Tính đến nay, chùa Vĩnh Phước đã vận động và đội xây cầu của chùa Vĩnh Phước đã xây dựng được trên 50 cây cầu trị giá hàng chục tỉ đồng; xây 4 căn nhà tình thương, làm hơn 5 km lộ giao thông nông thôn, phát hàng ngàn phần quà cho học sinh nghèo ở vùng sâu mỗi dịp khánh thành cầu…Trong đó, phải kể tới công lao của Đại đức Thích Định Hương, Phó Ban trị sự Giáo hội phật giáo huyện Thạnh Trị, trụ trì chùa Vĩnh Phước…
Là trụ trì ngôi chùa ở vùng nông thôn Thạnh Tân, đại đức Thích Định Hương luôn thực hiện tốt vai trò phát huy khối đại đoàn kết trong vận động tăng, ni và nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia vào nhiệm vụ chung của địa phương. Đồng thời, luôn thực hiện đúng giáo lý của đạo Phật “sống tốt đời, đẹp đạo” và tinh thần nhân đạo của dân tộc “thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách”.
Đại đức Thích Định Hương đã vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo như phát quà cho hộ nghèo, xây nhà tình thương, xây cầu, làm lộ giao thông nông thôn, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó và nhiều hoạt động từ thiện khác.
Các lão nông miệt mài |
Trò chuyện cùng tôi, Đại đức Thích Định Hương cho biết: “Năm 2013 tôi về chùa Vĩnh Phước. Lúc đó, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn ở địa phương còn nhiều thiếu thốn, đi lại khó khăn, đường chủ yếu là đường đất, kênh rạch nhiều nhưng thiếu cầu kiên cố, chủ yếu là cầu khỉ, cầu bằng cây gỗ tạp…Chính vì thế, Hòa thượng Thích Quảng Niệm và tôi đã khởi tâm từ muốn nối kết nhân duyên để xây dựng một chiếc cầu phục vụ cho đồng bào di chuyển thuận tiện.
Từ ý niệm ban đầu đó, lại được sự phát tâm ủng hộ của tín đồ Phật tử cùng sự trợ giúp nhân lực từ những người trong địa phương, chúng tôi tiến hành xây dựng cầu Quảng Niệm ở ấp 21 với tổng kinh phí xây dựng trên 50 triệu đồng. Từ đó đến nay, chùa đã xây dựng xong 50 cây cầu cho bà con và sẽ xây thêm nhiều cây cầu nữa”.
Ông Nguyễn Văn Khuyến, người dân ở ấp 21 cho biết: “Ngày khánh thành cầu Quảng Niệm bà con ở đây vui như hội vì có thêm một cây cầu đi lại thuận tiện, không còn cảnh chới với khi qua cầu cây, cầu khỉ như trước. Cũng dịp khánh thành cầu, Đại đức Thích Định Hương cũng đã phát học bổng cho 20 em học sinh nghèo học giỏi tại địa phương, mỗi em được nhận 200 ngàn đồng và 10 cuốn tập”.
Từ khi cây cầu đầu tiên được xây dựng trên địa bàn vùng sâu xã Thạnh Tân, bà con nơi đây vô cùng phấn khởi, tự nguyện tham gia góp sức người, sức của để đại đức Thích Định Hương có điều kiện xây dựng thêm những cây cầu mới ở trong và ngoài xã. Sau đó có nhiều nhà hảo tâm, trong ngoài huyện, cả ngoài tỉnh tìm đến đóng góp chút lòng thiện nguyện vì cuộc sống cộng đồng.
Đưa cho chúng tôi xem danh sách những cây cầu do nhà chùa vận động và đội xây dựng thiện nguyện của chùa thi công, Đại đức Thích Định Hương cho biết thêm: “Từ khi cây cầu đầu tiên được xây dựng xong, nhà chùa luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các nhà hảo tâm, của phật tử khắp nơi gửi về với mong muốn giúp nhà chùa xây thêm nhiều cây cầu cho bà con nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không chỉ ở xã Thạnh Tân mà còn của các địa phương trong huyện Thạnh Trị cũng như trong tỉnh Sóc Trăng nữa. Ngoài xây cầu ở các xã của huyện Thạnh Trị, chúng tôi còn kết nối để xây cầu ở các địa phương như Thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú, huyện Mỹ Xuyên”.
Nói về công việc xây cầu của nhóm mình, ông Phạm Văn Triệu (60 tuổi) vui vẻ cho biết: “Chúng tôi là nông dân ở địa phương, khi biết Thầy (Đại đức Thích Định Hương-PV) khởi xướng xây dựng cầu, bà con ai cũng vui, cũng mừng vì có thêm nhiều cây cầu để đi lại. Vì thế anh em chúng tôi tự nguyện tham gia xây dựng cầu với nhà chùa, cứ thế đến nay đội xây cầu chúng tôi có 13 anh em. Được xây cầu ai cũng vui, ráng làm hết sức mình cho cầu vừa nhanh hoàn thành, vừa đảm bảo chất lượng sử dụng lâu dài. Có nhiều cây cầu như thế, công đầu tiên là phải kể tới Thầy Thích Định Hương và các nhà hảo tâm, bà con phật tử gần xa”.
Nói về công việc xây dựng cầu, Đại đức Thích Định Hương cho biết: “Bà con có nhu cầu xây dựng cầu gửi đơn có xác nhận của UBND xã cho nhà chùa, chúng tôi sẽ đi thực tế khảo sát, đo đạc, tính toán kinh phí xây dựng cầu một cách chi tiết. Sauk hi hoàn thành công việc này, bản thân tôi mởi kết nối với các nhà tài trợ của mình, nói rõ thông tin về cầu và đề nghị nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí cho việc mua cát, đá, xi măng, sắt thép phục vụ cho xây cầu.
Khi có tiền là tiến hành xây dựng ngay. Việc thi công xây dựng do đội xây dựng của chùa đảm trách, có sự hỗ trợ của bà con cùng chính quyền địa phương nơi xây dựng cầu về cây, ván cũng như ăn uống trong những ngày thi công. Đội xây cầu của chùa toàn là nông dân có độ tuổi trên dưới 50-60 nhưng nhiệt tình lắm”.
Theo tính toán của Đại đức Thích Định Hương, những cây cầu do đội xây dựng chùa Vĩnh Phước thi công đều có chiều rộng từ 2m, cứ mỗi mét chiều rộng đó kinh phí hết 3 triệu đồng/mét. Bình quân mỗi cây cầu có giá trị xây dựng 75 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Sáu (66 tuổi), người lớn tuổi nhất của đội xây cầu chùa Vĩnh Phước nói: “Chúng tôi theo Thầy đi xây cầu để góp một chút công sức của mình vào công cuộc xây dựng quê hương, cho bà con, cho các cháu học sinh có cầu đi lại dễ dàng, không phải hồi hộp như khi qua cầu tre lắt lẻo như trước nữa. Vì vậy anh em trong đội ai cũng vui, cũng động viên nhau ráng làm hết mình cho cầu sớm hoàn thành”.
Được biết, không chỉ xây cầu, chùa Vĩnh Phước còn có nhiều hoạt động an sinh xã hội khác như đóng hàng chục cây nước trị giá hàng trăm triệu đồng cho người dân ở các huyện Thạnh Trị, Mỹ Xuyên và Cù Lao Dung (của tỉnh Sóc Trăng; cấp hàng trăm phần quà cho người nghèo ở địa phương vào dịp tết nguyên đán, lễ Vu lan; phát quà cho học sinh nghèo vào mỗi dịp khánh thành cầu và trong năm học,…