Báo Thanh niên đưa tin, Zimbabwe tuyên bố sẽ đưa đồng nhân dân tệ thành đồng tiền trong các cuộc đấu thầu chính thức của nước này sau khi Bắc Kinh đồng ý xóa 40 triệu USD sắp tới hạn thanh toán, theo AFP.
Bộ trưởng Tài chính Zimbabwe Patrick Chinamasa cho biết việc đưa đồng nhân dân tệ vào đấu thầu chính thức còn nhằm mục đích tăng cường giao thương thương mại giữa nước này và Trung Quốc.
Thời báo Kinh tế Việt Nam cũng đưa tin, đồng Nhân dân tệ được đưa vào danh sách các phương tiện thanh toán hợp pháp ở Zimbabwe từ năm ngoái, nhưng đến nay mới được sử dụng rất hạn chế. Hơn 85% giao dịch ở Zimbabwe hiện nay được thanh toán bằng Nhân dân tệ, còn lại chủ yếu là đồng Rand Nam Phi.
Đồng Đôla Zimbabwe đã bị Chính phủ nước này chấm dứt sử dụng vào năm 2009 sau khi siêu lạm phát lên tới mức kỷ lục, đến nỗi tờ 100 nghìn tỷ Đôla Zimbabwe vừa mới được in ra đã mất luôn giá trị.
|
Giới phân tích tin rằng nỗ lực tăng cường sử dụng Nhân dân tệ của Zimbabwe chủ yếu nhằm mục đích chính trị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Zimbabwe, ông Chinamasa, lấy ví dụ du khách Trung Quốc có thể tiêu Nhân dân tệ khi tới thăm Zimbabwe.
Tháng trước, ông Mugabe, 91 tuổi, đã đánh giá cao Bắc Kinh nhân chuyến thăm Zimbabwe của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Chúng tôi đánh giá rất cao sự thấu hiểu và linh động của Trung Quốc”, ông Mugabe nói.
Trong chuyến thăm của ông Tập, Trung Quốc và Zimbabwe đã ký một loạt thỏa thuận với tổng trị giá 4 tỷ USD. Tuy vậy, đã có những ý kiến bày tỏ lo ngại rằng nguồn vốn Trung Quốc sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ nần của Zimbabwe.
Theo các chuyên gia, khó có chuyện Nhân dân tệ sẽ được người dân Zimbabwe sử dụng rộng rãi, một phần bởi tiền mặt vẫn đang rất khan hiếm ở quốc gia châu Phi này.
Động thái khuyến khích người dân sử dụng đồng Nhân dân tệ được Chính phủ Zimbabwe đưa ra giữa lúc nền kinh tế có nguy cơ rơi trở lại vào suy thoái.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Zimbabwe đạt tốc độ tăng trưởng 1,5% trong năm nay. Tuy nhiên, với tình trạng hạn hán, thiếu điện nghiêm trọng, và giá hàng hóa cơ bản sụt giảm, cũng như bất ổn chính trị, nhiều nhà phân tích tin rằng dự báo như vậy là lạc quan thái quá.