Người giữ hồn đào Mẫu Sơn (kỳ 1): Nỗi lòng người giữ hồn đào khỏi "tuyệt chủng"

GD&TĐ - Những ngày đầu năm, trên các đỉnh núi của xã Công Sơn – huyện Cao Lộc - tỉnh Lạng Sơn được khoác lên mình một màu áo mới báo hiệu mùa xuân ấm áp đã về, xua đi những lạnh giá của miền sơn cước.

Hoa đào biểu tượng tâm linh của người xứ Lạng

Cách thành phố Lạng Sơn khoảng 40km, men theo các con đường núi ta sẽ bắt gặp những dãy đào đang đua nhau khoe sắc. Theo như lời kể của người dân nơi đây, hoa đào xứ Lạng không chỉ biểu tượng cho mùa xuân ấm áp, xua đi lạnh giá của miền sơn cước mà hoa đào còn xua đuổi tà ma. Bởi vậy, cứ đến mùa hoa nở họ ví cây đào như những nàng tiên nữ hạ trần.

Những vườn đào Mẫu Sơn còn sót lại. Ảnh Lăng Huy.
Những vườn đào Mẫu Sơn còn sót lại. Ảnh Lăng Huy.

Khác với các giống đào vùng xuôi, đào Mẫu Sơn trồng ở độ cao 600m so với mực nước biển. Đào mọc tự nhiên ở bên khe, suối nơi có nguồn nước quanh năm, đất giàu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, khi thấy được giá trị kinh tế của đào, người dân đã quyết định đưa đào từ khe, suối về trồng trên các lưng núi và vườn. Cũng từ đó, các ngọn đồi trọc ở xã Công Sơn được phủ một màu xanh của đào.

Theo lời kể của ông Triệu Sáng Suẩn người dân xã Công Sơn, ngay từ lúc còn bé ông đã theo cha mẹ lên núi hái đào. Trước đây, khi chưa có cây thông, cây hồi người dân xã ông chủ yếu dựa vào đào là nguồn thu nhập chính. Và cứ đến tháng 7 hàng năm đào chín, người dân hái đem xuống đường bán, cứ thế khách buôn từ miền dưới lên đây thu mua.

Đào Mẫu Sơn nở muộn hơn đào ở các nơi khác tầm 1 tháng sau Tết Nguyên đán. Ảnh Lăng Huy.
Đào Mẫu Sơn nở muộn hơn đào ở các nơi khác tầm 1 tháng sau Tết Nguyên đán. Ảnh Lăng Huy.

“Đào Mẫu Sơn quả to gần bằng cái bát ăn cơm, vỏ màu trắng hồng, ruột hồng đậm. Vị đào rất riêng, ăn dai, bùi và thơm không ăn bở như các giống đào khác vì thế người ta hay gọi đào Mẫu Sơn là đào tiên”, ông Suẩn kể.

Cũng nhờ cây đào, mà những năm đói kém đã giúp gia đình ông Suẩn và nhiều người thoát khỏi cảnh đói. “Một gánh đào 40-50kg bán được mấy đồng lúc đó nhưng đó chính là tiền sinh hoạt cả năm của gia đình, tôi có tiền đi học cũng nhờ bán đào”, ông Suẩn kể.

Là người lớn lên, gắn bó với cây đào, ông Suẩn không khỏi xót xa khi chứng kiến cây đào ngày một bị thoái hóa, diện tích trồng đào bị thu hẹp lại. “Xót lắm cô à, đây là giống đào quý, nhưng người dân thờ ơ để mặc nó “tự sinh tự diệt” theo quy luật tự nhiên. Nhìn những cánh rừng đào in dấu tuổi thơ của tôi đang ngày càng bị thu hẹp thay vào đó là hồi, thông mà tôi tiếc đứt cả ruột”, ông Suẩn trải lòng.

Những cây đào cổ không được chăm sóc bị sâu tấn công dẫn đến còi cọc theo thời gian và chết dần. Ảnh Đức Chuyên.
Những cây đào cổ không được chăm sóc bị sâu tấn công dẫn đến còi cọc theo thời gian và chết dần. Ảnh Đức Chuyên.

Nồi buồn của người giữ hồn đào

Đào Mẫu Sơn là một trong những giống đào quý ở nước ta, ra hoa muộn hơn so với các giống đào khác 1 tháng sau Tết Nguyên đán, bởi vậy người dân đa phần trồng đào để lấy quả thay vì chơi đào cảnh.  Được biết, một cây đào cổ thụ có đường kính gốc 60cm có thể cho 100 kg quả. Thế nhưng giờ đây, chỉ được 30-40kg, chất lượng của quả cũng kém đi rất nhiều.

Lý giải về điều đó, ông Suẩn cho hay: “Cây đào trồng từ đời ông bà nên đất đai căn cỗi rất cần sự chăm sóc của bàn tay con người, nhưng người dân ở đây theo tập quán cũ, không chịu học hỏi, áp dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc, cây thiếu chất dinh dưỡng, còi cọc sâu bệnh dễ dàng tấn công dẫn đến tốc độ thoái hóa nhanh hơn.”

Nhiều cây đào cổ thụ  có hàng chục năm tuổi bị sâu tấn công từ trong thân, cứ thế rồi héo khô và chết. Cây còn sống thì còi cọc, sâu bệnh cho quả bé vì không đủ chất dinh dưỡng cung cấp để nuôi cây, một phần nữa quả chi chít người dân không tỉa dẫn đến bé. 

“Từ đó, giá trị của quả đào giảm rất nhiều, khiến người dân không mặn mà với đào”, ông Suẩn nói giọng trầm buồn, mắt hướng về những cánh rừng đào mắt ngấn lệ.

Là kỹ sư nông nghiệp được phân công đi hướng dẫn bà con kỹ thuật về chăm sóc các loại cây trồng ở địa bàn huyện, anh Dũng không khỏi xót xa khi thấy giống đào quý ngày một bị thoái hóa, không có sự chăm sóc của người dân. Ảnh Đức Chuyên.
Là kỹ sư nông nghiệp được phân công đi hướng dẫn bà con kỹ thuật về chăm sóc các loại cây trồng ở địa bàn huyện, anh Dũng không khỏi xót xa khi thấy giống đào quý ngày một bị thoái hóa, không có sự chăm sóc của người dân. Ảnh Đức Chuyên.

Vốn là người được cử về đây để hỗ trợ bà con trong việc trồng rừng và chăm sóc các loại cây trồng ở huyện Cao Lộc, anh kỹ sư nông nghiệp Nông Văn Dũng - chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện chia sẻ: “Đào Mẫu Sơn được ví như đào tiên, cho giá trị kinh tế cao, năm ngoái, 1kg đào Mẫu Sơn có giá giao động từ 60-80 nghìn đồng, thương lái đến tận nơi mua, tuy nhiên, sản lượng không nhiều”.

Đang nói bỗng dưng anh Dũng dừng lại, thở dài đưa mắt lên chỉ về phía những ngọn đồi đang đỏ rực trước mắt nói: “Đào Mẫu Sơn đang bị nguy cơ “tuyệt chủng”  chị ơi”, nó đến gần với bờ vực đó do nhiều tác nhân tác động trong đó có tác nhân lớn là không có bàn tay chăm sóc, bảo tồn của con người. Không chỉ đào, mà trước đây có rất nhiều cây thuốc đã không thể tìm thấy dẫu trước đây mọc khắp nơi. Cây cũng như con người, cần được chăm sóc, bón phân, tưới nước, tỉa cành, nhưng người dân gần như phó mặc”.

Người dân nơi đây quen lối sản xuất truyền thông từ xa xưa, trồng cây lên rồi để mặc cây chống chọi với thiên nhiên, có quả thì thu hoạch, không có thì chặt trồng cây khác dẫn đến giống đào quý trơ trọi một mình chống đỡ với bệnh tật, quá trình thoái hóa.

Những gốc đào có tuổi thọ hàng chục năm bị chết khô. Ảnh Đức Chuyên.
Những gốc đào có tuổi thọ hàng chục năm bị chết khô. Ảnh Đức Chuyên.

Anh Dũng chia sẻ: “Trước đây, đào thường mọc ở các khe suối, nơi có nguồn nước quanh năm, độ  ẩm, chất dinh dưỡng nhiều do vậy quá trình chăm sóc không mất quà nhiều công. Thế nhưng, khi đưa về vườn, về núi trồng độ ẩm thấp, địa hình đa phần là núi đá, thiếu nước, lúc này, cần phải có sự chăm sóc của con người nhiều hơn. Nhưng dường như tư duy sản xuất của người dân theo kiểu truyền thống, lạc hậu cây bị sâu bệnh không được phát hiện, đất thoái hóa, thiếu chất dinh dưỡng không được bổ sung phân theo đó cây còi cọc, sâu bệnh mà chết”.

Thấy được nguy cơ đó, tỉnh Lạng Sơn, Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu Rau quả cũng như Phòng Nông nghiệp huyện Cao Lộc đã bắt tay vào công cuộc phục tráng đào Mẫu Sơn, nhằm duy trì vào bảo tồn giống đào quý đó. 

Trong thời gian thực hiện dự án phục tráng ngoài những cây đầu dòng được chọn làm bảo tồn thì người dân được hướng dẫn chăm sóc, kiểm tra sâu bệnh cho đào để phòng ngừa.

“Trong thời gian phục tráng nhiều vườn đào áp dựng kỹ thuật theo đó cây phát triển, hạn chế được sâu bệnh, cho năng suất và giá trị kinh thế cao. Toàn bộ kỹ thuật, cách thức chăm sóc chúng tôi bàn giao, tập huấn, thậm chí trước đó cầm tay chỉ việc trong thời gian thực hiện dự án. Thế nhưng, hết thời gian của dự án, họ không duy trì, vườn đào lại quay về trở lại nguyên trạng ban đầu”, anh Dũng thở dài kể lại…

Còn tiếp kỳ 2: Làm gì để bảo tồn giống đào quý trên bờ vực tuyệt chủng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ