Theo một đạo luật mang tính bước ngoặt có hiệu lực vào ngày 1/12, những người hành nghề mại dâm ở Bỉ hiện được hưởng hợp đồng lao động chính thức, bao gồm chế độ nghỉ ốm và nghỉ thai sản.
Theo luật mà các nhà lập pháp Bỉ thông qua vào tháng 5, những người hành nghề mại dâm ký hợp đồng như vậy cũng được hưởng nhiều quyền lợi và chế độ bảo vệ khác thường áp dụng cho những người lao động làm việc trong các ngành khác, chẳng hạn như bảo hiểm y tế và trợ cấp thất nghiệp.
Daan Bauwens, Giám đốc Liên đoàn Lao động Tình dục Bỉ, nói với CNN: "Đây là lần đầu tiên trên thế giới theo nghĩa đây là khuôn khổ pháp lý toàn diện đầu tiên trao cho người hành nghề mại dâm quyền bình đẳng với những người lao động khác và bảo vệ họ khỏi những rủi ro vốn có trong công việc".
Theo ông Quentin Deltour, Giám đốc quan hệ công chúng tại Espace P, một nhóm đấu tranh cho quyền của người hành nghề mại dâm tại Bỉ, đơn vị đã giúp soạn thảo luật, những người hành nghề mại dâm ký hợp đồng lao động chính thức hiện được hưởng "mọi loại bảo vệ xã hội" như phần lớn người lao động tại Bỉ.
Theo luật, người hành nghề mại dâm cũng có quyền từ chối cung cấp dịch vụ cho khách hàng hoặc thực hiện một hành vi tình dục cụ thể và có quyền dừng mọi hoạt động bất cứ lúc nào.
Luật mới yêu cầu những người sử dụng lao động mại dâm phải xin giấy phép từ chính phủ, ông Deltour cho hay. Giấy phép chỉ được cấp nếu người sử dụng lao động tương lai đáp ứng một số tiêu chí nhất định, bao gồm không có tiền án về tội hiếp dâm hoặc buôn người.
Luật này cũng áp đặt nghĩa vụ cho chủ lao động của gái mại dâm, yêu cầu họ phải cung cấp bao cao su, khăn trải giường sạch và nút báo động khẩn cấp trong phòng của người lao động, cùng nhiều nhiệm vụ khác.
Ông Deltour cho biết trước đây, nhiều gái mại dâm đã ký hợp đồng với chủ lao động hoặc ma cô, nhưng những giấy tờ này “không có giá trị gì” vì nghề ma cô là bất hợp pháp.
Những hợp đồng này có giá trị pháp lý như những hợp đồng tạo điều kiện cho việc cung cấp ma túy bất hợp pháp, ông giải thích. Nếu một người ký hợp đồng đồng ý cung cấp "một kg cocaine mỗi tuần" và không thực hiện, họ không thể bị phạt về mặt pháp lý vì vi phạm hợp đồng đó. Deltour cho biết "Thẩm phán sẽ nói, 'Không, hợp đồng này không có giá trị'".
Những người hành nghề mại dâm trên toàn thế giới phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử, bạo lực và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.
Trong khi một số ít quốc gia đã hợp pháp hóa hoạt động mại dâm - chẳng hạn như Đức và Hà Lan - thì ở phần lớn các quốc gia khác, việc mua hoặc bán dâm, hoặc cả hai, vẫn là bất hợp pháp.
Đạo luật mới ở Bỉ được ban hành 2 năm sau khi nước này hợp pháp hóa hoạt động mại dâm và bãi bỏ các luật cấm bên thứ ba, chẳng hạn như chủ nhà và kế toán, cung cấp dịch vụ cho người hành nghề mại dâm.
Theo Liên đoàn Công nhân tình dục Bỉ, những luật trước đó khiến người hành nghề "không thể thực hiện công việc theo cách bình thường và an toàn".
"Những người sử dụng lao động cũng bị coi là tội phạm, khiến việc làm việc hợp pháp trong nhà thổ trở nên bất khả thi" - người đại diện Liên đoàn nhận định.
Bà Erin Kilbride, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ bình luận rằng việc phi hình sự hóa ở Bỉ “đã xóa bỏ mọi hình phạt hình sự đối với người mua hoặc người bán” tình dục. Đó là một bước quan trọng trong việc bảo vệ những người hành nghề mại dâm khỏi bạo lực, chẳng hạn, nhưng không cho họ quyền tiếp cận an sinh xã hội.
“Phi hình sự hóa đưa bạn đến một điểm mà bạn được phép sống trên mặt đất mà không sợ phải vào tù, nhưng đó là một rào cản thấp. Những người hành nghề mại dâm xứng đáng được hưởng các quyền và tự do giống như tất cả những người lao động khác, và luật này là luật đầu tiên trên thế giới đưa chúng ta theo hướng đó" - bà nói.
Tuy nhiên, luật mới không bao gồm tất cả các loại người hành nghề mại dâm. Ví dụ, luật này không bao gồm những người làm việc độc lập, trực tuyến hoặc trong các bộ phim khiêu dâm.
Ông Quentin Deltour, Giám đốc quan hệ công chúng tại Espace P cho rằng đây là một điểm yếu nhưng dù sao đạo luật cũng là bước đầu tiên.
"Cánh cửa đã mở, chúng ta đã vào trong và bây giờ chúng ta sẽ đấu tranh cho quyền lợi của những người khác" - ông Deltour chia sẻ.