Ngay lập tức bài báo của tác giả N.V.L đã thu hút được sự quan tâm của công chúng. Từ ngày 25?5/1987 đến ngày 28/9/1990 đã có 27 bài báo nhan đề “Những việc cần làm ngay”, ký tên N.V.L đăng trên báo Nhân Dân.
Cái tên N.V.L dần trở nên quen thuộc đối với bạn đọc và “Những việc cần làm ngay” trở thành một chuyên mục trên báo Nhân Dân được nhân dân ưa thích và tìm đọc.
Vấn đề hàng đầu được “Những việc cần làm ngay” đề cập là chống tiêu cực. Trong những bài viết của mình, tác giả N.V.L phê phán các hành vi quan liêu, vô trách nhiệm, lãng phí, hách dịch, tham nhũng, ức hiếp quần chúng, lợi dụng hộ chiếu ngoại giao để buôn lậu... của một số cán bộ có chức có quyền; phê phán việc ngăn sông cấm chợ, phê phán cơ chế bất hợp lý gây ra những ách tắc trong sản xuất và phân phối lưu thông.
Qua “Những việc cần làm ngay”, tác giả N.V.L muốn giúp cho quần chúng biết và biết cách đấu tranh với những điều không đúng, với những kẻ làm không đúng, gây oan ức cho nhiều người, coi đây là dịp để phát huy quyền dân chủ, quyền công dân của quần chúng.
Những việc cần làm ngay và phong trào hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phá tan “sự im lặng đáng sợ” của những người có chức có quyền, của những cơ quan có trách nhiệm về các vụ việc tiêu cực, tạo bầu không khí công khai, cởi mở, dân chủ trong xã hội, góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội.
Những vụ việc tác giả N.V.L nêu lên đều yêu cầu đích danh các cơ quan có trách nhiệm, các cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết triệt để và trả lời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Khi đề cập đến vai trò gương mẫu của người cán bộ đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, trong “Những việc cần làm ngay”, đồng chí Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: “Muốn tiết kiệm, chống xa hoa lãng phí thì cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu làm trước. Xe lửa có đầu tàu. Tàu chuyển động chạy sẽ kéo các toa cùng chạy theo. Đầu tàu cứ kéo còi, xịt khói mà nằm im, làm sao các toa nhích nhích được!”.
Với bút danh N.V.L (Nói và làm), đồng chí Nguyễn Văn Linh mong muốn mặt trận chống tiêu cực có sự tham gia hưởng ứng của các phương tiện thông tin đại chúng cùng với đông đảo nhân dân bởi vì “Một N.V.L hay vài N.V.L không thể biết hết mọi việc, nói hết mọi việc và làm hết mọi việc. Chỉ có sự nhất trí hành động của toàn Đảng, toàn dân mới có thể tạo nên chuyển biến thật sự cho đất nước”. Đây là điều quan trọng để chống tiêu cực thắng lợi, để đổi mới thành công.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng sớm chỉ ra căn bệnh hình thức trong đấu tranh phê bình, tự phê bình: “Tính Đảng, tính nguyên tắc, tình thương yêu đồng chí đã bị thay thế bằng tính nể nang, thiếu thẳng thắn đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ việc đúng, người tốt”.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không chỉ đôn đốc việc tự phê bình và phê bình từ dưới lên mà cả từ trên xuống: “Nhà dột từ nóc, không sửa lại mái nhà thì khi mưa, nước từ nóc đổ xuống, quét mãi cũng không hết được. Phải quét nước, nhưng đồng thời phải chống dột. Không chống dột ở nóc mà cứ quét mãi, quét đến chừng nào mới xong?”.
Đồng chí đã tổ chức việc kiểm điểm cá nhân từ Tổng Bí thư đến từng Ủy viên Bộ Chính trị, không chỉ trong công tác lãnh đạo mà cả trong ý thức tổ chức kỷ luật và đạo đức, lối sống. Việc làm đó có ý nghĩa rất lớn trong Đảng, được toàn Đảng, toàn dân hoan nghênh.
Đi cùng với xây, phải tích cực chống những mầm bệnh, những ung nhọt (chữ dùng của đồng chí Nguyễn Văn Linh) có thể ngăn trở, phá hoại công cuộc đổi mới, làm cho Đảng xa dân, dân không tin Đảng.
Để giữ vững vai trò lãnh đạo của mình, để lấy lại uy tín và lòng tin trong nhân dân, Đảng phải khắc phục được tình trạng trì trệ cả trong tư duy và hành động, phải có những cơ chế hữu hiệu để ngăn chặn được những biểu hiện tiêu cực, phải loại bỏ được những cán bộ, đảng viên đã thoái hóa, biến chất đang là những con sâu đục khoét tài sản chung.
Biện pháp hữu hiệu để loại bỏ những con sâu như vậy là: Đảng cần tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi việc thực hiện những đường lối chính sách của mình ở tất cả các cấp, các ngành để kịp thời uốn nắn những lệch lạc, xử lý những sai phạm một cách nghiêm minh.
Đồng thời Đảng phải tập trung đầu tư công sức đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, kiểm tra và giám sát để có một đội ngũ cán bộ tốt thực hiện công cuộc Đổi mới cùng với việc chuẩn bị tốt lực lượng kế cận...
Những điều này hoàn toàn tương đồng với tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đang được tích cực thực hiện.
(Lược trích từ bài viết “Nhớ đồng chí Nguyễn Văn Linh - nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo và gần gũi” của Tiến sĩ Ngô Vương Anh)