Người mắc bệnh tiểu đường nên ăn gì trong dịp Tết?
Hoa quả
Trong dịp tết, những loại thực phẩm có chất béo sẽ xuất hiện thường xuyên hơn cả. Đối với bệnh nhân tiểu đường, hãy nhớ rằng đừng bị " cám dỗ " bởi những loại thực phẩm này. Cách tốt nhất là bổ sung cho cơ thể những loại trái cây tươi, ít ngọt như cam, táo, bưởi… hạn chế một số loại quá ngọt như xoài chín, sầu riêng…
Thực phẩm giàu chất xơ
Rau chính là thực phẩm rất tốt với người bị bệnh tiểu đường. Vì vậy trong các bữa ăn, bệnh nhân cần được ăn nhiều rau hơn, đặc biệt là các loại bông cải xanh, bí ngô, đậu, măng tây, cà rốt, hành tây... Lưu ý, cách chế biến tốt nhất cho người mắc bệnh là hấp, luộc, ăn sống…
Nhóm thực phẩm thịt, cá
Chế độ ăn uống ngày Tết cho người bị bệnh tiểu đường không thể thiếu thịt, cá. Tuy nhiên, những món ăn này cần được chế biến đơn giản bằng cách hấp, luộc… Đặc biệt, bệnh nhân chỉ nên ăn cá, thịt gia cầm loại bỏ da, thịt nạc…
Thực phẩm chứa chất béo không bão hòa
Những loại chất béo nên được ưu tiên sử dụng trong các bữa ăn của bệnh nhân tiểu đường thường là chất béo không bão hòa như vừng, mỡ cá, dầu đậu nành…
Với những loại thực phẩm trên, bệnh nhân tiểu đường vẫn có thể đón xuân một cách trọn vẹn mà không cần phải lo nghĩ quá nhiều về tình trạng bệnh của mình. Một chế độ ăn uống hợp lý với những loại thực phẩm tốt cho tình trạng bệnh chắc chắn là điều sẽ giúp bệnh nhân vui khỏe trong mùa tết này.
Người mắc bệnh tiểu đường nên kiêng gì trong dịp Tết?
Với bệnh nhân tiểu đường, để vừa tận hưởng trọn vẹn niềm vui quây quần bên bàn tiệc ngày xuân mà vẫn đảm bảo chỉ số đường huyết ở mức an toàn là điều không dễ dàng. Trong việc ăn uống, không ai có thể kiêng khem quá mức, đặc biệt là trong dịp Tết. Nhưng bạn có thể giảm bớt lượng đường nạp vào cơ thể bằng cách hạn chế ăn những thực phẩm dưới đây:
Thực phẩm chứa nhiều tinh bột
Trong dịp Tết này, người mắc bệnh tiểu đường nên tránh xa những thực phẩm chứa nhiều tinh bột như gạo trắng, các loại củ nướng, bột sắn dây, bánh mì.
Đặc biệt, bánh chưng, bánh tét là những món sử dụng nếp chứa rất nhiều tinh bột trong một miếng nhỏ. Nếu muốn ăn hãy xem bảng quy đổi để tránh việc ăn quá mức. Nên ăn ít hơn số lượng cho phép một chút. Những món như bún khô, bún tươi, bánh tráng được xem tương đương cơm.
Ngày Tết mọi người thường có thói quen ăn thịt, trứng cuốn bánh tráng với cả bún khô hoặc bún tươi. Khi tính toán khẩu phần ăn cần tính cả 2 món. Cụ thể 1 chén cơm tương đương 1 chén bún khô trụng, 1 chén cơm tương đương 14 cái bánh tráng loại nhỏ. Như vậy nếu bữa đó không ăn 1 chén cơm có thể đổi thành 7 cái bánh tráng cuốn với ½ chén bún kèm đồ ăn.
Thực phẩm chứa chất béo bão hòa
Bên cạnh đó, các loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa như mỡ động vật, nội tạng động vật (lòng lợn, lòng ngan lòng gà…), các loại thịt đỏ…người mắc bệnh tiểu đường cũng không nên ăn.
Lạp xưởng, giò thủ, chả lụa được xếp vào nhóm chất đạm. Một cây lạp xưởng tương đương 50g thịt nạc nhưng do lạp xưởng chứa lượng mỡ quá lớn và quá nhiều muối, không tốt cho người có bệnh đái tháo đường nên lượng ăn cho phép là không quá ½ cây. Giò thủ, chả lụa cũng vậy, số lượng ăn 1 lần nên khoảng 50-100g. Tất cả các món trên chỉ nên ăn 1-2 lần trong dịp Tết.
Đồ ngọt và chứa chất kích thích
Những món ăn quá ngọt như kem tươi, bánh kẹo, mứt… hay chất kích thích như bia, rượu, nước có ga… cũng cần được hạn chế tối đa trong dịp lễ tết. Vì nếu như ăn uống không đúng cách, lượng đường huyết có thể tăng nhanh vào dịp Tết này.
Thức ăn nhanh
Trong ngày Tết, người mắc bệnh tiều đường nên hạn chế sử dụng các thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn như : đồ hộp như xúc xích, mỳ gói.
Mẹo nhỏ giúp bữa ăn ngày Tết của người mắc bệnh tiểu đường an toàn và vui vẻ
Nên vận động nhẹ trước khi ăn uống
Hoạt động thể dục làm giảm lượng đường trong máu, khiến cho cơ thể tăng đốt cháy calori trong một khoảng thời gian ngắn sau đó. Mặt khác, vận động trước ăn phần nào giúp kiềm chế cảm giác thèm ăn do lưu lượng máu chuyển sự tập trung sang các phần cơ thể khác khiến cho ống tiêu hóa giảm nhu động.
Ăn nhẹ trước khi “ăn nhậu”
Một bữa ăn nhẹ trước khi "ăn nhậu" khoảng 1-2 giờ sẽ làm giảm cảm giác đói khi ngồi vào bàn tiệc. Nhờ đó có thể kiểm soát tốt hơn khẩu phần ăn của mình.
Chọn đồ uống phù hợp
Chọn nước lọc hay trà, cà phê không đường, nước uống có gas dành cho người giảm cân. Các thức uống khác như nước ngọt, trà đóng gói, nước ép trái cây, rượu đều có lượng đường nhất định.
Thức uống có cồn không uống quá 2 đơn vị mỗi ngày. Một đơn vị khoảng một cốc (150ml) rượu nhẹ như vang, rượu trái cây hay một cốc nhỏ (50ml) rượu mạnh hoặc một ly bia (350ml, nên chọn loại bia nhẹ). Các rượu mạnh không chứa cacbohydrate nên có thể ưu tiên lựa chọn. Tránh uống các thức uống pha như cocktail chẳng hạn.
Gia vị chấm có giấm
Các loại nước chấm pha giấm sẽ giúp điều hòa lượng đường huyết. Uống một muỗng canh giấm pha loãng sau mỗi bữa ăn được chứng minh có tác dụng giúp hạ đường huyết và điều chỉnh một số bệnh lý về chuyển hóa.
Với những chia sẻ về chế độ ăn uống ngày Tết cho người bị bệnh tiểu đường kể trên, hy vọng có thể giúp các bệnh nhân có được sự lựa chọn phù hợp nhất để bảo vệ sức khỏe của mình trong dịp tết này. Cuối cùng, chúc mọi người một năm mới an khang thịnh vượng và dồi dào sức khỏe!