Người không bao giờ trễ hẹn

GD&TĐ - Được kết nạp vào Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ lần này (24/12/2017), ngoài ba “nam thanh nữ tú” đều là sinh viên trẻ măng, còn có một “cây cao bóng cả”- đó là nhạc sĩ Dương Văn Thọ, tức Huy Thọ.

Người không bao giờ trễ hẹn

Nhạc sĩ Huy Thọ sinh năm 1949, là hội viên Hội Nhạc sĩ Thành phố Cần Thơ. Người ngưỡng mộ sáo trúc Huy Thọ gọi anh là “nghệ nhân”. Bởi ngoài chơi đàn ghi- ta, phổ nhạc, anh còn là một nghệ sĩ thổi sáo điêu luyện, làm ra cây sáo trúc có âm thanh chuẩn theo từng loại tông.

Sẵn niềm đam mê cộng với đôi tay khéo léo và biệt tài thẩm âm trời cho, nghệ nhân Huy Thọ đã chế tác những cây sáo trúc có tông do, tông si hoặc tông la… không khác gì thông số máy Korg (máy đo tần số âm thanh) của một tiến sĩ âm nhạc người Mỹ gởi tặng anh.

Nghe tôi hỏi “bí quyết” để làm một cây sáo trúc, anh không ngần ngại chia sẻ: “Điểm đặc biệt của cây sáo Huy Thọ là lấy mắt trúc tự nhiên làm nút chặn, vừa bền vừa mang tính thẩm mỹ. Tuy nhiên phải tính toán chính xác độ dài từ huyệt khẩu đến vách lõm mắt trúc tùy theo từng loại tông, để âm thanh đến huyệt phát âm được truyền cảm, không bị phô.

Còn nhiều yếu tố khác để làm ra cây sáo đạt chuẩn như phải chọn cây trúc già, đường kính lòng trong tròn đều, lóng trúc để khô tự nhiên từ sáu tháng đến một năm mới sử dụng”.

Anh Huy Thọ say sưa nói về cách làm sáo trúc bằng phương pháp thủ công. Để làm được một cây sáo trúc như ý, nghệ nhân Huy Thọ đã dồn hết niềm đam mê và tâm trí từ khâu gia công nguyên liệu đến khoét lỗ sáo, thẩm âm bằng đôi tai cực thính của mình thông qua tiếng đàn ghi ta đo âm chuẩn.

Công việc tỉ mỉ đòi hỏi nghệ nhân phải có tính cẩn thận, kiên trì. Những cây sáo trúc của nghệ nhân Huy Thọ làm ra được khách hàng trong và ngoài nước đặt mua, nhưng phần lớn anh để dành tặng bạn bè làm kỉ niệm.

Tiếng sáo của nghệ sĩ Huy Thọ không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên tiêu hàng năm ở TP Cần Thơ, sinh hoạt định kỳ của Hội Nhà văn, hay sinh hoạt các câu lạc bộ thơ ca, đội văn nghệ Người cao tuổi quận Ninh Kiều.

Nhà của nhạc sĩ Huy Thọ nằm sâu trong con hẻm liên tổ 1-2, đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, phường An Khánh. Gian phòng khách của anh chừng hai mươi mét vuông, vừa làm nơi thờ tự, vừa làm chỗ tiếp khách, sáng tác nhạc.

Đập vào mắt tôi là giấy khen của CLB Hội Nhà văn, Hội Người cao tuổi thành phố, các giải thưởng âm nhạc mà Huy Thọ đạt được và những túi vải đựng ống sáo được treo thành hàng gần kín bức vách.

Đáng kể nhất là giải Khuyến khích cuộc thi âm nhạc ĐBSCL, giải Nhì cuộc thi viết về Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Thành ủy TP Cần Thơ tổ chức năm 2007, giải Ba cuộc thi ca khúc viết về TP Long Xuyên năm 2009, giải Ba cuộc thi viết cho tuổi mới lớn do Sở Giáo dục và Đào tạo kết hợp Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức 2012… Hỏi nhạc sĩ Huy Thọ có tất cả bao nhiêu giấy khen? Anh cười hồn nhiên: “Không nhớ hết đâu. Hết chỗ treo rồi!”

Quả thật còn rất nhiều giấy khen được xếp ngay ngắn trên bàn giấy, kệ tủ. Giấy khen nhiều đến nỗi bà xã anh lén tháo ra cất bớt, “mượn cái khung” lồng hình gia đình vào treo khắp nhà.

Trên bàn làm việc của nhạc sĩ Huy Thọ không còn một chỗ trống, chất đầy tác phẩm âm nhạc, tập thơ của bạn bè gửi tặng, bài thơ phổ nhạc còn đang kí âm. Kéo ghế mời tôi ngồi, Huy Thọ khoe mới phổ nhạc xong bài thơ của một hội viên Hội nhà văn, rồi lấy đàn ghi ta ra say sưa biểu diễn.

Tuy gần bảy mươi tuổi rồi nhưng miếng đàn và chất giọng của nghệ sĩ Huy Thọ vẫn còn sung sức mượt mà. Có lẽ âm hưởng của tiếng sáo đã ngấm vào trong máu nên nhạc phẩm của anh mang đậm phong cách riêng, sử dụng nhiều luyến láy, nhất là phần nhạc dạo.

Ở đâu có bài thơ hay, đọc thấy giai điệu là anh Huy Thọ đem về phổ nhạc liền. Dù tuổi cao sức yếu, bệnh tật, nhưng nhạc sĩ Huy Thọ vẫn đam mê làm sáo, phổ nhạc,giao lưu với các hội văn học nghệ thuật.

Nhạc sĩ, nghệ nhân, hội viên nhà văn danh dự Huy Thọ rất trọng tình nghĩa, dễ xúc động trước những mảnh đời bất hạnh. Anh tham gia đều đặn công tác xã hội, vui vẻ hòa đồng với mọi người, trong gia đình còn là một người chồng có trách nhiệm, người cha mẫu mực, người ông yêu kính.

Anh Huy Thọ không hứa thì thôi, đã hứa là “như đinh đóng cột”. Bạn bè quí mến đặt cho anh biệt danh “Huy Thọ hồi đó”, “Đồng hồ sống” vì thói quen của anh hay dùng từ “hồi đó” mào đầu câu chuyện và không đời nào trễ hẹn.

Vào những ngày cuối tuần, bất kể trời mưa hay nắng, Huy Thọ lại chạy chiếc xe máy “đời cô Lựu” đến Câu lạc bộ Người cao tuổi quận Ninh Kiều dạy nhạc, dạy ca hát. Học trò của nhạc sĩ Huy Thọ là những cô chú trong đội văn nghệ Người cao tuổi của quận.

Hơn mười năm trời “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đã không làm cho nhạc sĩ Huy Thọ nản chí, trái lại anh còn tìm được nguồn vui, hạnh phúc từ những cống hiến thầm lặng cho quê nhà đúng với niềm đam mê, sở trường của mình.

Trong buổi lễ tổng kết công tác Hội Người cao tuổi quận Ninh Kiều năm 2017, nhạc sĩ Huy Thọ được Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng Kỉ niệm chương “vì sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi Việt Nam”. Đón nhận phần thưởng cao quí từ thường trực quận ủy, ánh mắt nhạc sĩ Huy Thọ ánh lên niềm tự hào, dâng tràn hạnh phúc.

Năm 2017 là năm nhạc sĩ Huy Thọ gặt hái được nhiều thành công, vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn, vừa được Hội Âm nhạc xét duyệt hổ trợ in hợp tuyển ca khúc “Nhớ một vầng trăng”, với sáu mươi nhạc phẩm chọn lọc sẽ ra mắt vào đầu năm 2018.

Để có được thành quả đó là nhờ vào tài năng thực thụ của người nghệ sĩ, là cả một quá trình phấn đấu sáng tạo nghệ thuật không ngừng, đóng góp một phần công sức gìn giữ nhạc cụ truyền thống dân tộc và sự khởi sắc của Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Cần Thơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ