Người dân Venezuela chạy trốn khủng hoảng

GD&TĐ - Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Venezuela gần như chẳng chừa một ai trong hơn 30 triệu người dân nước này. Venezuela đang trong thời kỳ lạm phát phi mã. Giá cả tại nước này đã tăng hơn 800%. Năm tới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo con số này lên tới hơn 2.300%.

Người dân Venezuela chạy trốn khủng hoảng

Kinh tế lao dốc, người dân... lao đao

Yesica Galindez (28 tuổi) rời Caracas để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đích cuối cùng của cô là Chile, cách Caracas gần 3.000 dặm. Vốn là một nhân viên chăm sóc cho một bệnh nhân cao tuổi giàu có ở thủ đô Venezuela, Galindez là một trong hàng ngàn người dân Venezuela quyết định chạy trốn cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, tham nhũng triền miên, xã hội căng thẳng, cùng với tình trạng thiếu hụt trầm trọng thực phẩm và dược phẩm.

Không chỉ có Galindez gặp khó khăn khi quyết định việc này. Rất nhiều người Venezuela lựa chọn rời bỏ đất nước cũng đang lâm vào tình trạng khó khăn, kiệt quệ về tài chính và thể chất.

Giá vé máy bay quá đắt đỏ, thêm vào đó, hầu hết các hãng hàng không đã dừng các tuyến bay từ/ tới Venezuela. Từng là một trong những đất nước giàu có nhất châu Mỹ Latin, Venezuela đã rơi xuống đáy của cuộc khủng hoảng xã hội và kinh tế trầm trọng nhất từ trước tới nay.

Con đường ra nước ngoài tốt nhất hiện nay là đi bus sang Colombia, nhưng chuyến đi cũng sẽ tốn ít nhất là hơn nửa tháng lương tối thiểu của người dân ở đất nước này. Một chiếc vé máy bay từ Caracas tới San Cristobal có giá 250.000 bolivar (2,23 USD), nhưng để mua được vé lại là một hành trình dài và gian khổ còn hơn chính chuyến đi. “Tôi đã phải xếp hàng 2 ngày để mua vé.

Tôi và cháu gái phải tới bến xe từ tối thứ Tư và ngủ ở đó cho đến khi mua được vé vào thứ Sáu”, Galindez cho biết. Tuy nhiên, sau khi chuyển bánh một thời gian ngắn, chiếc xe buộc phải dừng lại vì hư hỏng. Nhà xe thông báo cho hành khách rằng họ không thể chữa xe và họ phải tìm một chiếc xe khác.

Hệ thống vận tải của Venezuela chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế. Nhiều hãng sản xuất ô tô, trong đó có General Motors, đã rời khỏi đất nước này. Các bộ phận thay thế cho ô tô đều phải nhập từ nước ngoài với giá đắt đỏ, quá khả năng đáp ứng của đa số người Venezuela và một số công ty xe bus.

Chuyến đi gian khổ

20 giờ sau khi xuất phát, Galindez và 40 hành khách khác cuối cùng cũng lên một chiếc xe bus khác, tiếp tục vượt qua một hành trình nguy hiểm trong đêm để đến San Cristobal. Jose Medina, một hành khách khác trên cùng chuyến xe, tỏ ra vô cùng lo lắng mỗi khi chiếc xe ậm ạch như muốn dừng lại, với nguy cơ nhóm hành khách sẽ phải bơ vơ ở nơi đồng không mông quạnh giữa đêm.

May mắn thay, chiếc xe lại vui vẻ tăng tốc và nhẫn nại vượt từ Đông sang Tây Venezuela. Medina vượt hành trình này để sang với người vợ đã tới Colombia từ trước. Con trai họ cũng sẽ tiếp tục hành trình này để đoàn tụ với gia đình.

Mặc dù vẫn mông lung không rõ chuyển tới Colombia liệu có phải là quyết định sáng suốt của gia đình mình không, nhưng Medina nói rằng ông “mong muốn một sự thay đổi” để thoát khỏi những khó khăn ở đất nước mình.

Khi chiếc xe bus cập bến San Cristobal, bình minh vẫn chưa hé lộ. 40 hành khách, già có, trẻ có, vẫn còn một chặng đường dài trước mắt. Họ vội vàng bắt taxi, hoặc những chiếc xe cho thuê để tới biên giới cách đó 25 km.

Oscar Llanos là một trong những lái xe một trong những chiếc xe tư nhân, với giá 100.000 bolivar (chưa đến 1 USD) cho mỗi người. Sáng nào Llanos cũng tranh thủ tới đây chở khách đến biên giới, trước khi ông quay về làm việc theo giờ hành chính. Một tuần thu nhập từ công việc này lại cho Llanos thu nhập cao hơn 1 tháng lương từ công việc chính của ông.

Khu vực đường biên giữa Venezuela và Colombia vô cùng đông đúc. Từng đoàn người dài dằng dặc mệt mỏi chờ đợi làm thủ tục hải quan. Galindez không hề nhìn lại cuộc sống của mình ở Venezuela. Sau khi qua biên giới, cô tập trung vào chuyến đi tiếp theo để tới đích theo dự định: Chile.

Qua Colombia, Galindez chuyển sang một dòng người xếp hàng riêng để xin dấu vào hộ chiếu và lên xe bus tới Chile. Đích tới của cô là Santiago, một thành phố mới, một công việc mới. Cô cũng hy vọng sẽ có một gia đình mới, thay cho gia đình mà cô đã để lại phía sau. Venezueal, với cô, bây giờ đã là quá khứ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ