Người dân ùn ùn đầu tư 'tiền chết': Ngăn chặn như thế nào?

GD&TĐ - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nguyễn Thị Hồng khẳng định quan điểm, khi người dân nắm giữ vàng, số tiền đó trở thành 'tiền chết'...

Khách mua vàng tại Công ty vàng SJC. Ảnh: Q.H
Khách mua vàng tại Công ty vàng SJC. Ảnh: Q.H

Tại Nghị trường Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nguyễn Thị Hồng khẳng định quan điểm, khi người dân nắm giữ vàng, số tiền đó trở thành “tiền chết”, nhưng nếu chuyển hóa nguồn lực đó sang VNĐ sẽ có cơ hội để kinh doanh, đầu tư. Vấn đề là làm sao để khai thông quan điểm “thâm căn cố đế” của người dân về nắm giữ vàng?

Mua vàng theo phong trào, người dân lỗ nặng

Phiên giao dịch hôm 18/11, giá vàng trong nước tiếp tục ghi nhận sự điều chỉnh khá tích cực. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Bảo Tín Minh Châu, Doji, Phú Quý… niêm yết giá bán vàng miếng SJC lên mức 84 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng so với phiên trước đó. Ở chiều mua vào, giá vàng cũng tăng tới 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng so với phiên liền kề trước đó.

Bốn ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank) cũng đồng loạt niêm yết giá bán SJC 84 triệu đồng/lượng. Các ngân hàng này được lãi 1 triệu đồng/lượng khi mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước nên sáng 18/11, giá bán vàng của Ngân hàng Nhà nước ở mức 83 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn cũng bật tăng khoảng 500 – 700 nghìn đồng/lượng tùy từng thương hiệu vàng. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn 80,5 - 83 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua - bán. Tương tự, Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng nhẫn 81,7 - 83 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); Bảo Tín Minh Châu cũng niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 81,48 - 83,18 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)...

Khoảng một tuần qua, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn giảm liên tiếp theo giá thế giới. Tuy giá vàng hiện tại đã phục hồi nhẹ nhưng mức giảm 1 tuần vẫn lớn, lên đến 1,9 triệu đồng/lượng vàng miếng SJC và 2,25 triệu đồng/lượng vàng nhẫn.

Đặc biệt, do chênh lệch mua vào - bán ra vàng miếng SJC lên tới 3,5 triệu đồng/lượng lớn hơn nhiều so với vàng nhẫn nên nhà đầu tư mua vào cách đây một tuần lỗ ngay 5 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn gần 4 triệu đồng/lượng.

Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, kim loại quý trong nước biến động mạnh hơn so với thế giới, chủ yếu do tâm lý của người dân. “Thời gian qua, có tình trạng khi giá vàng tăng mạnh thì người dân ùn ùn đi mua vì tâm lý ‘sợ bị bỏ lỡ’ cơ hội và ngược lại, họ lại ồ ạt bán ra khi giá lao dốc”, ông Phương nói.

Quản lý thị trường vàng cách nào?

Trước biến động liên tục của giá vàng, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm, vàng là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến tỷ giá, lạm phát nên không thể để tự do hóa thị trường vàng mà cần có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, nếu không sẽ gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Theo đó, trong Nghị định 24 về kinh doanh vàng được đề cập chủ yếu là vàng vật chất gồm: Vàng miếng, vàng trang sức và vàng nguyên liệu. Nghị định không quy định về vàng tài khoản hay chứng chỉ vàng (có thể gọi là “vàng giấy”).

“Vàng giấy” là vàng mua theo tài khoản, giao dịch thông qua sàn vàng và không phải vàng vật chất. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay chưa có sàn vàng. Vì vậy, các chuyên gia đề nghị khi sửa đổi Nghị định 24 cần xem xét việc mở sàn vàng để có thể phát triển “vàng giấy”.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho hay, thực ra mà nói chứng chỉ vàng chỉ có thể thành công khi Ngân hàng Nhà nước thiết kế ra một lộ trình mà ở đó người dân thực tế có thể mua và khi có nhu cầu có thể đến rút vàng về.

“Phải làm sao để người dân cảm thấy rằng khi cầm chứng chỉ vàng cũng giống như cầm vàng trong tay, khi họ cần sẽ rút ra vàng để tích trữ hoặc bán lại cho ngân hàng một cách thuận lợi, tạo tính thanh khoản cực cao như vàng thực tế thì mới phát huy được hiệu quả. Từ đó, thay vì mua vàng thì họ sẵn sàng mua chứng chỉ vàng”, ông Phương nói.

Hiện nay, nếu Ngân hàng Nhà nước chưa có lộ trình cụ thể về chứng chỉ vàng để người dân cảm thấy nó có tính thanh khoản cao, sôi động y hệt vàng thật thì sẽ rất khó.

“Tâm lý của người dân Việt Nam mong muốn nắm vàng thật, họ nghĩ bỏ tiền ra là phải cầm vàng thật cho chắc ăn, sợ khi cầm ‘tờ giấy’ mà muốn bán, trao đổi hay lấy hàng về cũng khó… thì người dân sẽ không mặn mà”, ông Phương nói thêm.

Chuyên gia này ví dụ, khi sử dụng chứng chỉ vàng, người dân có thể rút vàng về bất cứ lúc nào, tất nhiên là phải báo trước để ngân hàng chuẩn bị. Và người dân có thể cầm cố chứng chỉ vàng này để vay VNĐ như sổ tiết kiệm, lúc này tính sôi động của chứng chỉ vàng sẽ tốt và người dân sẽ tin tưởng.

“Quan trọng nhất là người dân cần có thể rút được vàng về thật. Hiện, 50% người dân muốn mua vàng về cất giữ, nhưng cũng có 50% người mua vàng muốn gửi lại ngân hàng vì tình hình an ninh ở nhà, khu phố cũng không an toàn. Nói nôm na chứng chỉ vàng cũng như một sổ tiết kiệm vàng, như thế người dân sẽ tin tưởng và nếu hiện thực được điều này thì người dân có khả năng chấp nhận”, chuyên gia vàng Trần Duy Phương đúc kết.

Trong khi đó, ông Trương Hiền Phương nhận định, thời điểm này giá quy đổi vàng trong nước và thế giới đang thu hẹp. Đây cũng là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư muốn mua tích trữ hay đầu tư cũng khá tốt. “Chúng ta nên chia tiền và mua dần chứ không nên đổ xô mua hết một lần, có thể tuần này mua 1 vài lượng, tuần sau mua tiếp”, ông Phương nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhắn nhủ người muốn bán vàng nên cân nhắc bán ra thời điểm này: “Nếu chúng ta cần tiền và trước đây mua được ở giá khoảng 60 - 70 triệu đồng/lượng thì có thể bán chốt lời, còn nếu chưa cần thiết lắm thì nên chờ thời điểm thích hợp khi giá vàng hồi phục trở lại”.

Nếu như đầu năm 2024, giá vàng khởi đầu với mức giá là 2.063 USD/ounce, tương đương 63,8 triệu đồng/lượng thì đến cuối tháng 10, giá vàng đã đạt đỉnh cao kỷ lục là 2.790 USD/ounce, tương đương 86,24 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ thứ 47, giá vàng đã quay đầu giảm rất nhanh. Hiện, giá vàng thế giới mở cửa phiên giao dịch ngày 18/11 đang chạm mức 2.592 USD/ounce, tương đương 80,24 triệu đồng/lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.