xuất một kế hoạch điều trị.