Đưa con mình tham dự lễ, ngắm các em học sinh, tôi thấy dường như mình trẻ lại, bao nhiêu kỉ niệm ùa về trong tôi. Một ngôi trường thân yêu, nơi những người thầy, người cô tận tình dìu dắt… cho tôi có ngày hôm nay.
Lần giở trang học bạ, giấy đã ố vàng, nhưng những nét chữ thân thương vẫn còn rõ ràng lắm. Mở bài hát “Người Thầy” của Nguyễn Nhất Huy, tôi lang thang tìm về miền kí ức của mười sáu năm về trước.
Năm lớp chín cuối cấp hai, năm đầu tiên tôi biết mùi thi tốt nghiệp là căng thẳng như thế nào. Cấp một tôi được tuyển thẳng nên cứ nhẹ nhàng vào học cấp hai. Giờ mới thấm thì ra để thi đậu tốt nghiệp vào cấp ba là không hề dễ dàng.
Tôi nhớ cái ngày đầu bước vô lớp, cô chủ nhiệm trông khá ấn tượng. Cô mặc bộ áo dài màu đỏ, mái tóc uốn xoăn như modern thập niên sáu mươi. Giọng cô lai lai tiếng Bắc và tiếng Nam, nhưng chủ yếu là giọng Bắc, nghe có nét rất riêng.
Cô lúc đó rất nghiêm, mới buổi học đầu tiên mà cô đã dằn “học với cô thì dù làm bài đúng hay sai đều phải chép phạt”. Mới nghe có vậy thôi mà tôi thấy oải, cô dạy môn Toán mà kêu chép phạt thì thật khó hiểu.
Giờ ngẫm nghĩ lại mới thấy, đằng sau vẻ nghiêm khắc kia là cả trái tim nồng ấm lo cho học trò. Cô sợ học sinh của mình không nhớ cách giải bài nên cô cho chép phạt bài giải, chép đến nhuần nhuyễn, chỉ cần gặp kiểu bài tương tự thì nhắm mắt cũng làm được. Với cách dạy “đì” học trò đó, lớp tôi đậu tốt nghiệp một trăm phần trăm.
Cô thường nói vui “các em bây giờ oán trách cô, nhưng sau này sẽ nhớ những kiến thức môn Toán lớp chín nhất, không tin cứ chờ xem”. Lời cô đã đúng, tôi vẫn nhớ, và giải siêu các bài toán lớp chín nhất.
Nhưng cô ơi, em không chỉ nhớ bài toán, mà em cũng nhớ về cô nữa, cô chủ nhiệm đáng kính. Càng học với cô lâu, tôi càng phát hiện cô có nhiều tài lẻ. Cô tự may và thêu áo dài cô mặc bằng tay, tóc cô cũng tự cắt uốn, và cô vẽ thì không chê vào đâu được. Chỉ với một cái khăn và viên phấn, cô tự tạo hình compa vẽ ra hình tròn. Nào hình parabol, hypecbol, đường thẳng, xiên… cô chưa bao giờ cần dùng đến thước.
Bánh xe thời gian cứ êm đềm quay nhịp nhàng, tôi đã học với cô gần hết năm học. Càng gần ngày thi, cô càng tất bật hơn. Đêm cô thức khuya soạn giáo án, ngày lên ôn bài cho học sinh trên lớp. Trưa và chiều, cô cũng ôn tập cho học sinh tại nhà.
Cô xem xét kĩ từng học trò, em nào yếu môn nào, cô cũng lấn sân ôn tập thêm môn đó cho em. Lúc nào cô cũng dặn “đây là bước ngoặt của cuộc đời, nếu bây giờ em rớt, ra đời em sẽ thất bại vì không ai giao trọng trách cho học sinh chưa tốt nghiệp cấp hai”. Cô vẫn biết “khổ lắm nói mãi”, nhưng cô vẫn nói hằng ngày.
Từng lời thấm dần trong tôi, sự quan tâm nơi cô thôi thúc tôi phải học, tôi không thể phụ lòng của gia đình và thầy cô đã kì vọng vào mình. Tôi ngủ sớm, hai giờ sáng dậy học bài tới bốn giờ sáng ngủ tiếp. “Cần cù bù thông minh”, nếu mình không giỏi nhưng cứ học, cứ cố gắng, sẽ thành công.
Càng ngày, tần số học trò xuất hiện ở nhà cô càng dày đặc, hết tốp này đến tốp khác. Chúng tôi còn được nghỉ ngơi, nhưng cô thì những ngày cận thi cô càng bận rộn. Một chiều cuối năm, cô đã nấu cho chúng tôi nồi chè khoai môn thơm lừng. Đang học mệt mỏi, cô bưng lên cho mỗi đứa chén chè nóng hổi nghi ngút khói, cô bồi dưỡng để có sức học, có sức thi.
Cô lúc ấy không còn là người thầy nghiêm khắc nữa, mà thay vào là người mẹ hiền đang nấu cho đàn con ăn nồi chè ngon ngọt, ngầm chúc các con làm bài ngọt như chè. Hình ảnh cả đàn con quây quần bên nồi chè, người mẹ mồ hôi nhễ nhại nhưng miệng vẫn tươi cười “con ăn đi”, cứ đọng mãi trong tâm trí tôi, làm một phần hành trang tôi mang theo tới bến bờ vinh quang.
“Nghề giáo như nghề chèo đò, đưa những con đò đến được bờ tri thức. Cô vượt qua bao khó khăn, vì trót nặng lòng với học trò, biết bao nhiêu chuyến đò tới bến vinh quang nhờ người đưa đò tận tâm ấy.
Kỉ niệm như rót vào tim tôi những kí ức yêu dấu mà có một thời gian tôi đã lãng quên. Có giọt nước nơi khoé mắt khẽ rơi xuống, làm nhoè một góc chữ của cô, một niềm hối tiếc, thương người “mẹ” năm xưa.
Giữa bộn bề lo toan ngày nay, có mấy ai còn nhớ người đưa đò năm xưa? Dù mọi người có quên cô, nhưng cô vẫn thế, tận tuỵ đưa những chuyến đò sang sông. Tôi sẽ về lại trường cũ, mong gặp lại thầy cô, để được vỡ oà trong cảm xúc tinh khôi thuở nào. Mong rằng thời gian đừng quá tàn nhẫn để cho tôi còn có cơ hội nói lời “cảm ơn cô”.