Người “du học ngược”

Mùa hè năm nay, trong khi bạn bè cùng lứa đi du lịch đó đây thì Trần Nhựt An, tân sinh viên ĐH Fulbright chọn tham gia cuộc thi Hackathon dành cho các bạn trẻ đam mê công nghệ.

Trần Nhựt An.
Trần Nhựt An.

Khởi nguồn từ Thung lũng Silicon, Angel Hack Hackathon là chuỗi cuộc thi phát kiến toàn cầu thúc đẩy những đột phá sáng tạo về công nghệ. Với dự án tận dụng không gian trống trên xe buýt công cộng để dùng cho dịch vụ bưu chính, nhóm của An đã chiến thắng thử thách trong cuộc thi và có cơ hội phát triển ý tưởng này với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

“Giải pháp của chúng tôi nhằm giải quyết ba vấn đề. Một là chi phí hiện tại của dịch vụ vận chuyển bưu chính quá cao. Vấn đề thứ hai là để hoàn tất một dịch vụ bưu chính, nhân viên chuyển phát và người nhận phải gặp nhau trực tiếp để ký nhận hàng hóa – gây lãng phí thời gian không cần thiết.

Ba là, quy trình chuyển phát hiện tại có thể trở nên chồng chéo. Giải pháp của chúng tôi bao gồm ba yếu tố chính: các tuyến xe buýt đô thị, tủ khóa thông minh và một ứng dụng smartphone”, An cho biết.

Nhóm của An đề xuất triển khai các tủ khóa thông minh bên cạnh các bến đỗ xe buýt. Các tủ này chỉ có thể được mở bởi một chìa khóa số. Nhờ vậy, quy trình chuyển phát có thể thực hiện theo cách thức đơn giản hơn rất nhiều.

Người gửi đồ sẽ sử dụng một ứng dụng để đặt hàng vận chuyển và sau đó bỏ gói đồ vào tủ khóa gần nhất. Người phụ lái xe buýt sau đó sẽ chuyển gói đồ đến tủ khóa gần nơi đến nhất. Người nhận đồ sẽ được thông báo và cung cấp một chìa khóa số để có thể đến lấy gói đồ khi thuận tiện.

Mặc dù là thành viên trẻ nhất trong nhóm, An được tin tưởng chọn làm người thuyết trình trước Ban giám khảo về dự án Buslivery. An đã hoàn toàn chinh phục được Ban giám khảo khó tính với một bài trình bày mạch lạc về ý tưởng của Buslivery, từ các chức năng chính, thiết kế hình ảnh cho đến mẫu chạy thử.

Hành trình ngược chiều

Nhưng cuộc thi Angel Hackathon chỉ là khởi đầu của An trên hành trình trở về Việt Nam. Tháng Chín này, An sẽ trở thành tân sinh viên Đại học Fulbright Việt Nam niên khóa 2020-2024.

Hành trình đến với Fulbright của An gây ngạc nhiên cho nhiều bạn bè đồng trang lứa bởi trong khi nhiều bạn trẻ Việt Nam mơ ước sang Mỹ du học thì An lại đi con đường ngược lại: Trở về Việt Nam học sau khi đã hoàn thành một năm học tại một trường đại học công lập ở Hoa Kỳ, nơi cậu bạn được cấp học bổng để theo học ngành khoa học máy tính.

Là cựu học sinh trường Đinh Thiện Lý (TP.HCM), từ nhỏ An đã được nhà trường lẫn gia đình chuẩn bị nhiều kỹ năng cho việc học tập và sinh sống ở nước ngoài. Chính vì vậy, bố mẹ An đã rất lo lắng khi nghe bạn chia sẻ ý định về Việt Nam để bắt đầu lại việc học đại học ở Fulbright.

“Tôi vốn ham thích khám phá gần như là mọi thứ: khoa học tự nhiên và xã hội, tài chính, lịch sử, nghệ thuật, âm nhạc…Khi tôi tốt nghiệp trung học năm 2018, Fulbright, với triết lý giáo dục khai phóng, dường như là một lựa chọn phù hợp.

Nhưng không may là tôi biết về Fulbright quá muộn, chỉ một ngày trước khi vòng tuyển sinh năm Đồng kiến tạo khép lại. Bởi vậy, việc đi Mỹ du học trở thành lựa chọn duy nhất”, An chia sẻ.

Người “du học ngược”
Mang theo những kỳ vọng về một môi trường học thuật mới mẻ và đầy thách thức, An cảm thấy thất vọng khi nhận ra cuộc sống sinh viên ở Mỹ không như những gì bạn hình dung.
Hơn ai hết, An hiểu cảm giác của những du học sinh là như thế nào – cảm giác của những người ngoài cuộc. Cộng đồng mà bạn đang sinh sống khá thân thiện, nhưng vẫn không tránh khỏi những lúc bị định kiến dù vô tình.

Những cảm giác này mặc dù không làm giảm đi sự hào hứng được đi du học, nhưng vẫn làm cho An có những góc nhìn sâu sắc về việc rời xa quê hương như thế nào.

Với những lý do đó, An bắt đầu xem xét lại những sự lựa chọn của mình. An có thể lựa chọn chuyển tiếp sang một trường đại học khác ở Mỹ sau khi hoàn thành năm đầu tiên hoặc lựa chọn nộp đơn vào trường Đại học Fulbright – nơi mà An có những người bạn đang theo học.

Không xa lạ gì với năng lực học tập của bạn bè, đồng thời chứng kiến những trải nghiệm tích cực của họ tại Fulbright, An nhận ra đây là nơi bạn có thể vừa có thể được thử thách bởi những kiến thức học thuật, vừa được xoay quanh bởi những người bạn Việt Nam tài năng đồng trang lứa. 

“Tôi muốn khám phá các lĩnh vực khác nhau trước khi quyết định theo đuổi một thứ. Nếu như tôi không thể chọn được lĩnh vực mà mình sẽ gắn bó thì kế hoạch an toàn của tôi là tập trung vào ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo”, An chia sẻ về kế hoạch học tập ở Fulbright.

Cá tính và kiên định đi theo điều mình tin tưởng, cuối cùng thì An cũng đã thuyết phục được bố mẹ tin vào lựa chọn của mình, cũng giống như cách mà An đã thuyết phục Hội đồng tuyển sinh của Đại học Fulbright. Trong video chia sẻ về bản thân của An có đoạn:

“Ở Việt Nam, những người không đi theo số đông thường bị coi là cực kì điên rồ. Tuy nhiên, tôi không muốn chỉ dừng ở đó. Tôi biết rằng hành động luôn có ý nghĩa hơn cả. Tôi muốn mọi người nhìn ra và dám phá bỏ những khuôn mẫu để nghĩ mới và làm khác.

Tôi biết tôi còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng điều đó đồng nghĩa với việc tôi còn nhiều đất để phát triển. Vậy nên nếu các bạn đang tìm kiếm một ai đó để duy trì hiện trạng, xin lỗi, tôi không thể làm được.

Nhưng nếu bạn muốn tôi tôn thờ những gì phi chuẩn, thì không giống như Hercules khi thực hiện kỳ công thứ 5 của anh ta, tôi sẽ nói là tôi rất vui mừng được làm thế!”

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ