Người kể chuyện ở 'túi đạn, hố bom' giữa thời bình

GD&TĐ - Những ngày tháng 7, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đón tiếp trên 3.000 lượt khách thập phương đến viếng thăm mỗi ngày.

Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Với chất giọng địa phương đặc sệt nhưng truyền cảm, những thuyết minh viên đã truyền tải nguyên vẹn nội dung và cảm xúc của khúc tráng ca Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đến với khách tham quan. Họ tự nhận mình là nhịp cầu kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai nơi “túi đạn, hố bom”.

Kể chuyện lịch sử bằng trái tim

“…Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc/Ðất sâu bao nhiêu bọn anh không cần biết/Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng/Cúc ơi! Em ở đâu?/Ðất nâu lạnh lắm/Da em thì xanh/Áo em thì mỏng/Cúc ơi! Em ở đâu?...” - bằng chất giọng địa phương đôi lúc như nghẹn lại, thuyết minh viên Đào Anh Tuân (Phó Trưởng ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc) mở đầu bài giới thiệu của mình với đoàn du khách bên cạnh hố bom, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh.

Người đứng xung quanh anh ngày càng đông với đủ lứa tuổi. Chúng tôi cũng hòa vào nhóm du khách, lắng nghe những câu chuyện lịch sử được tái hiện qua từng lời kể. Và cứ thế, câu chuyện của anh đưa đoàn du khách đến với từng điểm tham quan tại Khu di tích đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc).

Thuyết minh viên Đào Anh Tuân – Phó Trưởng BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Thuyết minh viên Đào Anh Tuân – Phó Trưởng BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Nhiều cặp mắt thoáng chốc đỏ hoe, những chiếc khăn tay lặng lẽ đưa lên nhưng không ngăn nổi những giọt nước mắt xúc động. 23 năm qua, những câu chuyện đã được kể cho hàng ngàn đoàn khách nhưng lần nào trong anh vẫn rưng rưng vẹn nguyên cảm xúc.

Những ngày tháng 7, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đón tiếp trên 3.000 lượt khách thập phương đến viếng thăm mỗi ngày. Các cán bộ nhân viên đặc biệt là 10 thuyết minh viên ở khu di tích luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Không có ngày nghỉ, bất kể nắng mưa, mỗi ngày các cán bộ thuyết minh của Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc đều có mặt từ sáng sớm cho đến khi những đoàn khách cuối cùng trong ngày ra về.

“Được làm việc, cống hiến ở Ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi luôn thấy đó là niềm vinh dự, tự hào, là trách nhiệm của thế hệ thanh niên giữa thời bình. Cũng bởi vậy, ở Ngã ba Đồng Lộc, có những con người đã gắn bó gần như cả cuộc đời, tuổi thanh xuân của mình với mảnh đất này”, anh Phan Công Lệ (Trưởng phòng thuyết minh viên, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc) chia sẻ. Năm nay, bản thân anh cũng tròn 20 năm gắn bó với công việc này.

Nhớ lại những ngày đầu về công tác, anh Lệ cho biết, phần lớn các thuyết minh viên là người Hà Tĩnh nhưng ở nhiều huyện thị khác nhau. Người ở gần thì cũng 3 - 5km, nhưng cũng có những người mỗi ngày cả đi lẫn về đến hơn 50km. Đường sá xa xôi, thời tiết miền Trung khắc nghiệt, nhưng họ vẫn cần mẫn với công việc của “người kể chuyện” tại Ngã ba Đồng Lộc.

Làm hướng dẫn viên ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc khá vất vả bởi đặc thù địa hình khu di tích. Khu di tích có diện tích hơn 5.000m2 với nhiều công trình ý nghĩa như: Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc, khu mộ 10 nữ thanh niên xung phong, đồi La Thị Tám, hố bom, nhà truyền thống Ngã ba Đồng Lộc, tháp chuông… ngoài địa hình bằng phẳng, các thuyết minh viên cũng mỏi gối khi theo các du khách đến những khu vực có địa hình dốc, nhiều bậc thang.

Đang trong đợt cao điểm, trung bình mỗi ngày các thuyết minh viên tiếp từ 5 - 7 đoàn. Dù đôi chân phồng rộp, giọng nói khản đi nhưng tuyệt nhiên không ai xin nghỉ vào thời điểm này. Trong bộ quần áo xanh, đôi dép cao su, chiếc mũ tai bèo, họ chính là biểu tượng cho tinh thần của lực lượng thanh niên xung phong giữa thời bình.

Những ngày tháng 7, khu di tích đón khoảng 3.000 lượt du khách viếng thăm mỗi ngày.

Những ngày tháng 7, khu di tích đón khoảng 3.000 lượt du khách viếng thăm mỗi ngày.

Luôn làm mới bản thân

Không chỉ biết rõ thông tin từng hiện vật, địa điểm… những thuyết minh viên còn tường tận mỗi câu chuyện phía sau. Đến khu vực trưng bày các hiện vật của 10 nữ thanh niên xung phong, thuyết minh viên Vương Thị Thương xúc động chỉ vào 1 chiếc xoong móp méo.

“Đây là kỷ vật ít ỏi được đồng đội tìm thấy trong ngày các chị hy sinh. Chiều 24/7/1968, khi đang chuẩn bị cơm chiều các chị nhận lệnh đi san hố bom thông đường cho xe ra tiền tuyến. Thế nhưng trận bom vào hầm trú ẩn đã khiến 10 chị hy sinh cùng một lúc. Người trẻ nhất cũng vừa 17 tuổi. Cơm chiều chưa ăn, nồi cá vẫn còn kho dở…”, giọng chị bùi ngùi.

Cứ như vậy men theo hàng trăm hiện vật được trưng bày tại khu vực bảo tàng, cô thuyết minh viên đã khéo léo đưa du khách đi qua mỗi thời điểm lịch sử tại Ngã ba Đồng Lộc.

Điều đặc biệt, ít ai biết rằng, cha ruột cô thuyết minh viên cũng là một phần của lịch sử nơi đây. Chị Thương là con gái của anh hùng phá bom Vương Đình Nhỏ - ông đã phá 1.899 quả bom các loại tại Ngã ba Đồng Lộc chỉ với những dụng cụ tự chế thô sơ. Hiện tại, bảo tàng vẫn còn trưng bày về dụng cụ phá bom của ông.

Thuyết minh viên Vương Thị Thương – con gái anh hùng phá bom Vương Đình Nhỏ.

Thuyết minh viên Vương Thị Thương – con gái anh hùng phá bom Vương Đình Nhỏ.

Đa số các hướng dẫn viên tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc đều “tay ngang”, tự phát. Với chút năng khiếu về kể chuyện cùng chất giọng diễn cảm, nghề thuyết minh viên tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được bắt đầu như vậy. Nhưng với trách nhiệm của thế hệ trẻ, những thuyết minh viên tại đây đã không ngừng trau dồi, tự đào tạo, làm mới mình từng ngày.

Hướng dẫn viên Trần Thúy Hoàn cho biết: Nếu không tự làm mới cách thức truyền đạt, học hỏi thêm thông tin đáp ứng nhu cầu của khách tham quan thì sẽ rất nhanh… chán nghề. Cái gì cũng cần sự học hỏi, đổi mới để tiến kịp với thời đại, làm hướng dẫn viên cũng vậy. Trăn trở để làm tốt hơn nữa công việc của mình tại khu di tích chính là nhiệm vụ của một người “kể sử”.

Họ không chỉ nắm tốt kiến thức, mà còn rèn luyện âm sắc giọng nói, cách thức truyền tải câu chuyện sao cho mới mẻ và hấp dẫn người nghe. Theo anh Đào Anh Tuân, cùng với năng khiếu, người thuyết minh trước hết phải có tâm, có ngọn lửa trong trái tim, phải làm sao thời hoa lửa của các anh, các chị phải rực sáng lên qua giọng nói của mình.

“Không thể đối tượng nào cũng nói như nhau, ví dụ với học sinh, sinh viên, phải giới thiệu kỹ, cung cấp cho các em nhiều thông tin nhằm tái hiện được đời sống trong chiến tranh giành độc lập của cha anh. Từ đó, góp phần hun đúc trong thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước, lòng biết ơn, ý thức, trách nhiệm bản thân mình đối với Tổ quốc…”, anh Đào Anh Tuân bộc bạch.

Để làm được điều này, thuyết minh viên luôn uốn nắn từng câu chữ, không để sai sót dù là chi tiết nhỏ nhất. Ngoài tìm hiểu thông tin lịch sử qua báo đài, thuyết minh viên còn gặp gỡ các nhân chứng lịch sử để góp nhặt những câu chuyện nhằm tái hiện chân thực nhất những năm tháng ác liệt nhưng đầy hào hùng của quân và dân tại Ngã ba Đồng Lộc.

Anh Phan Công Lệ có 20 năm thâm niên gắn bó với nghề thuyết minh viên tại Ngã ba Đồng Lộc.

Anh Phan Công Lệ có 20 năm thâm niên gắn bó với nghề thuyết minh viên tại Ngã ba Đồng Lộc.

Món quà vô giá

Những vết thương của một thời bom đạn đã dần lành lặn trên mỗi thân đất, thân người nhưng huyền thoại về 10 cô gái thanh niên xung phong, về những người lính đã chiến đấu trên chiến trường Đồng Lộc đã trở thành những bông hoa bất tử trong lòng muôn triệu người dân Việt.

Mỗi năm có hàng triệu lượt du khách viếng thăm tại khu di tích. Nhiều người sau đó quay lại vài lần và cũng có những người chỉ đến một lần nhưng đã để lại ấn tượng khó phai mờ trong ký ức của các thuyết minh viên ở đây.

Một điều đặc biệt, dù đón tiếp đoàn khách miền Bắc, miền Nam hay miền Trung, các thuyết minh viên vẫn giữ nguyên giọng nói “nằng nặng” đặc trưng Hà Tĩnh. Từng câu, từng chữ, dưới chất giọng mang âm hưởng quê hương đưa đến cho người nghe cảm xúc về sự chân chất, mộc mạc mà sâu nặng nghĩa tình của những con người sông La.

Em Nguyễn Linh Trang (học sinh Trường THPT Quỳ Châu, Nghệ An) chia sẻ: “Mỗi câu chuyện qua lời kể của các anh chị luôn khiến em bồi hồi xúc động. Em rất cảm ơn các thuyết minh viên đã giúp chúng em phần nào hình dung được không khí lịch sử đầy hào hùng của thế hệ đi trước. Chuyến hành hương về nguồn lần này là dịp em nhìn nhận lại bản thân, tự hứa sẽ nỗ lực quyết tâm hơn trong học tập để trở thành công dân có ích”.

Trong 20 năm gắn bó với nghề, anh Phan Công Lệ vẫn nhớ như in lần làm thuyết minh viên cho đoàn cựu chiến binh tỉnh Bình Dương cách đây 7 năm. Anh kể, đó là vào khoảng tháng 4, anh được Ban Quản lý phân công làm thuyết minh viên cho đoàn.

Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc có 10 người đang làm thuyết minh viên tại đây.

Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc có 10 người đang làm thuyết minh viên tại đây.

Qua tìm hiểu, anh được biết các bác đều là những người lính từng vào sinh ra tử, có những người kinh qua nhiều chiến trường ác liệt. Nhưng khi tới đây, mọi người đều rưng rưng nước mắt. Sự xúc động ấy khiến bản thân anh nhiều lần phải ngừng lại để cân bằng cảm xúc của mình.

Hay mỗi lần thuyết minh cho học sinh cũng để lại trong anh những cảm xúc bồi hồi. “Mỗi câu chuyện kể đều được các em nghe rất say sưa, nhất là học sinh tiểu học. Dù đã kết thúc phần thuyết minh, các em vẫn cố chạy theo để hỏi thêm các thông tin. Mỗi lần như thế, tôi lại nán lại, bằng nhiều cách kiên trì giải thích để các em hiểu thêm về lịch sử”, anh Lệ nói.

Bên cạnh vô vàn câu chuyện xúc động về các đoàn khách hành hương Ngã ba huyền thoại, những người làm công tác thuyết minh ở đây còn rất cảm kích trước tấm lòng của du khách muôn phương. Đã có hàng trăm bài thơ, hàng nghìn bức thư được du khách gửi đến Ban Quản lý khu di tích, ca ngợi công việc của những thuyết minh viên thầm lặng.

Một bức cách đây 10 năm từ một bạn sinh viên đã được anh Đào Anh Tuân nằm lòng. Trong thư viết: “Thường người ta dùng cưa, đục để làm nên bức tượng thì ở đây các anh đã dùng lời nói, cử chỉ, hành động để tạo nên bức tượng vô hình. Bức tượng đó sẽ hằn sâu vào trái tim của mỗi thanh niên để chúng em lấy đó làm điểm tựa, niềm tin, từ đó ra sức học tập, xây dựng đất nước”.

Với anh Tuân và đội ngũ thuyết minh viên, mỗi một lời động viên, lời khen của những du khách là những món quà tinh thần vô giá. Những tình cảm đó tiếp thêm động lực cho các thuyết minh viên không ngừng trau dồi nghề nghiệp, góp phần quảng bá hình ảnh Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đến khách muôn phương.

Anh Phan Công Lệ cho biết: Thuyết minh viên không đơn thuần chỉ là truyền đạt thông tin đến mà phải kể chuyện bằng trái tim. Dù làm việc 5 năm hoặc có kinh nghiệm gần 20 năm nhưng mỗi ngày chúng tôi vẫn luôn cố gắng trau dồi kiến thức, cố gắng “thổi hồn vào lịch sử” để những câu chuyện lịch sử khô khan trở nên sống động, chạm đến trái tim mỗi một du khách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ